Một hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với gần như đầy đủ các thành phần chính đã dần được hình thành qua tám kỳ TECHFEST. Tuy nhiên, để đi vào vận hành đúng như mong đợi và trở thành vườn ươm cho những ý tưởng và giải pháp mới thì hệ sinh thái này vẫn cần những chính sách phù hợp.

Miền đất màu mỡ cho hạt giống khởi nghiệp

Chủ đề “Đổi mới sáng tạo mở, khơi nguồn tư duy mới” của TECHFEST 2022, được tổ chức tại Bình Dương từ ngày 2 đến 5/12/2022 mang rất nhiều thông điệp của ban tổ chức cho năm 2023, vốn được dự báo với nhiều khó khăn. Do đó, sự cởi mở và tư duy mới là điều mà ban tổ chức nhấn mạnh vào như một chỉ dấu cho con đường đi của startup vượt qua khó khăn giai đoạn tới, như cái cách mà nhiều startup đã vận hành trong suốt hai năm COVID-19 vừa qua.

Từ năm 2015 khi lần đầu tiên được tổ chức, TECHFEST đã cho thấy sự trưởng thành, đa dạng phong phú của một hệ sinh thái đã có bề dày kinh nghiệm trong ươm tạo và nuôi dưỡng startup. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng – người nhận nhiệm vụ lĩnh xướng cho hệ sinh thái, nhớ lại thời điểm ấy: “Sau khi được sự giúp đỡ từ Phần Lan, TECHFEST Việt Nam 2015 chính thức được tổ chức lần đầu tiên, thu hút hơn 1.000 lượt tham gia, với 50 nhà đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm, các vườn ươm trong nước và quốc tế và 50 startup. Sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của sân chơi giới thiệu công nghệ mới và nơi các nhóm khởi nghiệp học hỏi kinh nghiệm, tư vấn từ những chuyên gia hỗ trợ khởi nghiệp giàu kinh nghiệm trên thế giới”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan các gian hàng tại TECHFEST2022 tại Bình Dương.

Thế nhưng sau khi sự kiện kết thúc, những người tổ chức phát hiện ra một vấn đề rằng, không có ý tưởng nào trong số tất cả các ý tưởng khởi nghiệp được trình bày tại sự kiện này thuyết phục được nhà đầu tư. Ở thời điểm này, những người tham gia xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mới hiểu rằng, việc mời bằng được các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam chưa phải là điều quan trọng nhất đối với khởi nghiệp. Điều này chỉ thực sự “chín muồi” khi các công đoạn trước đó làm tốt, đó là các ý tưởng phải được nuôi dưỡng, ươm tạo và những người có ý tưởng cũng phải có đủ năng lực, đủ khả năng thuyết trình giải pháp, ý tưởng trước các nhà đầu tư, có vậy mới thuyết phục các nhà đầu tư bỏ tiền.

Thực tế này đã gợi ý cho sự ra đời của Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” (Đề án 844), vốn gói gọn rất cả những điều đó vào một câu “làm sao hỗ trợ cho startup một cách tốt nhất”. Từ một hệ sinh thái khởi nghiệp với thế hệ startup đầu tiên ra đời tự phát, Đề án 844 đã lĩnh xướng và cho ra đời một hệ sinh thái với đầy đủ các thành phần từ startup, nhà đầu tư, quỹ đầu tư, vườn ươm, vườn tăng tốc. Cách tổ chức của TECHFEST cũng theo đó mà dần thay đổi. Thay vì đi sâu vào hỗ trợ các làng, các startup riêng lẻ... giờ đây, ban tổ chức TECHFEST trao quyền cho các trưởng làng và chủ trì phần mạnh nhất của mình – đối thoại chính sách. TECHFEST 2022 bởi thế mà chứng kiến sự nở rộ của các làng công nghệ. Nếu như năm 2019, số lượng làng công nghệ là 9, thì đến năm 2022, con số đã lên tới 34 làng công nghệ với sự xuất hiện của 18 làng công nghệ mới như vũ trụ ảo Metaverse, Blockchain, AI, dược liệu sạch, nghệ thuật sáng tạo, Marketing, năng lượng sạch, kinh tế tuần hoàn, sinh thái, giao thông vận tải, triển lãm công nghệ toàn cầu, chăm sóc sắc đẹp, công nghệ số, doanh nhân số… TECHFEST cho thấy sự bắt kịp hơi thở của cuộc sống, cập nhật những công nghệ mới nhất để startup dù ở lĩnh vực nào cũng tìm thấy “nơi họ thuộc về”.

