Là khách mời đặc biệt của chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam 2018 (Vietnam Innovation Network), PGS.TS. Trần Thị Như Hoa, Phó trưởng ban khoa học Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK), Ủy viên Ban thư ký Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, hiện đang nghiên cứu giảng dạy tại ĐH Gachon, Hàn Quốc.

Chị đã dành cho Báo Khoa học Phát triển cuộc trò chuyện thú vị về khoa học, cuộc sống và sự chuẩn bị cho ngày trở về của mình…

Cũng đã lâu không xuất hiện trên báo chí trong nước, cập nhật mới nhất về thành tựu nghiên cứu khoa học của chị là gì?

Tôi và các cộng sự đã công bố nghiên cứu về chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer dựa trên cơ sở hiệu ứng plasmon bề mặt kim loại xác định nồng độ Tau-protein. Alzheimer là một bệnh lý về não tác động đến trí nhớ, suy nghĩ và hành vi. Bệnh Alzheimer không phải là bệnh lão khoa thông thường hoặc bệnh thần kinh, mà là dạng phổ biến nhất của hội chứng suy giảm trí nhớ. Ngoài ra, nghiên cứu mới nhất của nhóm đã thành công với kỹ thuật tăng cường tín hiệu huỳnh quang với surface plasmon coupled emission (SPCE) để dễ dàng phát hiện sự nồng độ nhỏ nhất của DNA mạch kép (dsDNA) (~400 fg/µL) so với các kỹ thuật khác trên thế giới (ELISA, Electrical detection, Aptamer…).

Nghiên cứu này là kết quả của một quá trình khá dài, từ những ngày còn ở đại học, đến đi làm nghiên cứu sinh, tôi vẫn kiên định theo con đường áp dụng khoa học cơ bản (vật lý, toán, tin học) và tổng hợp liên ngành vật lý quang-laser, vật liệu, điện tử, sinh học quang tử, vật lý kỹ thuật y sinh học nhằm chế tạo, thiết kế các thiết bị hoặc vật liệu tổng hợp ứng dụng sự đa dạng của quang-laser trong công nghệ y học.

Hành trình để trở thành một nhà khoa học của chị có những điểm nhấn đáng nhớ nào ạ?

Hồi nhỏ, tôi có ước mơ trở thành một cô giáo dạy Toán. Đó cũng là truyền thống gia đình. Tuy nhiên, khi học đại học chuyên ngành khoa học và công nghệ vật liệu, tôi mới biết được muốn tạo ra một vật, một thiết bị để đưa vào ứng dụng nào đó thật không dễ và đòi hỏi sự chuyên sâu về kiến thức, kinh nghiệm cũng như sự kiên trì lâu dài. Tôi bắt đầu thấy thích và được truyền lửa từ các thầy/cô ở trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM để bắt đầu vào phòng thí nghiệm ngay khi năm thứ 3…

Con đường đến khoa học quả là gian lao, có khi thức đêm để làm thí nghiệm, có khi phải chịu nhiều áp lực vì hầu hết những tài liệu để bổ sung kiến thức toàn là trong sách tiếng Anh và các tạp chí chuyên ngành kỹ thuật với những từ ngữ hoàn toàn mới mẻ đối với những mảng nghiên cứu mới. Nói chung sinh viên khoa học kỹ thuật là phải ăn, ngủ cùng khoa học.

PGS TS Trần Thị Như Hoa tại phòng làm việc. Ảnh: NVCC

Đâu là động lực để chị dấn thân vào khoa học?

Thứ nhất, tôi đã học từ môi trường khoa học ở trường từ khi còn là một sinh viên, thời gian tôi làm việc trong phòng thí nghiệm hầu như chiếm toàn bộ thời gian rảnh. Từ nhỏ tôi có năng khiếu toán học nên các môn học hầu hết liên quan tới toán, và nó đã dẫn tôi đến với khoa học. Tôi học rất dở văn và ngoại ngữ, khi thầy/cô giao những đề tài khoa học rất khó và thú vị, điều đó làm bạn trở nên tò mò và muốn tìm hiểu. Những bước cơ bản ấy đã tạo cho tôi động lực trau dồi thêm cách dùng từ ngữ, câu văn, học ngoại ngữ để khi trở thành nhà khoa học, cần viết tốt để đăng kết quả nghiên cứu trên tạp chí khoa học quốc tế.

