PGS.TS Trần Tân Văn - Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) cho rằng cần đánh giá thảm họa thiên tai ở miền Trung trên một diện rộng hơn với câu hỏi “Thủy điện tác động đến môi trường và xã hội như thế nào?” mới có thể đưa ra những giải pháp ứng phó hợp lý trong tương lai.

Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ. Ảnh: Tuổi trẻ
Nhà máy thủy điện Đăk Mi 4 xả lũ. Ảnh: Tuổi trẻ

Thuỷ điện: lợi và hại

Trong buổi tọa đàm “Lũ lụt bất thường và sạt lở đất ở miền Trung: Thiên tai hay Nhân tai?” do báo Đại đoàn kết tổ chức vào ngày 5/11, PGS.TS Trần Tân Văn cho rằng, nguyên nhân chính của thảm họa ở miền Trung năm nay trước hết là do chúng ta đã có một đợt mưa bão kỷ lục dài ngày với cường độ rất lớn. “Bình thường mưa bão là chuyện tự nhiên của trời đất nhưng khi mưa lớn liên tiếp, kéo dài nhiều ngày làm cho đất đá sũng nước, bão hòa, sức bền của đất kém đi, sườn dốc trượt nặng hơn thì chắc chắn sẽ gây ra trượt lở. Và việc trượt lở này diễn hàng loạt chứ không phải chỉ một vài vụ”, ông nói.

Bên cạnh yếu tố mưa lớn thì đặc điểm địa hình, địa chất bất lợi tại khu vực miền Trung cũng là một nguyên nhân quan trọng bởi nơi đây có địa hình rất hẹp và cao, đồi núi dốc nên ngay cả sườn dốc tự nhiên cũng đã có độ dốc lớn. Thêm vào đó, khu vực này còn có rất nhiều phân vị địa chất khác nhau và rất đa dạng về tuổi, thành phần, tính chất cơ lý..., chưa kể đến việc còn bị các hệ thống đứt gãy gây nứt nẻ mạnh nên đất đá rất yếu. “Cộng thêm việc vỏ phong hóa ở miền Trung cũng rất dày nên về mặt địa chất, địa hình, miền Trung có nhiều bất lợi, đặc biệt là các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi”, ông phân tích.

Nhưng đây không phải là nguyên nhân duy nhất. “Mặc dù những thảm họa như vừa rồi ở miền Trung nói riêng và trên thế giới nói chung là do thiên tai nhưng vai trò của các hoạt động nhân sinh đang trở nên ngày càng quan trọng hơn, thậm chí trong một số trường hợp nó còn là yếu tố chính gây thiệt hại”, PGS.TS Trần Tân Văn nhận định về tác động của con người trong sự việc lần này. “Trước đây, núi rừng, địa chất vẫn thế nhưng tại sao chúng ta không bị thiệt hại như vậy? Có thể một phần là do trước đây dân số của chúng ta khá thưa, nhưng những năm gần đây đã tăng lên nhiều nên những vị trí an toàn, thuận lợi để sinh sống có khi cũng hết rồi, bắt buộc người dân trong nhiều trường hợp phải tìm đến những vị trí không thuận lợi để sống”.

Bên cạnh yếu tố tự nhiên của thiên tai và hoạt động sống của con người, vai trò của thủy điện đối với lũ lụt và sạt lở cũng lại một lần nữa được chất vấn tại tọa đàm này. Trước câu hỏi, “thủy điện có góp phần gây ra lũ hay làm trầm trọng lũ hơn hay không?”, PGS.TS Trần Tân Văn cho rằng, đây chưa phải là một câu hỏi toàn diện mà phải là “Thủy điện có tác động đến môi trường và xã hội như thế nào?”. “Rõ ràng nếu đặt câu hỏi như vậy, chúng ta có thể khẳng định: thủy điện giống như bất kỳ dự án nào khác đều có mặt lợi và mặt hại. Trong khi chưa có nguồn năng lượng thay thế thì bây giờ và trong tương lai thủy điện vẫn là giải pháp chủ yếu, nhưng phải cân nhắc lợi ích, thiệt hại của nó một cách kỹ lưỡng”, ông nhận định.

“Ở đây rõ ràng có một vấn đề là chúng ta chưa tính đến hết tất cả tác động môi trường, xã hội của thủy điện, và rõ ràng ảnh hưởng đến một số người dân. Nếu tính đến tất cả tác động thì phải đền bù cho cả những người dân mà chúng ta chưa lường được hết lúc trước. Khi ấy, có khi phải xem xét lại hiệu quả kinh tế của một dự án thủy điện cụ thể nào đó”, PGS.TS Trần Tân Văn nói.

