Tập đoàn Innovasea tại Boston, Massachusetts – chuyên về các giải pháp công nghệ nuôi trồng thủy sản tiên tiến, thông báo sẽ trợ giúp Viện Nghiên cứu Ngoài khơi Vùng Vịnh (GORI) với kế hoạch cải tạo một giàn khoan không còn hoạt động ở ngoài khơi Vịnh Mexico thành cơ sở nuôi trồng thủy sản (NTTS).
Những khoản tài trợ liên bang trị giá 100.000 USD do Ủy ban Nghề cá Các tiểu bang vùng Vịnh và Cục Quản lý Khí quyển & Đại dương quốc gia (NOAA) cấp sẽ giúp GORI thực hiện giai đoạn tiếp theo của đề án chuyển đổi giàn khoan Station Padre – nằm cách đảo Padre (tiểu bang Texas) khoảng 25 dặm về phía Đông – thành trại nuôi cá.
Giám đốc điều hành Kent Satterlee của GORI cho biết: “Chúng tôi đặc biệt trân trọng khoản tài trợ này và rất vui mừng được sử dụng số tiền để chứng minh tính khả thi của ý tưởng xây dựng các hệ thống NTTS trên giàn khoan tại Hoa Kỳ và ở nhiều nơi khác. Trước những áp lực đổi mới, hướng đến một tương lai ít phát thải, chúng tôi tin nuôi cá xa bờ là giải pháp tốt nhất để giúp đảm bảo nguồn cung protein bền vững trong nước.”
Khoản tài trợ sẽ được phân bổ cho việc xây dựng bản thiết kế hệ thống lồng lưới sơ bộ và đánh giá tính khả thi [về mặt tài chính] của dự án tổng thể – tất cả đều do Innovasea thực hiện. Ngoài ra, một phần số tiền cũng sẽ được trích để tài trợ cho một nghiên cứu về những loài nuôi phù hợp tại Trường Rosenstiel về Khoa học biển & Khí quyển thuộc Đại học Miami, và về các giấy phép cần thiết để thực hiện dự án. Ông David Kelly, CEO của Innovasea cho biết: “Đây quả là một dự án sáng tạo và có tiềm năng mở đường cho việc tái sử dụng những giàn khoan dầu khí bị bỏ hoang, đồng thời thúc đẩy hoạt động NTTS ngoài khơi Vịnh Mexico. Thay vì phải chi hàng triệu USD để dọn dẹp các cơ sở này, qua đó gây xáo trộn hệ sinh thái đã hình thành xung quanh chúng một cách tự nhiên, thì việc tìm ra những công dụng khác cho chúng như nuôi cá,… thực sự rất hợp lý.”
Năm ngoái, Innovasea đã hỗ trợ GORI khảo sát mức độ phù hợp để chuyển đổi Station Padre thành trại nuôi cá công nghiệp, và kết luận đây là nơi có điều kiện hết sức lý tưởng để phát triển NTTS – nước sâu tới 150 feet (46m). Trên vịnh Mexico hiện đang còn hàng trăm giàn khoan bị bỏ hoang đang chờ được tháo dỡ – chi phí trung bình lên tới 10 triệu USD mỗi giàn. Năm 2015, Văn phòng Kiểm toán Chính phủ(GAO) ước tính việc dọn dẹp toàn bộ 1.800 giàn khoan trên Vịnh Mexico sẽ ngốn tổng cộng 38 tỷ USD.
Station được Shell xây dựng vào những năm 1980, sau thuộc sở hữu của tập đoàn Peregrine Oil and Gas. Hoạt động khai thác khí đốt tại đây đã chấm dứt từ năm 2015. GORI đang nộp hồ sơ xin cấp phép sử dụng lại giàn khoan với Cục Thực thi An toàn & Môi trường (BSEE) và Cục Quản lý Năng lượng Đại dương(BOEM).
Trong khoảng 10 - 20 năm tới, nhiều giàn khoan do tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vận hành sẽ cạn kiệt và ngừng khai thác. Việc tháo dỡ các cơ sở này chắc chắn sẽ rất tốn kém công sức, thời gian và tiền bạc. TS Nguyễn Hữu Dũng, chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) đã từng nhiều lần đề nghị Chính phủ và Tập đoàn PVN nên có đề án chuyển đổi những giàn khoan sắp bị bỏ hoang này thành trại nuôi cá biển công nghiệp và phục vụ du lịch. |
Hải Đăng (theo The Fish Site)