Khi các làng đã mạnh, việc còn lại là giải quyết các bài toán của hệ sinh thái ở những “sân khấu riêng”. Đó là IPO Stage – Đường băng sáng tạo, Kỳ lân cất cánh – tọa đàm chiến lược ươm tạo và tăng tốc kỳ lân cho các startup có tiềm năng và được khẳng định về thị trường cũng như năng lực phát triển. IPO sẽ thúc đẩy thị trường vốn quy mô quốc gia và hướng đến thị trường quốc tế như Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản và NewYork (Hoa Kỳ)… Open Innovation Stage – Diễn đàn đổi mới sáng tạo mở lần hai với mong muốn thay đổi nhận thức về định hướng phát triển có chiều sâu cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi nền kinh tế tri thức sau gần 10 năm xây dựng, thông qua các nền tảng mở, công cụ mở và chuỗi liên kết hợp tác giữa Viện trường – Doanh nghiệp – Chính phủ - Truyền thông. Mentor Stage là hội thảo hội tụ mạng lưới cố vấn trong nước và quốc tế cùng phát hiện và giải quyết các vấn đề, thách thức của địa phương bằng các giải pháp công nghệ, đổi mới sáng tạo. VC Stage bàn cách phối hợp, liên kết các nguồn lực từ khối tập đoàn và quỹ đầu tư mạo hiểm nhằm tìm kiếm nguồn vốn và cơ hội mở cho hệ sinh thái. Innovation Hub Stage - hội thảo chuyên đề về các Trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Phát biểu trên sân khấu của TECHFEST, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt vẽ ra bức tranh về hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam bằng các con số. Từ điểm trung tâm là Bộ KH&CN, giờ đây, hệ sinh thái khởi nghiệp đã phong phú về thành phần, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia đã có hơn 400 thành viên, tiếp cận được hơn 1.000 nhà khoa học, chuyên gia và các bên quan tâm đến khởi nghiệp rất phong phú và đa dạng như các trường đại học, viện nghiên cứu, tổ chức hỗ trợ trong nước và quốc tế. Hệ thống cố vấn, huấn luyện viên, tư vấn viên từng bước được chuyên nghiệp hóa, kết nối chặt chẽ với mạng lưới các cố vấn, huấn luyện viên quốc tế. Hơn 170 trường Đại học, Cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có những hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, hơn 200 không gian làm việc chung. Quan trọng hơn, Bộ KH&CN cũng chủ trì phối hợp để ngày càng có nhiều tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn tham gia vào trong hệ sinh thái, hợp tác với startup để tạo ra nguồn lực, động lực cho hệ sinh thái. Hệ sinh thái này đã lan tỏa xuống các địa phương: 58 tỉnh thành phố trực thuộc trung ương tham gia triển khai xây dựng hệ sinh thái cấp cơ sở và nhiều địa phương cũng đã tổ chức các ngày hội khởi nghiệp theo mô hình TECHFEST, thành lập Trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, kết nối các nguồn lực địa phương, vùng để phát triển hệ sinh thái.

Một con số khác cũng quan trọng không kém là số tiền đầu tư vào thị trường khởi nghiệp Việt Nam ngày một gia tăng. Nếu như năm 2015 - lần đầu tiên TECHFEST được tổ chức, con số dừng lại ở mức khiêm tốn 45.000 USD thì đến năm 2021, con số đã lên tới 1,4 tỷ USD.

