Chúng ta không mong đợi dứa đến từ Nauy hay đu đủ từ sa mạc Sahara. Thay vào đó, các loại trái cây này thường được trồng ở những nơi nhiều ánh nắng và nước. Vậy tại sao các sản phẩm ngốn năng lượng như thép lại tới từ những nước nghèo tài nguyên năng lượng như Nhật Bản hay Hàn Quốc?

Câu trả lời là do than và dầu sở hữu mật độ năng lượng trên một đơn vị thể tích hoặc trọng lượng lớn hơn nhiều so với gỗ, khí đốt, hydro,... Đặc điểm này, cộng với các tiến bộ công nghệ vận tải trong thế kỷ 20 khiến thế giới trở nên “phẳng” hơn về năng lượng. Bởi vì dầu có thể được vận chuyển từ Vịnh Ba Tư đến New York hay Seoul với chi phí khá thấp, cho nên việc thiếu vắng những nguồn năng lượng tại chỗ không phải là một trở ngại như trong thời cách mạng công nghiệp1.

Ngày nay, các nguồn tài nguyên sẵn có tại bản địa không còn là điều kiện tiên quyết để quốc gia có thể tham gia vào những hoạt động tiêu tốn nhiều năng lượng. Ngoại trừ khí đốt – được xem là “xanh” hơn than và dầu một chút, năng lượng hầu như có thể được vận chuyển đến mọi nơi với chi phí khiêm tốn. Tuy nhiên, khi thế giới hướng đến loại bỏ than và dầu, tính “phẳng” về mặt năng lượng dần sẽ trở thành dĩ vãng. Không tính điện hạt nhân, tất cả các nguồn năng lượng “xanh” như điện gió, mặt trời, thủy điện, địa nhiệt,… đều được phân bố rất không đồng đều và vận chuyển khá tốn kém. Ngay cả khi doanh nghiệp không thể từ bỏ nhiên liệu hóa thạch nhưng cam kết áp dụng thêm những biện pháp thu giữ carbon, việc nằm gần các kiến tạo địa chất giàu CO2 cũng sẽ là một lợi thế.

.

Việc vận chuyển các dạng năng lượng xanh như điện gió, mặt trời, ... là khá tốn kém.

Vì thế, trong một thế giới không hoặc phát thải rất ít, những hoạt động tốn năng lượng sẽ lại phải diễn ra gần các địa điểm cụ thể – giống như thời bánh xe nước. Và đó không hẳn là tin tốt đối với những thành phố như Gwangyang (Hàn Quốc) – nơi có nhà máy thép lớn nhất thế giới, hay ngành công nghiệp nhôm (tận dụng nguồn lợi khí đốt dồi dào) ở Trung Đông. Vậy ai sẽ hưởng lợi từ sự chuyển dịch này? Điều đó còn tùy thuộc vào kết quả giải quyết các mâu thuẫn liên quan đến hành tinh này, bao gồm bầu khí quyển của nó. Những nhà hoạt động môi trường từ lâu đã bày tỏ quan ngại về các tác động do con người gây ra cho Trái đất, từ thực trạng ô nhiễm đất, nước, không khí,… cục bộ cho đến sự tàn phá rừng và tận diệt nhiều loài động vật trên quy mô lớn. Nhiều thỏa thuận vì thế đã ra đời để tập hợp nguồn lực cho việc giải quyết những thách thức này.

Bill Gates từng dự báo: nhu cầu cắt giảm một lượng CO2 đáng kể sẽ dẫn đến xu hướng điện khí hóa mọi thứ, chẳng hạn ô-tô điện, máy bay điện, tàu vận tải chạy điện,… Nhưng các ứng dụng trên đều cần rất nhiều đồng, nhôm, coban, liti và đất hiếm, tức cần mở rộng năng lực khai thác những khoáng vật này. Ngoài ra, nỗ lực điện khí hóa hàng loạt cũng có thể sẽ cần thêm nhiều nhà máy thủy điện và hạt nhân. Mặc dù giá dầu gần đây đã tăng mạnh – xu hướng nhẽ ra sẽ làm lợi cho tiến trình cắt giảm carbon, nhưng giá đồng và nhôm trên thực tế cũng đang ở gần mức cao nhất trong lịch sử (do nguồn cung và năng lực khai thác không bắt kịp nhu cầu) khiến các lựa chọn năng lượng xanh thay thế trở nên đắt đỏ. Đây không chỉ là hệ quả do yếu tố kỹ thuật mà còn phụ thuộc vào vai trò của những hệ thống chính trị trong việc xây dựng sự đồng thuận quốc gia về cách thức tổ chức và quản lý hoạt động khai thác hiệu quả, đồng thời giảm thiểu thiệt hại môi trường và bù đắp thỏa đáng cho các mất mát tiềm ẩn.

