Nếu trước kia, chúng ta thường được học một ngôn ngữ chủ đạo đại trà nào đó trong trường học - cứ nhắc đến “ngoại ngữ” là chỉ có “nó” - thì bây giờ rất nên phá vỡ “thế độc quyền” của bất kỳ “ngoại ngữ trường học” nào để trao cho con cái chúng ta cơ hội lớn hơn.
Làm quen với một ngôn ngữ mới
“Các em có biết một xứ sở rất lạnh, mùa Đông tuyết rơi, có những con búp bê gỗ, ấm trà và bánh vòng? Và bây giờ, cô kể các em nghe một câu chuyện cổ tích về chiếc bánh Kolobok nhé… Ngày xửa ngày xưa…” Chúng tôi bắt đầu câu chuyện tiếng Nga với các em học sinh lớp 3 ở Quảng Nam như vậy đấy. Những bạn nhỏ chưa từng nghe tiếng Nga, nhiều bạn chỉ biết tuyết rơi ở Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Bắc Cực, Nam Cực chứ không nghĩ đến nước Nga. Nhưng gần như ngay lập tức, các em bị lôi cuốn bởi vẻ đáng yêu của chiếc khăn choàng bà đội, cái khăn ủ bánh nóng hổi mới ra lò, những lời chào thú vị của chiếc bánh nướng vàng rộm nghịch ngợm lăn nhanh, bài hát bằng nguyên âm rộn ràng trên nền ca khúc Nụ cười…
Tác giả trong tiết học tiếng Nga với các em học sinh lớp 3 ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, tháng 11/2022. Nguồn: TGCC
Sau hai tiết học, các em đã bắt đầu chủ động phát âm những từ đầu tiên của thứ tiếng xa lạ này, chào nhau rổn rảng từ đầu lớp đến cuối lớp và say mê vẽ tranh trên nền một chữ cái Nga vừa học. Nhiều em ra hỏi tôi thêm một số từ bằng tiếng Nga và… sử dụng luôn. Một em gái thỏ thẻ với tôi: “Em đang học tiếng Anh ở trường, học thêm ở trung tâm nữa. Nhưng em muốn học tiếng Nga nữa, có được không?” Được chứ! Tôi đáp vậy và tôi tin chắc như vậy.
Các em nhỏ của chúng ta hoàn toàn có thể tiếp thu nhiều thứ tiếng cùng một lúc, không kém gì các bạn cùng trang lứa trên thế giới. Chỉ cần trao cho các em cơ hội và những cách tiếp cận rộng mở, thú vị, không rập khuôn cũ kỹ, kích thích sự ham hiểu biết, khám phá ở các em đến mức cao nhất.
Nếu trước kia…
Nếu trước kia chúng ta bằng lòng với phương pháp dạy tiếng nước ngoài từ việc đào bới kiến thức ngữ pháp, giao bài tập dịch, hay viết, cùng nhau hội thoại theo mẫu thì bây giờ, các góc tiếp cận khác nhau sẽ giúp cho người học hình thành động lực học mạnh mẽ. Lại thêm sự hỗ trợ đa phương tiện của các thành tựu công nghệ, các phần mềm và ứng dụng, việc học ngoại ngữ chưa bao giờ rộng mở và dễ dàng đến thế!
Các em học sinh lớp 3 huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, thích thú với tiếng Nga qua câu chuyện về chiếc bánh Kolobok. Nguồn: TGCC
Nếu trước kia, chúng ta thường được học một ngôn ngữ chủ đạo đại trà nào đó trong trường học - cứ nhắc đến “ngoại ngữ” là chỉ có “nó” - trước là tiếng Nga, sau là tiếng Anh - thì bây giờ, rất nên phá vỡ “thế độc quyền” của bất kỳ “ngoại ngữ trường học” nào để trao cho con cái chúng ta cơ hội lớn hơn. Trẻ em, đặc biệt là các bạn nhỏ tiền tiểu học và tiểu học, rất nhạy cảm với âm thanh của một ngôn ngữ mới. Các em có khả năng phân biệt âm thanh khác biệt tốt hơn người lớn và bắt chước đọc theo rất nhanh. Bằng chứng là, khi các thầy cô dự giờ tiết học tiếng Nga của chúng tôi còn chưa kịp nhớ những âm mới lạ được thể hiện qua chữ cái, thì học sinh đã đọc, nói theo và cười khúc khích với nhau rồi.
Việc tiếp cận với đa dạng ngôn ngữ giúp các em tư duy nhạy bén, sắc sảo hơn. Chính điều này cũng giúp các em học tiếng mẹ đẻ tốt hơn trong mối tương quan so sánh với ngôn ngữ và nền văn hóa mới. Đó là chưa kể, với các ngoại ngữ khác nhau, cơ hội học tập, nghề nghiệp, trải nghiệm văn hóa của các em trong tương lai rộng mở hơn rất nhiều.