Động lực lớn nhất của tôi là lĩnh vực nghiên cứu khi tôi nhận được đề tài từ Giáo sư hướng dẫn tiến sĩ (Hàn Quốc), tôi nhận được học bổng toàn phần tại Hàn Quốc vào 2015. Mảng nghiên cứu tại Hàn Quốc hoàn toàn mới nên tôi cần học hỏi, nghiên cứu, tìm tòi rất nhiều để có thể hoàn thành. Chính những ứng dụng rất bổ ích và có thể triển khai tại Việt Nam như sinh học quang tử, vật lý kỹ thuật y sinh học nhằm chẩn đoán sớm bệnh Alzheimer thông qua Tau-protein, bệnh tim thông qua nồng độ Troponin I, bệnh nhồi máu cơ tim…

Câu chị thường khuyên các bạn trẻ muốn trở thành nhà khoa học là gì?

Câu nói tôi hay nói với các bạn khi bắt đầu làm khoa học là: “Thành công lớn nhất là đứng dậy sau mỗi lần bị vấp ngã. Khi vấp ngã rồi hãy học cách kiên nhẫn, học cách quan sát, tư duy sáng tạo để tìm cách đứng dậy, rồi bạn sẽ thành công”.

Bận như thế, vì sao chị lại dành nhiều thời gian cho việc tổ chức các hoạt động của cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc?

Tôi đã tham gia các hoạt động của sinh viên từ khi còn là đại học (Mùa hè xanh, xuân tình nguyện, thăm các mái ấm, làng SOS…). Đối với tôi, ký ức hoạt động, vui chơi thời sinh viên là quãng thời gian đẹp nhất của thời đi học. Những động lực ấy, giúp tôi tiếp tục gắn liền với những hoạt động của cộng đồng sinh viên tại Hàn Quốc. Những du học sinh xa nhà, đôi khi ngoài việc học tập, nghiên cứu chúng tôi còn có những buổi giao lưu, trao đổi thông qua các sự kiện hằng năm của Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK).

Một năm, VSAK có 4 sự kiện lớn là Hội thảo khoa học sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (ACVYS), Đại hội thể dục thể thao, Ngày hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, Tết xa quê… Đặc biệt VSAK đã có nhiều hoạt động ý nghĩa hướng về quê hương, đất nước, tiêu biểu các hoạt động liên quan đến khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương, đóng góp xây dựng dự án máy phát điện, máy lọc nước đưa đến Trường Sa…

Chị có thể kể về một hội thảo khoa học VN tại Hàn Quốc, điều gì làm chị tự hào nhất về các hội thảo này?

Tôi là Phó trưởng ban khoa học, Hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK) năm 2017-2019. Cùng kinh nghiệm của các anh/chị (em) trong ban chấp hành VSAK, dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và Bộ Khoa học và Công nghệ tại Hàn Quốc, hội thảo đã diễn ra thành công. Chúng tôi đã tổ chức thường niên Hội thảo nhà khoa học trẻ Việt Nam (Annual Conference of Vietnamese Young Scientists - ACVYS).

Lần thứ 5 tổ chức Hội thảo năm 2018, là lần đáng tự hào của tôi nhất về các khâu tổ chức, công trình nghiên cứu của các chuyên gia, học sinh, nghiên cứu viên đem lại sự thành công của Hội thảo. Tuy là hội thảo khoa học sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc, nhưng cũng thu hút rất nhiều nghiên cứu sinh quốc tế như Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Uzbekistan,… tham gia gửi bài báo cáo. Hội đồng khoa học là những nhà khoa học đầu ngành đã thẩm định và phản biện kín để tuyển chọn ra các bài báo chất lượng để trình bày tại hội thảo.

Đặc biệt, năm 2018 là năm đầu tiên Ban tổ chức sẽ trao giải thưởng cho nhà khoa học trẻ xuất sắc (VYSK Awards) để tôn vinh các cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập và nghiên cứu tại Hàn Quốc. Bên cạnh đó, điểm nhấn của chương trình năm nay là workshop “Lưu trữ và chuyển đổi năng lượng” quy tụ các giáo sư đầu ngành, các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực phát triển và ứng dụng năng lượng xanh bền vững.

PGS TS Như Hoa cùng các sinh viên Việt Nam tại “Ngày Việt Nam ở Hàn Quốc”.
Ảnh: NVCC

Vì sao chị chọn Hàn Quốc để làm việc?

