Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm lời giải cho bài toán cân đối các nguồn đóng góp cho chi phí giáo dục đại học giữa hai chủ thể - Nhà nước và tư nhân.

“Lỗi nhịp” giữa chi ngân sách và chi phí giáo dục

Ngày 16/8, tại Hội thảo Giáo dục 2018 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội, với chủ đề “Giáo dục đại học: Chuẩn hóa và Hội nhập quốc tế”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Văn Phúc đã đưa ra một thông tin gây bất ngờ cho nhiều người: Người học và hộ gia đình ở Việt Nam đang phải gánh chịu quá nhiều chi phí cho giáo dục - Hơn 50% chi phí cho giáo dục đại học ở Việt Nam là do học viên, hộ gia đình đóng góp; phần còn lại là đến từ Ngân sách Nhà nước, còn nguồn thu từ dịch vụ, nghiên cứu khoa học thực tế là không đáng kể.

“So với các nước [trung bình OECD, phần trăm đóng góp của hộ gia đình chỉ khoảng 30%], chúng ta là một trong những nước mà người học và gia đình đang phải đóng góp nhiều nhất cho giáo dục đại học thông qua học phí”, PGS. Phúc nói.

Báo cáo của Bộ GD&ĐT cũng cho thấy tài trợ cho giáo dục đại học chỉ mới chiếm 9-10% tổng chi ngân sách cho giáo dục, tương đương 2% tổng chi Ngân sách Nhà nước và 0,5% GDP. Hiện nay, mức chi ngân sách bình quân đầu sinh viên của Việt Nam chỉ mới là 5,7 triệu VNĐ và tỷ lệ chi ngân sách bình quân đầu sinh viên/GDP bình quân đầu người là 12%, thấp hơn nhiều so với các nước OECD (41%).

Trong khi tỷ lệ đóng góp của Ngân sách Nhà nước nhiều năm nay chưa thay đổi, chi phí cho giáo dục đại học lại đòi hỏi ngày càng tăng để đảm bảo được chất lượng giáo dục sánh kịp với bước tiến của các quốc gia khác. Tại Việt Nam, chi phí bình quân cho mỗi sinh viên đã tăng từ mức 9,24 triệu VNĐ (2009) lên tới 16,2 triệu VNĐ (2017).

Sinh viên tại California (Mỹ) biểu tình đòi giảm học phí. Nguồn: flaglerlive.com

Dù vậy, theo PGS.TS Thái Bá Cần (ĐH Quốc tế Hồng Bàng), mức chi phí này vẫn thấp hơn nhiều so với các quốc gia trên thế giới và ngay cả ở trong khu vực Đông Nam Á, chỉ bằng 1/4 của Thái Lan và 1/6 Trung Quốc. Theo tính toán của World Bank, tỷ lệ giữa chi phí bình quân đầu sinh viên và GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 61,7%, tuy nhiên nhu cầu thực tế để đảm bảo chất lượng phải là 321,2% (2017), và sang năm 2019, tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 579,8%.

Việc chi ngân sách và chi phí giáo dục đại học phát triển “lỗi nhịp” nhau như vậy, đang đè thêm gánh nặng đóng góp lên vai sinh viên và hộ gia đình. Thêm vào đó, trong bối cảnh các trường đại học tự chủ về tài chính, học phí sẽ ngày càng đóng vai trò là nguồn thu quan trọng (chiếm đến 70% tổng thu của các trường đã tự chủ), vì thế việc tăng học phí trở thành xu hướng tất yếu.

Quan trọng là cách chia sẻ

Trên thế giới, việc sinh viên phải đóng góp quá nhiều để được hưởng nền giáo dục đại học về lâu dài sẽ dẫn tới những làn sóng phản đối từ phía người dân. Chile là một ví dụ điển hình, nước này là một trong các quốc gia có hệ thống giáo dục đại học định hướng thị trường nặng nề nhất thế giới, với gần 80% chi phí là do sinh viên gánh chịu (năm 2008).

Tình trạng mất cân đối này đã gây ra một làn sóng biểu tình mạnh mẽ của sinh viên vào năm 2011, nhằm chấm dứt chế độ học phí và nền giáo dục vì lợi nhuận ở quốc gia này. Vào giai đoạn đỉnh điểm, có đến hơn 100.000 sinh viên tụ tập ở các đường phố của Santiago, gây ra những vụ bạo động buộc cảnh sát phải sử dụng hơi cay và pháo nước. Tổng thống phe bảo thủ Sebastián Piñera - người chỉ đạo cuộc tấn công phong trào sinh viên, đã thua trong cuộc bầu cử năm 2014 vào tay nhà xã hội học Bachelet - người cam kết sẽ thay đổi chế độ giáo dục.

Chile không phải nơi duy nhất xảy ra bất ổn chính trị do những vấn đề về chi phí giáo dục và việc ai là người phải đóng góp. Tất cả các tiểu bang của Đức đã dừng những thử nghiệm thu học phí của mình sau nhiều cuộc đấu tranh của hơn 200 tổ chức, bao gồm công đoàn sinh viên, công đoàn và các đảng phái chính trị. Chính quyền ở Canada cũng buộc phải xuống nước, điều chỉnh lại kế hoạch tăng học phí sau một cuộc biểu tình lớn ở Quebec.

Hầu hết các cuộc biểu tình nhằm hướng đến một nền giáo dục đại học miễn phí hoặc do nhà nước tài trợ phần lớn các chi phí. Tuy nhiên, một nền giáo dục miễn phí hoàn toàn là bất khả thi vì không một nhà nước nào có đủ năng lực để trợ cấp toàn bộ cho số lượng lớn sinh viên đại học. Thay vào đó, có ý kiến cho rằng chính phủ nên quan tâm tới việc “sử dụng nguồn ngân sách công để tối đa hóa sự tham gia của những người có khả năng đóng góp” - Andreas Schleicher, giám đốc giáo dục của OECD khuyến nghị.

Một trong số những giải pháp là xây dựng các hệ thống tín dụng theo thu nhập tương lai đang được áp dụng tại Anh, Úc và New Zealand. Bên cạnh đó, PGS.TS Đặng Thị Thanh Huyền, nguyênViện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học Quản lý giáo dục đề xuất Việt Nam học hỏi Chương trình Học phí của Singapore, nhằm hỗ trợ sinh viên trước mức học phí cao thuộc hàng top thế giới của các trường đại học trong nước [học phí toàn phần của ĐH Quốc gia Singapore là 8.000 đô la Singapore, tương đương 5.658 USD, bằng học phí tại các trường đại học công ở Mỹ).

Theo đó, với các sinh viên khó khăn, 60% học phí và sinh hoạt phí được chi trả bởi các khoản học bổng của chính phủ và 40% còn lại được chi trả bởi các khoản vay không lãi cho đến khi tốt nghiệp. Sinh viên sau khi ra trường sẽ trả các khoản vay cùng lãi trong vòng 20 năm. Các chương trình này có thể thay thế cho Chương trình 157 về tín dụng sinh viên vẫn đang được áp dụng hiện nay.