Thành phố thông minh cần thiết phải là những đô thị gắn kết, nơi tiềm năng của công nghệ được khai thác hiệu quả.

Hiện nay, trong cuộc chạy đua “thành phố thông minh” (smart city) trên khắp thế giới, người ta thường nói nhiều đến giải pháp công nghệ nhằm giải quyết các vấn đề mà đô thị hay gặp phải, cũng như để tăng cường tính kết nối [qua nền tảng IoT], … Điều này hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội kinh doanh cho các ông lớn và start-up công nghệ; Cả Google, IBM, Cisco và Intel đều đã và đang chào hàng những nền tảng smart city của riêng họ, cam kết kiến tạo sự đổi thay và cải thiện chất lượng cuộc sống tại các thành phố1.

Lấy ví dụ, Chính phủ Ấn Độ đang đặt ra một mục tiêu đầy tham vọng: xây dựng hơn 100 thành phố thông minh ngay trong thập kỷ tới, và đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác với những tên tuổi như Microsoft2, …

Tại Việt Nam, cũng có không dưới 10 đô thị đăng ký trở thành smart city, và thường xuyên tổ chức rất nhiều tọa đàm, hội thảo, diễn đàn hay triển lãm chuyên đề. Trong số đó, chính quyền Hà Nội đang tỏ ra đặc biệt nỗ lực trong việc thực hiện cải cách nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, thông qua triển khai các nền tảng như chính phủ điện tử (ứng dụng hỗ trợ kê khai, đăng ký, giải quyết giấy tờ, thủ tục, khiếu nại, thu thập và phản hồi ý kiến người dân, … qua mạng, hay ngay trên ứng dụng di động Zalo).

Tất cả những bước đi trên đều tốt, nhưng xem ra chưa đủ. Các nhà hoạch định chính sách cần chú trọng hơn nữa đến việc kêu gọi sự tham gia của người dân để giải quyết những vấn đề của thành phố, cần “làm rõ dân cần gì, triển khai ra sao và khi nào thì cần điều chỉnh.” Chưa nói tới thông minh, các đô thị tương lai nhất thiết phải là những thành phố gắn kết (engaged city) – nơi sự quan tâm đối với công nghệ được hướng sang mục tiêu tối hậu là khai thác chúng một cách hiệu quả.

Thứ nữa, dường như những bộ óc tốt nhất thế giới lại đang quá bận bịu đi tìm giải pháp cho người giàu – vốn chẳng gặp quá nhiều vấn đề nghiêm trọng và cũng không thể đại diện cho số đông; Chẳng hạn, do đặc tính cô lập (isolated) và loại trừ (exclusive) quá lớn mà các thành phố của Mỹ đang phải rất vật lộn với nghịch lý này. Smart city, vì thế cần phải mang tính bao trùm (inclusive), nơi vốn con người (human capital) thăng hoa, điều chỉ có thể đạt được bằng cách xây dựng và tổ chức tốt những cộng đồng (community) nhằm đem lại niềm tin, sự hòa hợp và cộng tác giữa con người với nhau3.

Cộng đồng dân cư gắn kết, chất liệu quan trọng của bất cứ đô thị đáng sống nào.
Ảnh: Credit Union

Trong buổi tọa đàm “Smart cities for all: putting people first” (Thành phố thông minh cho tất cả – tiếp cận trước hết từ con người) diễn ra hôm 07/09 tại Trung tâm văn hóa Mỹ (Hà Nội), hai diễn giả TS. Phạm Thị Thanh Long4 và Đỗ Thùy Dương5 đã cùng chia sẻ mối lưu tâm, rằng hiện nay hầu hết các thành phố (dù định hướng thông minh hay không) đều đang xem nhẹ hoặc làm chưa tốt sứ mạng gắn kết người dân (không phân biệt thành phần, tuổi tác, giới tính, …) đặc biệt là đối với các chương trình nghị sự (agenda). Điều này thể hiện rõ nhất qua thái độ, trách nhiệm của người dân đối với nơi mà mình sống.

Trước giờ chúng ta luôn hiểu: mình đóng thuế thì mình phải được phục vụ, nhưng mối quan hệ trách nhiệm ở đây cần thiết phải là hai chiều – tức cộng sinh. Không ít người trong chúng ta, mỗi khi đi qua đường, thấy ổ gà, nắp cống hư hại, hay rác bừa bãi … thay vì báo cáo với các cơ quan chức năng, thì lại hay phát ngôn những câu bâng quơ như “sao mãi không chịu sửa”.

