Ông Trần Văn Hải, Trưởng Bộ môn Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội gửi đến Khoa học và phát triển bài phân tích xung quanh sự việc Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong trận đấu giữa đội tuyển bóng đá Việt Nam với đội tuyển bóng đá Lào trên kênh Youtube tối 06/12/2021.

Ảnh chụp màn hình video bị tắt tiếng Quốc ca.
Ảnh chụp video bị tắt tiếng Quốc ca.

Khi Quốc ca Việt Nam bị tắt tiếng trong lễ chào cờ trước trận Việt Nam - Lào được phát trực tiếp trên kênh Youtube tối 06/12/2021, không chỉ cộng đồng mạng theo dõi trận đấu trên Youtube bức xúc – mà tất cả người dân Việt Nam đều thấy lòng tự hào dân tộc bị tổn thương, bị xúc phạm, nhưng không bất ngờ (vì đây không phải lần đầu diễn ra tình huống này).

Trên thực tế, chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc chỉ có quyền ngăn cấm hoặc cho phép người khác sử dụng tác phẩm âm nhạc trong 3 trường hợp: Chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc là tác giả của tác phẩm âm nhạc; Chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc là tổ chức/cá nhân đầu tư tài chính, cơ sở vật chất… cho tác giả sáng tạo nên tác phẩm; Chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc là tổ chức/cá nhân được chủ sở hữu tác phẩm chuyển nhượng, tặng, cho, hiến tặng…

Như vậy không thể có “ai đó” có quyền tắt tiếng Quốc ca hoặc buộc người khác phải tắt tiếng Quốc ca, vì chỉ có chủ sở hữu tác phẩm âm nhạc mới có quyền ngăn cấm hoặc cho phép người khác sử dụng tác phẩm âm nhạc.

Đối với tác phẩm Tiến quân ca do Nhạc sĩ Văn Cao là tác giả và đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm, Nhạc sĩ Văn Cao có các quyền nhân thân gồm: đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Các quyền trên đây tồn tại vĩnh viễn, chỉ thuộc về Nhạc sĩ Văn Cao và không thể được chuyển giao cho bất kỳ chủ thể nào, kể cả khi tác giả đã tạ thế và tác phẩm do người khác là chủ sở hữu. Xin nói thêm: vào thời điểm hiện tại không ai có quyền sửa chữa tác phẩm Tiến quân ca.

Khi Nhạc sĩ Văn Cao mất đi, các quyền sau đây thuộc về những người thừa kế đối với tác phẩm, như: Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác…Cho đến nay, để thực hiện di nguyện của Nhạc sĩ Văn Cao, gia đình Cố Nhạc sĩ đã hiến tặng tác phẩm Tiến quân ca cho “Nhân dân và Tổ quốc Việt Nam”. Như vậy, hiện tại “Nhân dân và Tổ quốc Việt Nam” là chủ sở hữu tác phẩm Tiến quân ca. Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam là cơ quan đại diện cho chủ sở hữu tác phẩm. Và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Nhà nước ủy quyền quản lý tác phẩm Tiến quân ca.

Quay trở lại việc tắt tiếng Quốc ca khi phát trực tiếp chào cờ trận Việt – Lào trên Youtube, có ý kiến cho rằng người biểu diễn tác phẩm, nhà sản xuất bản ghi âm/ghi hình cuộc biểu diễn tác phẩm có quyền ngăn cấm người khác sử dụng tác phẩm. Nhưng phải lưu ý rằng, cuộc biểu diễn tác phẩm, bản ghi âm/ghi hình cuộc biểu diễn tác phẩm là 2 quyền liên quan đến quyền tác giả. Việc bảo hộ 2 quyền này không ảnh hưởng đến việc bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm và nhất thiết phải được sự cho phép của chủ sở hữu tác phẩm.

Như vậy, người biểu diễn tác phẩm, nhà sản xuất bản ghi âm/ghi hình cuộc biểu diễn tác phẩm không có quyền ngăn cấm người khác sử dụng tác phẩm (trừ khi họ được sự cho phép của chủ sở hữu tác phẩm). Nếu diễn ra tình huống người biểu diễn tác phẩm, nhà sản xuất bản ghi âm/ghi hình cuộc biểu diễn tác phẩm ngăn cấm người khác sử dụng bản ghi âm/ghi hình cuộc biểu diễn tác phẩm thì cần đặt câu hỏi: họ đã được sự cho phép của chủ sở hữu tác phẩm chưa? Nếu chưa, thì hành vi ngăn cấm của họ là bất hợp pháp.

Được biết, hiện tại có tổ chức đã đầu tư tài chính, cơ sở vật chất để dàn dựng biểu diễn tác phẩm Tiến quân ca, ghi âm, ghi hình cuộc biểu diễn này. Pháp luật bảo hộ quyền nhân thân của người biểu diễn, bao gồm: Được giới thiệu tên khi biểu diễn, khi phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát sóng cuộc biểu diễn; Bảo vệ sự toàn vẹn hình tượng biểu diễn, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của người biểu diễn.