Nếu trước kia, học gì cũng để thi thì bây giờ, chúng ta khuyến khích các em học để biết, để làm, để chia sẻ, để hợp tác. Vậy thì, một ngôn ngữ mới mà thông qua nó, ta có thể tiếp cận cả một nền văn hóa - văn học, nghệ thuật, tập tục, di sản, với những nét lấp lánh thú vị của nó - sẽ mang lại cho các em phông nền tri thức và cảm xúc quan trọng để các em tự tin bước vào cuộc đời, hội nhập với thế giới.
Tiếp cận ngôn ngữ từ khía cạnh văn hóa sẽ luôn cho giá trị bền vững, xa rộng. Cứ ngỡ không “thực dụng” nhưng trên thực tế lại là thực dụng một cách khôn ngoan. Tôi nhớ đến các lớp học thử trong khuôn khổ ngày hội ngôn ngữ Châu Âu được tổ chức thường niên ở Việt Nam đã 8 năm, giới thiệu những kiến thức cơ bản về các ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, Phần Lan, Czech và Tây Ban Nha cho ba nhóm đối tượng là trẻ em, thanh thiếu niên và người lớn. Sau các buổi trải nghiệm như vậy, thanh thiếu niên Việt như mở rộng hơn về tư duy để sẵn sàng đón nhận kiến thức mới, kỹ năng mới, bước vào thế giới đa ngôn ngữ, đa văn hóa một cách háo hức, say mê.
Câu chuyện tiếng Nga
Tôi dài dòng như vậy về câu chuyện dạy ngoại ngữ để quay trở lại câu chuyện tiếng Nga. Theo TS. Nguyễn Thị Thu Đạt, giám đốc Phân Viện tiếng Nga mang tên A. Pushkin tại Việt Nam, việc hợp tác trong lĩnh vực khoa học công nghệ và giáo dục đào tạo giữa hai nhà nước LB Nga và Việt Nam hiện đang ngày càng phát triển. “Hiện nay, trên toàn lãnh thổ LB Nga có khoảng hơn 5.000 lưu học sinh Việt Nam đang theo học, cả diện học bổng Hiệp định và du học sinh tự túc. Số lượng học bổng Hiệp định phía LB Nga cấp cho Việt Nam tăng từ 795 chỉ tiêu/năm vào năm 2015 đến hiện nay là 1.000 chỉ tiêu/năm. Theo thống kê của Phân viện Puskin, tính đến năm 2021, số lượng các cơ sở GD&ĐT đang dạy tiếng Nga trên toàn quốc: 36 cơ sở với 200 giáo viên và hơn 7.000 học viên. Trong khi đó, ở bậc phổ thông, chỉ có 10 trường THPT chuyên và 1 trường THCS dạy tiếng Nga,” bà viết trên tạp chí Nghiên cứu châu Âu hồi đầu năm nay.
Không có trường tiểu học nào đưa tiếng Nga vào chương trình học ngoại ngữ. Những thông tin này khiến tôi băn khoăn. Nếu ở các bậc học cao hơn, nhu cầu học tiếng Nga đang dần phát triển, điểm đầu vào tiếng Nga ở các trường đại học cũng không hề thấp, lượng sinh viên theo học tiếng Nga và nhu cầu du học Nga theo Hiệp định cũng tăng dần thì việc đưa tiếng Nga trở lại trường phổ thông không chuyên như ngoại ngữ 1 hoặc ngoại ngữ 2 là điều cần thiết.
Đương nhiên, còn rất nhiều việc cần làm để thực hiện được điều đó như biên soạn sách giáo khoa; tập huấn giáo viên; củng cố và truyền thông cho ngành sư phạm Tiếng Nga; tìm các nguồn hỗ trợ, đầu tư cho các đề án nâng cao trình độ giáo viên, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Nga trên toàn quốc. Nhưng điều lớn hơn cả như một rào cản tâm lý cần vượt qua là tư duy thực dụng trước mắt đối với việc dạy và học ngoại ngữ: chạy theo số đông, theo mốt, theo cái sẵn có. Dù là trước kia hay bây giờ thì tư duy này đã và sẽ vô tình tước đi cơ hội rộng mở của trẻ em chúng ta đến với tương lai.
Tạm biệt chúng tôi, các em nhỏ ở Quảng Nam đã kịp nhớ vài nét đặc trưng văn hóa, thiên nhiên của một miền đất mới lạ đối với các em. Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có thể tặng cho các em một chút vẻ đẹp kỳ diệu từ di sản văn hóa của mình, bồi đắp thêm nét sâu sắc trong tâm hồn đứa trẻ.