Các nguồn hỗ trợ quốc tế
Theo Nature, để vượt qua những thách thức này, trong những năm gần đây, các nước châu Phi đã nhận được nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau từ các quỹ, các tổ chức quốc tế cho việc thành lập, xây mới các trung tâm nghiên cứu, đầu tư nguồn lực con người, giải quyết những vấn đề cấp bách như y tế, nông nghiệp.
Ngân hàng Thế giới đã đầu tư hàng trăm triệu để hỗ trợ phát triển khoa học ở châu Phi: lần đầu tiên là kế hoạch Các trung tâm Xuất sắc châu Phi (African Centres of Exellence - ACE) vào năm 2014 với khoản vay 165 triệu USD để thành lập 22 trung tâm nghiên cứu ở phía Tây và Trung Phi; lần thứ hai, sau 2 năm với 148 triệu USD cho các khoản vay để tạo ra 24 trung tâm ở các nước Đông Phi và Nam Phi; và tăng gần gấp đôi ngân sách của mình với lần đầu tư thứ ba, và có lẽ là lần đầu tư cuối cùng trị giá ít nhất 280 triệu USD thành lập 46 trung tâm giáo dục và nghiên cứu tại 17 quốc gia châu Phi.
Các chính phủ cũng nhận được khoản vay của Ngân hàng Thế giới để thúc đẩy các trung tâm nghiên cứu liên kết với các trường đại học và phát triển các hoạt động đào tạo và nghiên cứu. Các trung tâm phía Tây Phi và Trung Phi đã nhập học khoảng 6.500 thạc sĩ và 1.600 nghiên cứu sinh cho đến nay; các trung tâm phía Đông và Nam Phi có thêm khoảng 1.800 thạc sĩ và nghiên cứu sinh.
Gần đây, một số cơ quan, chương trình nghiên cứu mới ở châu Phi đã thành lập như: Hiệp hội Thúc đẩy Tài năng Khoa học ở châu Phi có trụ sở tại Nairobi, Kenya đã được thành lập bởi Viện Hàn lâm Khoa học châu Phi với sự hợp tác của NEPAD. Hiệp hội sẽ trao giải nghiên cứu cho các trường đại học châu Phi, tư vấn về sử dụng tài chính và phát triển chiến lược khoa học cho châu Phi. Hiệp hội cũng tạo cơ hội cho các nhà khoa học châu Phi thống nhất ý kiến trong việc sắp xếp một chương trình nghiên cứu và phát triển cho các nước châu Phi.
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ và quỹ Wellcome Trust (một quỹ từ thiện quốc tế độc lập hoạt động vì sức khỏe cộng đồng) đầu tư gần 200 triệu USD vào các dự án nghiên cứu về hệ gene học ở châu Phi, ngân hàng sinh học và đào tạo nhân lực cho tin - sinh học. Khoản đầu tư này nhằm giải quyết nhiều bệnh tật ở châu Phi hiện nay và tạo điều kiện để các nhà khoa học châu Phi có khả năng phát triển kỹ năng và can thiệp vào các vấn đề sức khỏe. Những ưu tiên hàng đầu của các dự án này là nghiên cứu các vấn đề di truyền, gene, vaccine nhằm tìm chìa khóa để giải quyết cho nhiều vấn đề y tế ở châu Phi.
Thông qua các hoạt động này, Ngân hàng thế giới đánh giá, một số quốc gia châu Phi đang tích cực thay đổi nhằm phát triển nguồn nhân lực, xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút nhân tài là các nhà khoa học châu Phi ở lại châu Phi - hoặc thu hút họ trở về từ nước ngoài. Đây là tất cả các bước đi đúng hướng đầy hứa hẹn, nhưng vẫn còn những thách thức đang chờ đón ở phía trước.
Thiếu hụt nhân lực và quỹ nghiên cứu nội địa
Mặc dù các quan hệ đối tác quốc tế có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đổi mới hoạt động khoa học ở châu Phi nhưng sẽ không thể có hiệu quả, nếu các nước này không chuẩn bị nền tảng nào về mặt quản lý khoa học, tài chính, nguồn lực con người trong giới hạn khả năng của mình. Trong khi đó, nhiều nước châu Phi chưa có các quy định chặt chẽ về quản lý khoa học và chưa thể đảm bảo nguồn lực tài chính cho nghiên cứu.
Một số nước vẫn đang trong quá trình xây dựng các cơ chế tài trợ nghiên cứu quốc gia - một điều mà trước đây hiếm thấy ở các nước châu Phi. Kenya thì vừa mới xây dựng một cơ chế tài trợ cấp quốc gia trong năm 2015, và Uganda dự kiến sẽ khởi động chương trình của mình vào cuối năm nay. Chính phủ Ghana cho biết rằng họ đang dành 50 triệu USD cho một quỹ nghiên cứu, nhưng đề xuất vẫn đang chờ sự phê chuẩn của nghị viện.
Hầu hết các nước châu Phi khi gặp khó khăn trong vấn đề duy trì các quỹ nghiên cứu nhà nước. Năm 2006, các thành viên của Liên minh châu Phi đã thông qua một mục tiêu mỗi quốc gia để dành 1% tổng sản phẩm quốc nội của mình vào nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, đến năm 2017 chỉ có ba nước - Nam Phi, Malawi và Uganda - đã đạt được mục tiêu này. Hay Kenya dự định dành ra 30 triệu USD từ năm 2017, nhưng ngân sách này đã bị cắt giảm xuống 27 triệu USD trong năm 2018, do nguồn thu từ thuế thấp hơn dự kiến và chi phí cho bầu cử liên tiếp vào năm ngoái. Ngân sách năm tới có thể thậm chí còn thấp hơn nữa, các quan chức trong nước cho biết.
Gần đây, các trung tâm nghiên cứu được thành lập với sự hỗ trợ của các quỹ quốc tế bắt đầu kế hoạch “cai sữa” tài trợ và các nước sẽ phải quen với việc có kế hoạch tiếp tục đầu tư cho nghiên cứu một cách “tự lực”. Tuy nhiên, việc các chính phủ có thể vay cho nghiên cứu với thời hạn lâu dài (như với ACE là 40 năm, trong đó có giai đoạn đầu 10 phải trả với lãi suất rất thấp hoặc gần như bằng không) cũng sẽ là một thách thức, bởi các chính phủ châu Phi có “tuổi thọ chính trị” khá ngắn.
Tuy nhiên, các trung tâm nghiên cứu của châu Phi cũng đang nỗ lực tiến đến tự chủ tài chính. Hiện nay, một số trung tâm đã giành được tài trợ từ các quỹ uy tín như Wellcome Trust hay Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ. Esther Ngumbi, nhà nghiên cứu hậu tiến sĩ tại Đại học Illinois, Urbana-Champaign, và là một thành viên tại Viện Chính sách Thế giới, khuyến nghị: “Các quốc gia nên khuyến khích tinh thần kinh doanh trong các tổ chức nghiên cứu. Một cách để làm điều này là thiết lập các văn phòng thương mại hóa, điều này có thể giúp các nhà khoa học đưa nghiên cứu của họ ra thị trường. Các nhà khoa học ở khắp mọi nơi cần giúp đỡ việc điều hướng bộ máy quan liêu để biến ý tưởng thành một liên doanh thương mại.