Nếu không được sự cho phép của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì không có bất kỳ chủ thể nào có quyền ngăn cấm người khác truyền đạt tác phẩm Tiến quân ca đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.

Ngoài ra, còn một điểm lưu ý nữa, mà nhiều người có quan tâm, về việc pháp luật Việt Nam có điều chỉnh hay không điều chỉnh nếu các hành vi trên do một tổ chức nước ngoài (như Youtube) thực hiện và được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam? Về vấn đề này, quyền tác giả được bảo hộ theo nguyên tắc tự động, có nghĩa là:

- Quyền tác giả được phát sinh tự động kể từ thời điểm tác phẩm được định hình dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung và giá trị của tác phẩm, không phân biệt vào thủ tục đăng ký bảo hộ tác phẩm.

- Trên bình diện quốc tế, nguyên tắc bảo hộ tự động được hiểu là tại thời điểm một tác phẩm được công bố tại một quốc gia thành viên của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật thì ngay lập tức và vô điều kiện tác phẩm này cũng phải được các quốc gia thành viên còn lại của Công ước Berne bảo hộ, có nghĩa là tác phẩm Tiến quân ca không cần phải đăng ký bảo hộ, nhưng nó được bảo hộ tại tất cả các quốc gia thành viên của Công ước Berne.

Công ước Berne có hiệu lực tại Việt Nam từ 26/10/2004, trong trường hợp vừa nêu, cụm từ “nước ngoài” được hiểu là giả định nơi diễn ra hành vi thuộc lãnh thổ quốc gia mà Công ước Berne có hiệu lực.

Như vậy, có thể thấy tác phẩm Tiến quân ca không chỉ được bảo hộ theo pháp luật Việt Nam, mà còn là đối tượng được bảo hộ theo quy định của Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật.,.

Những điểm cần lưu ý về bảo hộ cuộc biểu diễn, bản ghi âm/ghi hình

Cần phân biệt bảo hộ quyền tác giả với bảo hộ cuộc biểu diễn thông qua ví dụ đĩa CD (bản ghi âm) mang tên “Bài ca hy vọng” gồm 12 tác phẩm âm nhạc do Lan Anh biểu diễn, bao gồm các đối tượng được bảo hộ sau đây:

1. Quyền tác giả: tác phẩm đồng tác giả Người lái đò trên sông Pô Cô (nhạc Cầm Phong, lời phỏng thơ Mai Trang).

2. Quyền liên quan:

2.1. Cuộc biểu diễn:

- Người biểu diễn: ca sĩ Lan Anh;

- Phối khí: Xuân Thủy, Mạnh Hùng, Ngọc Khôi, Quang Vinh.

Khoản 1 điều 16 Luật Sở hữu trí tuệ quy định: “Diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác trình bày tác phẩm văn học, nghệ thuật” được bảo hộ quyền liên quan và gọi những người vừa nêu là người biểu diễn.

Điều 3 Công ước Rome định nghĩa: “Người biểu diễn là các diễn viên, ca sĩ, nhạc công, vũ công và những người khác đóng vai diễn, hát, đọc, ngâm, trình bày, hoặc thể hiện các tác phẩm văn học và nghệ thuật”.

2.2. Bản ghi âm/ghi hình:

Như đã phân tích việc bảo hộ cuộc biểu diễn, bản ghi âm/ghi hình không ảnh hưởng đến sự bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc, trong trường hợp này có các chủ thể và các quyền sau đây:

- Quyền tác giả (bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản): Cầm Phong và Mai Trang;

- Quyền của người biểu diễn: ca sĩ Lan Anh và những người phối khí, bao gồm Xuân Thủy, Mạnh Hùng, Ngọc Khôi, Quang Vinh;

- Quyền của nhà sản xuất bản ghi âm: Hồ Gươm Audio Video.

Tình huống giả định: Hồ Gươm Audio Video ngăn cấm Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh X phát trên truyền hình tác phẩm âm nhạc Người lái đò trên sông Pô Cô với các thông tin như trên thì không được hiểu rằng Hồ Gươm Audio Video ngăn cấm biểu diễn tác phẩm âm nhạc Người lái đò trên sông Pô Cô nói chung. Nói cách khác Hồ Gươm Audio Video không có quyền ngăn cấm Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh X phát trên truyền hình tác phẩm âm nhạc Người lái đò trên sông Pô Cô do ca sĩ Y biểu diễn trên nền nhạc do Z phối khí.

Điều kiện cho tình huống giả định trên: Hồ Gươm Audio Video phải được sự cho phép của chủ sở hữu tác phẩm (nhạc sĩ Cầm Phong và nhà thơ Mai Trang) hoặc của tổ chức do chủ sở hữu tác phẩm ủy quyền, ví dụ Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, bởi vì chỉ có chủ sở hữu tác phẩm mới có quyền cho phép người khác thực hiện quyền sau đây:

- Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;

- Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác…

(Nguồn trích dẫn và tham khảo: Trần Văn Hải (2016), Bài giảng quyền tác giả và quyền liên quan, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội).