Do kinh phí đầu tư cho khoa học sẽ giảm nhẹ trong năm tới nên giới nghiên cứu trông chờ vào chiến lược nghiên cứu quốc gia sẽ bắt đầu vào năm 2021 với đầu tư cho khoa học lên tới 3% GDP để có thể giải quyết những vấn đề khoa học lớn.

Kể từ khi tạo dựng  các phòng thí nghiệm chung vào năm 1966, tổ chức CNRS đã thiết lập một mạng lưới R&D không ngừng được mở rộng giữa các nhà khoa học và ngành công nghiệp. Nguồn: CNRS
Kể từ khi tạo dựng các phòng thí nghiệm chung vào năm 1966, tổ chức CNRS đã thiết lập một mạng lưới R&D không ngừng được mở rộng giữa các nhà khoa học và ngành công nghiệp. Nguồn: CNRS

Chính phủ Pháp sẽ đầu tư cho khoa học khoảng 7 tỉ euro (tương đương 7,6 tỉ USD) vào năm 2020, một khoản ngân sách ít hơn so với năm 2019 (8,8 tỷ euro, tương đương 9.9 tỷ USD).

“Mức này thấp một cách đáng thất vọng”, Patrick Monfort – Tổng thư ký Liên minh Thương mại các nhà nghiên cứu quốc gia Pháp (French National Trade Union of Scientific Researchers) nhận xét. Nhưng Monfort cũng biết là đầu tư cho khoa học đang bị ảnh hưởng từ việc chính phủ cắt giảm hàng tỷ euro tiền thuế vì muốn “vỗ về” phe “gi lê vàng” với những hành động tuần hành phản đối các chính sách cải cách kinh tế của chính phủ Macron kể từ tháng 11/2018.

Chờ chiến lược nghiên cứu quốc gia

Thay vì nghĩ đến năm 2020, các nhà khoa học hướng đến năm 2021 với việc chờ đợi chính phủ tạo lập chiến lược nghiên cứu của quốc gia, một chương trình nghiên cứu kéo dài trong nhiều năm với một khoản đầu tư lớn để khuyến khích khoa học Pháp có thể đạt được các thành tựu khoa học xuất sắc. Đích thân Thủ tướng Édouard Philippe vào tháng 2/2019 đã thông báo rộng rãi về chiến lược này tại lễ kỷ niệm 80 năm thành lập Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), cơ quan nghiên cứu cơ bản lớn nhất châu Âu.

Khi đó, 40 lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu quốc gia, trong đó có CNRS, đều đón nhận thông tin một cách hào hứng, ‘đây là cơ hội để đảm bảo Pháp vẫn giữ vị thế là một quốc gia khoa học lớn” đúng lúc một cuộc cạnh tranh quốc tế về nghiên cứu đang rất sôi động với sự tham gia của một số quốc gia châu Á, đồng thời cam kết sẽ tham gia vào quá trình xây dựng chiến lược để nó đi đúng hướng.

Bên cạnh một số mục tiêu dễ nhận thấy như duy trì một lượng kinh phí đầu tư đáng kể cho khoa học, chính phủ muốn thúc đẩy việc tuyển dụng các nhà khoa học trẻ ở giai đoạn đầu sự nghiệp và giúp Pháp giữ vững khả năng cạnh tranh khoa học toàn cầu thông qua chiến lược này.

Việc tăng kinh phí là một phần của chiến lược với mục tiêu tăng cường đầu tư từ cả lĩnh vực công và tư lên mức tương đương 3% GDP bởi trong 4 năm qua con số này chỉ ở mức 2.2% GDP.

Việc đặt ra một chiến lược dài hạn và nguồn kinh phí đảm bảo là tín hiệu tốt bởi nhiều nhà khoa học Pháp từ lâu đã phàn nàn ngân sách cho nghiên cứu thường thăng giáng theo những quyết sách chính trị. Ở Pháp, nghiên cứu do chính phủ tài trợ thường rót vào các phòng thí nghiệm trong các trường đại học do các cơ quan nghiên cứu điều hành như CNRS và các tổ chức trong các lĩnh vực đặc biệt, ví dụ như INSERM – cơ quan quản lý về khoa học y sinh. Mỗi bên sẽ nhận lấy một phần ngân sách đầu tư cho khoa học theo tỷ lệ đã định.

