Mười một cơ quan tài trợ nghiên cứu ở châu Âu công bố “Kế hoạch S” (Plan S) nhằm làm cho tất cả các công trình khoa học có thể được đọc miễn phí ngay khi chúng xuất bản.

11 cơ quan tài trợ nghiên cứu từ Pháp, Anh, Hà Lan và tám quốc gia châu Âu, với tổng chi phí tài trợ nghiên cứu khoảng 7,6 tỷ euro hằng năm vừa công bố một sáng kiến về tiếp cận mở có thể thay đổi bộ mặt xuất bản khoa học trong hai năm. Theo đó, từ năm 2020, các xuất bản của các nhà khoa học nhận tài trợ của 11 cơ quan nghiên cứu này phải được phép đọc miễn phí ngay khi xuất bản. Các công bố khoa học sẽ có giấy phép xuất bản mở - cho phép bất kỳ ai tải xuống, dịch hoặc sử dụng lại tác phẩm. “Khoa học không thể bị giới hạn đằng sau những ‘bức tường phí (paywall)’ ” lời tuyên bố khi kế hoạch S được công khai vào ngày 4 tháng 9 viết.


Sẽ làm thay đổi bộ mặt ngành xuất bản


“Đó là một tuyên bố rất mạnh mẽ. Nó sẽ gây tranh cãi và khuấy động nhiều cảm xúc,” Stephen Curry, một nhà sinh vật học cấu trúc và người ủng hộ truy cập mở tại Imperial College London, nói. Chính sách này dường như đánh dấu một sự thay đổi đáng kể trong phong trào xuất bản truy cập mở, vốn vẫn chậm chạp trong nhiều năm nay.


Kế hoạch S sẽ làm ảnh hưởng tới xuất bản trong 85% các tạp chí, bao gồm các tên tuổi có ảnh hưởng như Nature và Science. Cho đến tháng 12/2017, chỉ có khoảng 15% tạp chí xuất bản dưới dạng truy cập mở ngay lập tức, hơn một phần ba các tạp chí vẫn xuất bản các nghiên cứu dưới dạng thu phí (paywall) và thường cho phép phát hành các bản trực tuyến miễn phí sau ít nhất sáu tháng - nhờ tuân thủ các chính sách của các cơ quan tài trợ có ảnh hưởng như Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ (NIH).

Sáng kiến này được dẫn đầu bởi Robert-Jan Smits, đặc phái viên của Ủy ban châu Âu về tiếp cận mở.

Sáng kiến này được dẫn đầu bởi Robert-Jan Smits, đặc phái viên của Ủy ban châu Âu về tiếp cận mở.

Sáng kiến này được dẫn đầu bởi Robert-Jan Smits, đặc phái viên của Ủy ban châu Âu về tiếp cận mở. (‘S’ trong Kế hoạch S là từ viết tắt cho ‘khoa học, tốc độ, giải pháp, sốc’). Ngoài các cơ quan tài trợ khoa học ở Pháp, Anh và Hà Lan, các cơ quan tài trợ khoa học ở Áo, Ireland, Luxembourg, Na Uy, Ba Lan và Slovenia, cũng như các hội đồng nghiên cứu ở Ý và Thụy Điển đều đã ký vào thỏa thuận này.


Kế hoạch này nhận được sự quan tâm lớn của giới học thuật. Peter Suber, giám đốc Dự án truy cập mở Harvard và Văn phòng Harvard về truyền thông học thuật cho biết: “Kế hoạch này là điều đáng mong chờ sau khoảng 15 năm thử nghiệm với các chính sách [truy cập mở] khác mà chưa đạt được hiệu quả”. “Chúng tôi rất ủng hộ tham vọng đặt ra trong Kế hoạch S,” Jeremy Farrar, giám đốc Wellcome Trust, một tổ chức tài trợ về y sinh, đặt ở London cho biết.


Chưa nhận được ủng hộ hoàn toàn từ giới quản lý


Mặc dù Smits có vai trò lớn, Ủy ban châu Âu chưa ký vào bản kế hoạch. Nhưng Smits nói rằng ông hy vọng các yêu cầu của bản kế hoạch này sẽ được tích hợp vào các điều khoản tài trợ nghiên cứu trong tương lai từ ủy ban. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa tích hợp được, vì các nhà hoạch định chính sách vẫn tranh luận chưa thống nhất chi tiết về chương trình nghiên cứu và đổi mới tới đây – chương trình Horizon Europe, bắt đầu vào năm 2021, có trị giá 100 tỷ euro trong 7 năm. Smits nói rằng ông hy vọng nhiều cơ quan tài trợ khoa học sẽ tham gia, và ông sẽ thảo luận về kế hoạch này tại Hoa Kỳ vào tháng tới với các quan chức Nhà Trắng, các viện hàn lâm khoa học và các trường đại học.


Ngoài ra, các cơ quan nghiên cứu cấp quốc gia ở một số quốc gia giữ vị thế khoa học hàng đầu châu Âu, như Thụy Sĩ, Thụy Điển và Đức, vẫn đang cân nhắc về tiến độ cũng như các quy định cụ thể của kế hoạch S nên chưa ký kết. Còn ở Vương quốc Anh, không thể tính toán được các cơ quan tài trợ sẽ phải trả bao nhiêu tiền cho xuất bản truy cập mở nếu chưa có thảo luận với các nhà xuất bản. Việc chi trả bao nhiêu phụ thuộc vào phản ứng của ngành công nghiệp. Đây là một tuyên bố về các nguyên tắc, nó không phải là một tuyên bố về các mô hình [xuất bản].


Các nhà xuất bản lo ngại


Khi được hỏi ý kiến trước khi khởi động kế hoạch, các nhà xuất bản cho biết họ có những lo ngại nghiêm trọng. Một phát ngôn viên của Hiệp hội các nhà xuất bản khoa học, kỹ thuật và y tế quốc tế (STM), có trụ sở tại Oxford, Anh, đại diện cho 145 nhà xuất bản, nói với tờ Nature rằng mặc dù họ hoan nghênh nỗ lực của các nhà tài trợ, các phần của Kế hoạch S “cần phải xem xét kỹ lưỡng hơn để tránh bất kỳ hạn chế không mong muốn nào đối với các quyền tự do học thuật”.


Phát ngôn viên của nhà xuất bản Springer Nature cho biết: “Chúng tôi kêu gọi các cơ quan tài trợ nghiên cứu có sự điều chỉnh hợp lý và các nhà hoạch định chính sách xem xét bức tranh toàn cầu”. Bởi vì, loại bỏ các lựa chọn xuất bản của nhà nghiên cứu có thể làm suy yếu toàn bộ hệ thống xuất bản nghiên cứu.


Trong khi đó, Hiệp hội Phát triển Khoa học Mỹ (AAAS), nơi xuất bản tạp chí Science, nói rằng mô hình được phác thảo trong Kế hoạch S “sẽ không hỗ trợ bình duyệt (peer-review) chất lượng cao, xuất bản nghiên cứu và truyền thông”. Việc thực hiện kế hoạch sẽ “làm tổn hại đến các nhà nghiên cứu” và “cũng sẽ không bền vững đối với các tạp chí khoa học”.


Tuy nhiên, Smits nói rằng bình duyệt chất lượng cao vẫn là một phần của hệ thống xuất bản khoa học theo Kế hoạch S. “Nhà xuất bản không phải là kẻ thù [của kế hoạch S]. Tôi muốn họ là một phần của sự thay đổi,” ông nói.


Hoàng Nam lược dịch


Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-06178-7