Khơi thông điểm nghẽn

So với những hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở nhiều quốc gia như Mỹ, Singapore, Israel, Trung Quốc…, hệ sinh thái của Việt Nam vẫn còn là “tay chơi mới” và vẫn còn nhiều điểm khuyết thiếu trong hệ sinh thái này. Tuy đánh giá cao những thành tựu đã đạt được, “Khởi nghiệp đã khó, nhưng khởi nghiệp sáng tạo, tạo nên những giá trị trên cơ sở khai thác trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới bền vững còn khó hơn rất nhiều. Tôi cũng rất vui mừng vì người Việt Nam chúng ta cũng đã và đang tạo dựng được những mô hình doanh nghiệp như vậy, bước đầu tạo được nền tảng để phát triển và vươn tầm quốc tế” nhưng Thủ tướng Phạm Minh Chính vẫn cảm thấy còn quá nhiều điểm tồn tại “Do xuất phát điểm chậm hơn nên hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn còn có khoảng cách so với một số nước trong khu vực và trên thế giới”.

Trên thực tế thì bảng xếp hạng hệ sinh thái startup các quốc gia năm 2022 do StartupBlink – trung tâm nghiên cứu và lập bản đồ hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu công bố, Việt Nam đứng thứ 54, tăng năm bậc so với năm 2021 nhưng thứ hạng của Việt Nam vẫn là một con số khiêm tốn. Số kỳ lân của Việt Nam mới chỉ là ba gồm VNG, MoM0 và VNLIFE, trong khi Indonesia sở hữu 10 kỳ lân và Singapore là 9. Điều đó có nghĩa là hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm.

Ông Phạm Hồng Quất – Cục trưởng Cục phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN, - một trong những người thiết lập hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam, không khỏi suy nghĩ “Dường như vẫn còn điểm nghẽn ở đâu đó trong hệ sinh thái của chúng ta, nó cần được khơi thông cho hệ sinh thái được vận hành một cách tối ưu”. Tiếp nối suy nghĩ này, ông Trần Vũ Tuấn Phan – Quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ KH&CN thuộc Học viện Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đã dẫn ra kết quả một khảo sát được thực hiện trên 200 doanh nghiệp với 15 cuộc phỏng vấn chuyên sâu để hiểu startup thực sự cần gì. “Chúng tôi nhận thấy đa phần các tổ chức đổi mới sáng tạo mới cung cấp các nhóm là dịch vụ kết nối, môi giới công nghệ, đầu tư; đào tạo; phát triển mạng lưới, tổ chức xây dựng hệ sinh thái”. Rõ ràng, những dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp như vậy cũng cần thiết nhưng mới chỉ là một phần rất nhỏ mà các nhà khởi nghiệp cần. “Cái đáng nói là theo ý kiến của doanh nghiệp, các tổ chức này dù hỗ trợ nhưng những hỗ trợ đó lại chưa sát với thực tế hoặc cái cần hỗ trợ thì không đủ. Chúng ta thường dạy startup muốn bạn hàng phải có lợi thế cạnh tranh nhưng các tổ chức đổi mới sáng tạo cũng chưa tập trung vào lĩnh vực nào cụ thể”- ông Tuấn Phan thẳng thắn chỉ ra.

Bản thân hệ sinh thái tồn tại quá nhiều điểm khuyết thiếu. Mạng lưới của các tổ chức hỗ trợ đổi mới sáng tạo tuy đã có nhưng liên kết lỏng lẻo, nhiều khi dẫm chân lên nhau nên không tối ưu được nguồn lực. Điều này dẫn đến, startup đi tìm nhà cố vấn A nhưng cuối cùng lại phải chạy đến chỗ B mới tìm được cái cần. Để giải quyết vấn đề này, ông Trần Vũ Tuấn Phan cùng các cộng sự dưới sự hỗ trợ của Australia đã xây dựng một mô hình đổi mới sáng tạo linh hoạt với sáu cấu phần để khi một startup cần sẽ được hỗ trợ. Ông Phan mô tả: “Nếu doanh nghiệp đến, họ sẽ được hướng dẫn phải đi từ cửa nào, hỏi ai, làm gì, đưa ra thông tin nào, họ sẽ được chia sẻ thông tin nào, điều gì cần được bảo vệ và cả việc được định giá bao nhiêu. Tất cả đều được thiết kế trong một sơ đồ linh hoạt để phù hợp với tất cả các tổ chức đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Chúng tôi ví trung tâm đổi mới sáng tạo này như bệnh viện và startup như người bệnh. Điều đó có nghĩa là, họ đến đây sẽ được bắt bệnh vì sao yếu, yếu ở đâu và dùng liệu pháp điều trị gì để khỏe mạnh” .