Công nghệ, như vậy xem ra không phải là vấn đề phức tạp nhất, khi hầu hết cư dân đô thị ngày nay đều đã biết dùng điện thoại, internet, hoặc có liên hệ của một đường dây nóng nào đó. Nhưng thực tế thì hầu hết đều đang bỏ qua trách nhiệm công dân. Dẫu có đầu tư nhiều tiền bạc cho những hệ thống, nền tảng công nghệ xa xỉ, song nếu người dân không quan tâm, không hưởng ứng thì cũng chẳng thể phát huy tác dụng. Chỉ khi bất cứ ai cũng tích cực làm tốt vai trò và trách nhiệm của mình, để đóng góp cho một đô thị đáng sống hơn, bền vững hơn, thì những thị dân sẽ cam kết ở đó, gắn bó lâu dài với thành phố thay vì tìm cách chuyển đi nơi khác. Vậy đâu là những quy định, chính sách mà chính quyền cần có để tạo động lực và dần hình thành thói quen tốt cho người dân và cùng họ thực hiện?

Trên thực tế, không có bất cứ khuôn mẫu hay mô hình chung, duy nhất nào có thể được đem ra áp dụng dập khuôn cho các thành phố, do sự khác biệt về quy mô, dân cư, kinh tế, địa lý, văn hóa … hay giữa các đô thị phương Tây với Á Đông cũng đã khó có thể tìm thấy nhiều điểm tương đồng.

Vì vậy, Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh nhất thiết phải có chiến lược xây dựng smart city của riêng mình, chứ không thể hướng tới việc trở thành bản sao của Paris hay Singapore. Tuy nhiên, những kinh nghiệm và giải pháp mà một số đô thị đi trước đã vận dụng tương đối thành công, hoàn toàn vẫn có thể trở thành bài học đáng để chúng ta tham khảo. Đặc điểm chung của Copenhagen (Đan Mạch), Buenos Aires (Argentina), Singapore hay Dubai (UAE) – những điểm sáng về smart city, đó là chính quyền của họ đã rất nỗ lực trong việc gắn kết người dân và đi sâu vào giải quyết các vấn đề mang tính cụ thể, hoặc để hoàn thành những mục tiêu tham vọng.

Chẳng hạn, Copenhagen mong muốn cắt giảm tối đa lượng khí thải ô nhiễm nhờ khuyến khích sử dụng xe đạp, xe bus, bên cạnh triển khai công nghệ mới xoay quanh mối quan hệ chính quyền - doanh nghiệp - đại học, viện nghiên cứu - người dân; Buenos Aires lại hướng tới cung cấp cho công dân những dịch vụ và giải pháp mau lẹ, đơn giản và tiết kiệm nhờ sự trợ giúp của công nghệ.

Trong khi Singapore đang rất tham vọng với sáng kiến “smart nation” dựa trên nền tảng ICT, thường xuyên tổ chức các cuộc thi như Hackathon nhằm kêu gọi người dân cùng tham gia tìm giải pháp; Còn Dubai lại đề xuất đo lường, đánh giá mức độ hạnh phúc, thỏa mãn của người dân đối với các dịch vụ công quyền thông qua “Happiness Meter” ứng dụng những công nghệ mới nhất6.

Sau cùng, để các thành phố trở nên thông minh thực sự, thì những chất liệu cấu thành đô thị (như thể chế, dân cư, …) cũng cần thiết phải thông minh tương xứng và được kết nối với hạ tầng. Chúng ta, cả nhà chức trách lẫn người dân, thay vì quan tâm quá nhiều đến công nghệ, hãy giành sự ưu tiên nhiều hơn cho những thứ nền tảng, hướng đến xây dựng và tổ chức tốt cộng đồng thông qua khai thác những khả năng mà công nghệ có thể đem lại.

Chú thích:

1, 6. Xem: Jennifer Alserver (2015), 4 Smart cities that put people first, The Wired. Link: https://www.wired.com/brandlab/2015/10/4-smart-cities-that-put-people-first/

2, 3. Xem: Sam Pitroda (2017), Why Smart Cities Need to Be Happy Ones, Too, Knowledge@ Wharton. Link: http://knowledge.wharton.upenn.edu/article/smart-cities-need-happy-ones/

4. Trung tâm International Energy Research Center, University College Cork, Ireland.

5. CEO Công ty đào tạo nhân lực Talent Pool, Đại biểu HĐND Hà Nội.