Chiến lược khoa học sẽ được đưa vào luật, dự tính sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, tuy nhiên về các chi tiết, bao gồm diễn ra trong bao lâu và cần bao nhiêu tiền đầu tư, vẫn còn đang được bàn thảo. Theo thông tin ban đầu, ít nhất chiến lược sẽ diễn ra trong vòng 3 năm, trùng khớp với chương trình đầu tư cho nghiên cứu và đổi mới sáng tạo lớn nhất của EU, Horizon Europe 2021–1927.

Vẫn chưa như mong đợi

Những đề xuất ngân sách gần nhất đã có chỉ ba ngày sau khi các nhóm chuyên gia gồm các nhà khoa học, các nhà quản lý khoa học và các thành viên nghị viện đang tập trung xây dựng chiến lược nêu các báo cáo, trong đó đánh giá về ngân sách đầu tư, nguồn nhân lực, mối liên hệ giữa lĩnh vực công và tư trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo…, đồng thời nêu những đề xuất cho chiến lược khoa học.

Các báo cáo này đã vẽ ra một bức tranh có phần ảm đạm về khoa học Pháp, ví dụ “một hiện tượng gây xói mòn và trì trệ, thể hiện ở cả khía cạnh đầu tư cho khoa học và công bố khoa học”. Các nhóm chuyên gia đã kêu gọi sự gia tăng trong đầu tư cho khoa học hằng năm, giữa 2 tỷ đến 3,6 tỷ euro để Pháp có thể bắt kịp các tiêu chuẩn quốc tế về mức lương, điều kiện nghiên cứu và đổi mới sáng tạo.

Lần đầu tiên có những báo cáo giúp Chính phủ Pháp biết một cách chính thức về việc khoa học Pháp đang ở trạng thái không tốt, Patrick Lemaire, một nhà sinh học tại trường Đại học Montpellier, Pháp và là người thành lập nhóm vận động do các nhà khoa học dẫn dắt mang tên Sciences en Marche. Ông hi vọng tinh thần và tính thực tế của các đề xuất nhằm thúc đẩy đầu tư cho khoa học sẽ được đưa vào văn bản luật.

Olivier Berné, một nhà vật lý thiên văn làm việc tại Viện Nghiên cứu Vật lý thiên văn và Khoa học hành tinh (IRAP) tại Toulouse đã thành lập nhóm RogueESR để vận động cho những điều kiện nghiên cứu và giáo dục đại học tốt hơn, cho biết những đề xuất này không phản ánh được rất nhiều yêu cầu của cộng đồng khoa học, ví dụ như cần cắt giảm tình trạng quan liêu, gia tăng số kinh phí rót qua các chương trình đầu tư mang tính cạnh tranh… Hiện RogueESR đang phản đối lại việc CNRS chỉ tuyển dụng 250 nhà nghiên cứu một năm thay vì con số 300 thông qua hình thức gửi thư ngỏ và đề nghị các nhà khoa học ký ủng hộ. Họ đã nhận được gần 12.000 chữ ký.

Phản ứng từ cộng đồng nghiên cứu thật khác biệt. “Dù trông chờ vào chi tiết của chương trình, đặc biệt là quy mô ngân sách và chính sách tuyển dụng nhưng tôi cũng hết sức lạc quan vì “thà ít còn hơn không có gì’”, Frédéric Dardel - Hiệu trưởng trường Đại học Paris-Descartes, từng nghiên cứu về sinh học phân tử, nói. Ông cho biết thêm, phải định hình được chương trình trước bầu cử tổng thống vào năm 2022 và điều đó sẽ giúp ổn định chính sách đầu tư cho khoa học, bất kể ai giành chiến thắng.

Ngược lại, có người thận trọng hơn. “Chúng tôi đã đề nghị một kế hoạch đầu tư cho khoa học cho khoảng trên 15 năm nhưng với ngân sách mỗi năm tăng thêm 1 tỷ euro,” ông Patrick Monfort nêu, đồng thời cho biết, “cần có kinh phí đầu tư cho phòng thí nghiệm, trả lương cao hơn và các điều kiện làm việc tốt hơn cho nhà nghiên cứu ở mọi cấp độ, không chỉ có mỗi nhà nghiên cứu trẻ”.