Tất nhiên, việc mà ông Trần Vũ Tuấn Phan làm chỉ là một trong số những cách mà hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang tiến hành để ngày càng hoàn thiện hơn, nhằm tạo ra bệ phóng cho các startup. Ở tầm nhìn bao quát hơn, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đã chỉ ra, đó là việc hình thành cụm đổi mới sáng tạo, hành lang đổi mới sáng tạo để liên kết các trung tâm khởi nghiệp, triển khai hoạt động đổi mới sáng tạo tại các địa phương theo mô hình mở, khai thác nguồn lực có sẵn; phát triển và khai thác các hợp tác quốc tế trong bối cảnh mới, đưa doanh nghiệp Việt Nam ra thế giới và đồng thời thu hút tri thức, trí tuệ, nguồn lực thế giới về với Việt Nam; Phát triển hiệu quả các mạng lưới kết nối hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở quốc gia, vùng, địa phương; Tăng cường triển khai các chương trình hợp tác đổi mới sáng tạo mở, thu hút lực lượng doanh nghiệp trưởng thành dẫn dắt, tham gia đặt hàng, đầu tư, hỗ trợ cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Giải pháp giúp bán hàng online của đội SoBanHang giành vị trí cao nhất tại cuộc thi trong khuôn khổ Techfest Vietnam 2022.

6 nhiệm vụ của Thủ tướng đặt ra cho hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam

1.Tăng cường nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, gắn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với giải quyết những điểm nghẽn, khó khăn, thách thức của đất nước, địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là những vấn đề liên quan đến thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, giải quyết các bài toán về cạn kiệt tài nguyên, già hóa dân số, phát triển bền vững, tăng cường hiệu quả quản trị quốc gia, nâng cao năng suất, chất lượng lao động… Tạo đột phá, đem lại những giá trị thiết thực cho cá nhân, cộng đồng, xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra.

2. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; quan tâm, đầu tư, có công cụ và chính sách đột phá nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, địa phương, quốc gia. Khuyến khích những ý tưởng mới, những kế hoạch sáng tạo, những cá nhân dám nghĩ, dám làm, dám đột phá để giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tế trên đất nước ta và trên toàn cầu.

3. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách thúc đẩy thị trường vốn, nhân lực, khoa học, công nghệ, sản phẩm mới… liên quan đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế. Đồng bộ hóa các quy định, quy chế, chính sách có liên quan; có cơ chế thí điểm, đầu tư mạo hiểm, chấp nhận rủi ro nhằm tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; khuyến khích đặt hàng, công nhận sản phẩm, dịch vụ mới để tạo niềm tin cho thị trường.

4. Phát triển đồng bộ hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, ngành, vùng, các khu công nghệ cao, “vườn ươm sáng tạo” tạo, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm và các viện, trường là chủ thể nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy mạng lưới khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các tổ chức trung gian, môi giới, sàn giao dịch vốn, các quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ về pháp lý, quản lý… để hình thành hệ sinh thái làm “bệ đỡ” cho khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Xây dựng văn hóa khởi nghiệp quốc gia, đặc biệt trong thế hệ trẻ.

5. Phát triển mạnh mẽ nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ các bậc học phổ thông và ngay từ những ngày đầu khi thanh niên có ý tưởng lập nghiệp. Đẩy mạnh phát triển giáo dục khoa học, công nghệ, kỹ thuật làm nền tảng phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có chiến lược, kế hoạch cụ thể đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ gắn với nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, đáp ứng đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay.

6. Tăng cường thu hút, đa dạng hóa các nguồn lực tài chính hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo từ nhiều nguồn khác nhau (Nhà nước, các nhà đầu tư tư nhân, các quỹ đầu tư chuyên nghiệp, các tập đoàn, tổ chức quốc tế, các cá nhân và cộng đồng). Đẩy mạnh các phương thức hợp tác đầu tư phù hợp, hiệu quả trong hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.