Tôi lúc đầu chọn đi học nghiên cứu sinh với quan điểm là chọn cho mình người thầy với hướng nghiên cứu sau này có thể về Việt Nam ứng dụng. Do đó, hướng nghiên cứu hiện tại mà tôi đang theo đuổi là một trong những lĩnh vực mới mẻ trên thế giới. Hơn nữa, Hàn Quốc là đất nước phát triển về nền giáo dục và có sự cạnh tranh khá lớn của các công ty kỹ thuật công nghệ và chương trình giảng dạy, môi trường nghiên cứu học tập ở Hàn sánh ngang với các nước phát triển khác như Phần Lan, Nhật Bản, Hồng Kông, Anh, Canada… Hàn Quốc là một đất nước phát triển dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống lâu đời và nền văn hóa hiện đại năng động.

Điều gì về “cô giáo Như Hoa” mà các thế hệ học trò của chị hay nhắc đến nhất?

Có lẽ “cô giáo Như Hoa” biệt danh “Rùa con - con Rùa” là một cô giáo khó tính, cẩn thận và tận tâm. Đối với tôi, điều làm nên thành công của một người là mình phải tự khó với mình trước. Trong nghiên cứu và cả cuộc sống, tôi đặt những áp lực lên chính bản thân mình để giải quyết các vấn đề. Khi tôi hướng dẫn sinh viên, tôi luôn luôn dẫn dắt từ lý thuyết đến thực hành, thông qua đó giúp các em hiểu được từ gốc đến ngọn vì sao chúng ta nên làm việc này và giúp các em có nền tảng sau này để tự mình có thể đứng trên con đường nghiên cứu lâu dài.

Cuối cùng, làm nhà khoa học có… khổ lắm không ạ?

Khoa học nghiên cứu không những đem lại cho bạn kiến thức vô giá, mà dựa vào đó bạn có thể kiếm tiền. Đôi khi những bạn không hiểu về nghiên cứu sẽ chỉ nghĩ rằng, nghiên cứu là khổ, suốt ngày vào phòng thí nghiệm, đọc tài liệu giống mọt sách, rồi đo đạc, rồi giải thích kết quả. Nhưng đằng sau đó là những phát minh, những sáng kiến vô cùng có giá trị và ý nghĩa thực tiễn cao.

Và hơn nữa, dù du học ở nước ngoài hay Việt Nam, tôi vô cùng đánh giá cao các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đã và đang làm việc tại Việt Nam với những cống hiến hết sức có ý nghĩa mang lại ứng dụng cao và có ích cho cuộc sống. Tôi chắc chắn sẽ về Việt Nam, cùng với PGS. TS. Phan Bách Thắng để thực hiện những dự định của mình, áp dụng những gì mình học và liên kết với giáo sư tôi đang làm việc để áp dụng các kỹ thuật mới trong lĩnh vực y-sinh học.

Tôi lấy ví dụ như nhóm nghiên cứu Tiến sĩ Trương Văn Chương (nguyên Trưởng Khoa Vật lý và nay là Trưởng Bộ môn Vật lý chất rắn - Đại học Khoa học Huế), tôi đã có cơ hội làm việc với Thầy và biết được nhóm Thầy đã chế tạo thành công các thiết bị phát siêu âm (made in Vietnam) có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực của đời sống với giá cực rẻ so với thiết bị nhập ngoại.

Ngoài ra, nhóm còn nghiên cứu chế tạo TiO2 nano dạng ống sử dụng phương pháp siêu âm - vi sóng - thủy nhiệt cho các ứng dụng như cảm biến khí và độ ẩm, xử lý nước thải, làm sạch môi trường… Ngoài ra, nhóm nghiên cứu của PGS. TS Phan Bách Thắng (Trung tâm Nghiên cứu vật liệu cấu trúc nano và phân tử (INOMAR), Đại học Quốc gia TPHCM) đã có những nghiên cứu cả về thiết bị linh kiện điện tử, những ứng dụng trong hạt nano từ tính chẩn đoán trong y-sinh học đem lại những thiết bị ứng dụng cao cho tương lai.

Nhóm nghiên cứu đã có rất nhiều đề tài lớn và liên kết với nước ngoài giữa trung tâm và Đại học California, Los Angeles (UCLA) và Đại học California, Berkeley (UCB) được thực hiện tại cả trong nước và nước ngoài giúp cho các nghiên cứu sinh Việt Nam biết được công nghệ, khoa học kỹ thuật của các nước bạn.

Xin cám ơn và hẹn gặp lại chị ở diễn đàn Vietnam Innovation Network ngày 19.8.