Tàu vận tải biển Yara Birkeland chạy bằng điện của Nauy.

Tàu vận tải biển Yara Birkeland chạy bằng điện của Nauy.

Nhưng việc nói vẫn thường dễ hơn làm. Công nghiệp khai mỏ hiện là ngành gây rất nhiều tranh cãi, ngay cả tại những nước mà nó đóng vai trò “chủ lực” như Peru hay Chile. Thủ tướng Peru mới đây đã ban hành lệnh không cho gia hạn giấy phép thăm dò và khai thác tại một số khu vực. Tương tự, quy trình cấp phép khá phức tạp cũng đang ràng buộc ngành khai mỏ của Nam Phi. Bên cạnh khai mỏ, Colombia và Chile còn sở hữu tiềm năng thủy điện đáng kể, nhưng chắc chắn là không dễ đạt được sự đồng thuận.

Kẻ dành thắng lợi trên lộ trình phi carbon hóa vì thế sẽ phải là người kết hợp được sự may mắn nhờ yếu tố địa lý với các hành động thông minh. Nắng và gió không thể biến thành điện nếu thiếu vắng những nỗ lực của con người. Các thành phố, khu vực và quốc gia mong muốn hưởng lợi từ sự dịch chuyển của những ngành công nghiệp tốn năng lượng sẽ cần đảm bảo được khả năng tiếp cận năng lượng xanh một cách đáng tin cậy. Một số nước có thể học học theo Pháp để phát triển điện hạt nhân tương xứng với tiềm năng, ví dụ: Kazakhstan (sở hữu trữ lượng uranium dồi dào); Venezuela khai thác tiềm năng thủy điện trên sông Caroní để làm hồi sinh ngành công nghiệp thép và nhôm của đất nước; Úc, Namibia và Chile tận dụng thời gian được chiếu sáng kỷ lục trong năm để trở thành các nhà sản xuất hydro xanh chính; những nước hạ Sahara tăng cường tham dò và khai thác tiềm năng địa chất để sáng ngang với Úc và Nam Mỹ trong lĩnh vực khai mỏ; Bolivia, Chile và Mexico có thể thống trị lĩnh vực chế tạo pin lithium nhờ chuyển đổi nguồn lithium carbonate (Li2CO3) của họ thành các lithium oxit (Li₂O) và pin năng lượng xanh. (Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc hiện đang tham gia vào tiến trình tương tự sử dụng nhiên liệu hóa thạch); trong khi những nước khác có thể phát triển năng lực lưu trữ carbon.

Nhu cầu phi carbon hóa sẽ làm thay đổi đường lối phát triển của các quốc gia và buộc những nhà hoạch định phải suy nghĩ lại về các chiến lược kinh tế của mình. Đã có quá nhiều cuộc tranh cãi tập trung vào những sự hy sinh mà từng nước có thể thực hiện để cắt giảm lượng khí thải. Nhưng sự kết thúc của một thế giới phẳng về năng lượng sẽ dẫn đến việc bố trí lại các ngành công nghiệp trên quy mô lớn; trong khi nhiệm vụ cứu bầu khí quyển sẽ đòi hỏi những giải pháp tốt hơn để giảm thiểu thiệt hại cho mặt đất. Ai đi đầu trong việc xây dựng đồng thuận quốc gia để thúc đẩy hệ sinh thái phù hợp cho các hoạt động tăng trưởng xanh nhất định sẽ vượt lên trước.

.

Quốc gia nào sẽ về đích sớm với nền kinh tế xanh?

Chú thích:

1. Trong thời cách mạng công nghiệp cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, việc nằm gần các mỏ than có ý nghĩa quan trọng đối với ngành công nghiệp luyện kim (sắt, thép). Và trước khi động cơ hơi nước ra đời, vị trí cạnh những con sông chảy xiết – có thể cấp năng lượng cho bánh xe nước – là điều kiện hết sức thuận lợi đối với các nhà sản xuất.

(*) Tác giả Ricardo Hausmann là cựu bộ trưởng kế hoạch Venezuela, cựu kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển liên Châu Mỹ (IADBank), giáo sư trường Quản trị Nhà nước Kennedy kiêm giám đốc Trung tâm Harvard Growth Lab thuộc Đại học Harvard.