Đề cập đến các kết quả nghiên cứu của châu Âu về việc thủy điện không gây lũ hay phá rừng đáng kể, PGS.TS Trần Tân Văn cho rằng, vẫn có khác biệt cả về quy trình phê duyệt, quá trình thi công, vận hành, điều tiết, và thậm chí kể cả nội dung về phục hồi rừng trong một dự án thủy điện trong điều kiện Việt Nam. “Đối với rừng thì cần xem xét một cách toàn diện, ví dụ, khi xem xét mưa bão trên một diện rất rộng thì cũng cần phải xét đến thảm thực vật trên diện rộng như vậy chứ không phải chỉ một vài khoảnh. Và quan trọng hơn cả là phải nói đến chất lượng rừng bởi một rừng nguyên sinh thì khả năng hấp thụ nước, điều tiết, làm chậm lũ khác hẳn so với rừng trồng chỉ có thân cây mọc lên thẳng đứng và bên dưới thì ko có thảm thực vật nào cả”, ông nói, “một loạt khác biệt như vậy là những yếu tố cần tính đến khi đặt câu hỏi về tác động của thủy điện”.

PGS.TS Trần Tân Văn. Ảnh: MH
PGS.TS Trần Tân Văn. Ảnh: MH

Theo quan điểm của ông, nếu nói rằng thủy điện không làm tiêu hao nước ở lưu vực thì cũng chưa đúng bởi “rõ ràng có câu chuyện mất nước khi một số thủy điện được thiết kế để chuyển nước từ lưu vực này sang lưu vực kia”. “Ở những khu vực như vậy thì ta phải tính đến vấn đề đó, coi nó như là một tác động và phải có giải pháp nào đấy như đền bù cho người dân vì đáng lẽ ra họ được hưởng nước bình thường thì giờ tự nhiên lại bị mất đi”, ông cho biết. Việc điều tiết lũ của thủy điện mới chỉ là một mặt vấn đề bởi riêng việc tích nước hồ chứa và quá trình vận hành hồ đã có tác động đến địa chất, thủy văn, động thái nước dưới đất và có thể gây ra trượt lở lòng hồ. “Đây là nguy cơ có thật và không ai có thể phủ nhận”, ông nói và nêu ra ví dụ về vụ trượt lở đất lòng hồ ở thủy điện Vajont của Ý năm 1963 khiến cho 50 triệu m3 nước vọt qua khỏi mặt đập, tràn xuống hạ lưu và quét đi cả một thị trấn, trong khi đập vẫn còn nguyên và không bị vỡ.

“Tôi chỉ cho là cần phải tính đến một cách đầy đủ hơn nữa những tác động của các dự án thủy điện để trên cơ sở đó đưa ra quyết định cẩn trọng hơn”, PGS.TS Trần Tân Văn nhấn mạnh.

Cập nhật các bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo

Để ứng phó với thiên tai nói chung và trượt lở đất nói riêng, theo PGS.TS Trần Tân Văn, “phương châm chủ đạo là phòng tránh và giảm nhẹ hậu quả. Việc này tốt nhất phải làm rất thường xuyên và làm rất lâu trước khi mùa mưa bão đến, kèm theo là các hoạt động tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức cộng đồng, diễn tập sơ tán di dời. Có lẽ do từ trước đến nay chúng ta ít bị và có bị thì chưa đến mức kỷ lục như thế này nên ta đã làm chưa đủ, chưa kịp thời, quyết liệt và khẩn trương”.

Ông cho biết, do việc ngăn chặn sạt lở không khả thi và việc dự báo chính xác vị trí cụ thể xảy ra sạt lở khó và tốn kém nên giải pháp mà chúng ta có thể làm là xây dựng các bộ bản đồ hiện trạng, phân vùng cảnh báo và tiếp đó là các bản đồ đánh giá độ nguy hiểm trượt lở. Trong ngắn hạn, các bộ bản đồ đó có thể chỉ ra những khu vực nào có nguy cơ trượt lở cao và rất cao để di dời và sơ tán khẩn cấp. “Chúng ta cũng hoàn toàn có thể căn cứ vào bản đồ đó để xác định sẵn một số vị trí tương đối an toàn làm vị trí dự kiến để sơ tán”. Về mặt dài hạn, bản đồ có thể tích hợp vào các quy hoạch để tránh hoặc không phát triển kinh tế xã hội ở những nơi có nguy cơ trượt lở cao để tập trung vào việc phát triển những nơi an toàn và có nguy cơ trượt lở thấp hơn. Hiện nay, việc điều tra và xây dựng bản đồ hiện trạng đã được thực hiện ở khoảng 22/37 tỉnh, phân vùng cảnh báo ở khoảng 15/37 tỉnh ở tỉ lệ 1/50,000 và khoảng 60/220 xã trọng điểm ở tỉ lệ 1/10,000

Tuy nhiên, việc thực hiện điều tra này còn chậm và việc chuyển giao kết quả nghiên cứu như vậy về các địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, “sau lần này sẽ phải có những thay đổi để đảm bảo rằng người được chuyển giao hiểu được kết quả nghiên cứu và phải sử dụng được kịp thời và đúng lúc. Ngoài ra, mỗi mùa mưa lũ thì lại có các đợt trượt lở mới nên cần phải cập nhật các bản đồ và chuyển giao lại sau ba đến năm năm. Có rất nhiều nội dung cần phải điều chỉnh, chúng tôi tin rằng ngay sau đợt mưa lũ lịch sử này thì công tác phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai của chúng ta chắc chắn phải thay đổi rất nhiều”, PGS.TS Trần Tân Văn nhấn mạnh.