Với tư cách là một nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ sinh học, vị Bộ trưởng Khoa học mới của nước Anh - George Freeman - sẽ có nhiều lợi thế để hiện thực hóa mục tiêu đưa nước Anh trở lại làm một ‘siêu cường khoa học’.

Thủ tướng Anh Boris Johnson thăm Phòng thí nghiệm Mologic, một phòng thí nghiệm chuyên phát triển các dụng cụ chẩn đoán nhanh, vào năm ngoái. Ảnh: Reuters
Thủ tướng Anh Boris Johnson thăm Phòng thí nghiệm Mologic, một phòng thí nghiệm chuyên phát triển các dụng cụ chẩn đoán nhanh, vào năm ngoái. Ảnh: Reuters

Đại dịch đã cho thấy một số thiếu sót của Anh, bao gồm thiếu năng lực sản xuất vaccine và các lĩnh vực công nghệ cao khác. Jim McDonald, Chủ tịch của Học viện Kỹ thuật Hoàng gia, cho biết: “Chúng ta sẽ phải tập trung vào công nghệ, kỹ thuật và sản xuất giá trị cao. Đồng thời, cần gia tăng sự kết nối giữa cơ sở nghiên cứu và ngành công nghiệp. Nếu làm được những điều này, nước Anh có thể trở thành một siêu cường về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.”

Do đó, chính phủ nước này đã đề ra hai mục tiêu quan trọng nhằm chấm dứt tình trạng tụt hậu của Vương quốc Anh trong G7: Thứ nhất, đầu tư công vào R&D dự kiến sẽ tăng từ 14,9 tỷ bảng trong năm nay lên 22 tỷ bảng vào năm 2024-2025; Thứ hai, tổng chi tiêu cho R&D của Vương quốc Anh của khu vực công và tư nhân do tăng từ 1,7% tổng sản phẩm quốc nội hiện nay lên 2,4% - mức trung bình của các nước công nghiệp - vào năm 2027.

Để đạt được hai mục tiêu quan trọng này, nước Anh sẽ cần những kế hoạch cụ thể và thiết thực - trọng trách này cuối cùng được đặt lên vai Bộ trưởng Khoa học mới của nước Anh, George Freeman. Tân Bộ trưởng sẽ trải qua một thời gian khó khăn khi đại dịch coronavirus đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình nghiên cứu của quốc gia này. Chính vì lý do này, các chuyên gia lo ngại rằng mục tiêu đầy tham vọng về đầu tư cho nghiên cứu của chính phủ do Đảng Bảo thủ nắm quyền sẽ khó mà được đáp ứng. Thêm vào đó, mối quan hệ của Vương quốc Anh với châu Âu cũng có thể ảnh hưởng đến chương trình nghị sự của Bộ trưởng.

Trước khi trở thành một chính trị gia, Freeman đã có kinh nghiệm 15 năm trong việc thành lập và tài trợ cho các công ty khởi nghiệp y sinh thuộc cụm công nghệ Cambridge. Sau đó, ông trở thành cố vấn khoa học sự sống của chính phủ và là Bộ trưởng Bộ Giao thông. Từ năm 2010, ông là thành viên Quốc hội của Đảng Bảo thủ. Ông tiếp nhận vị trí của mình từ Amanda Solloway, người được bổ nhiệm vào đầu năm 2020.

Nhờ việc xuất thân là một nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực công nghệ sinh học, Freeman nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà nghiên cứu. “Tôi nghĩ việc bổ nhiệm này rất hứa hẹn”, James Wilsdon, nhà nghiên cứu chính sách khoa học tại Đại học Sheffield, Vương quốc Anh, cho biết. Đồng tình với ý kiến này, Kieron Flanagan, nhà nghiên cứu chính sách khoa học và công nghệ tại Đại học Manchester, đã thốt lên: “Thật tuyệt khi có một vị Bộ trưởng hiểu về hệ thống nghiên cứu và đổi mới sáng tạo hiện tại. Tôi nghĩ rằng hầu hết các nhà khoa học sẽ rất vui khi có một người say mê, coi trọng khoa học vì tiềm năng kinh tế và thương mại của nó”.
Tuy nhiên, Freeman sẽ đối mặt với nhiều áp lực. Trước hết, ông sẽ phải lên kế hoạch để đạt được mục tiêu tài trợ táo bạo cho nghiên cứu của Vương quốc Anh, vốn là một bước khó khăn. Hiện tại, đầu tư cho nghiên cứu ở mức 1,74% GDP và chính phủ đang chi 14,9 tỷ bảng Anh cho nghiên cứu giai đoạn 2021-2022. “Tôi không tin tưởng mấy vào mục tiêu 2,4%”, Nick Hillman, Giám đốc Viện Chính sách Giáo dục Đại học ở Oxford, Vương quốc Anh cho biết. “Chúng ta cần một hướng đi rõ ràng và thiết thực hơn để đạt được mục tiêu đó”.

Thuyết phục tài trợ

Cuộc cải tổ nội các của Anh diễn ra chưa đầy hai tháng trước khi chính phủ xem xét chi tiêu vào ngày 27/10, trước đó các Bộ trưởng sẽ phải thuyết phục chính phủ tài trợ cho Bộ của mình. Freeman sẽ có một khoảng thời gian rất ngắn để chuẩn bị trình bày, kêu gọi đầu tư thúc đẩy R&D ở Vương quốc Anh. “Các buổi thuyết trình chính phủ đầu tư sẽ diễn ra trong vài tuần tới”, David Willetts, một chính trị gia Đảng Bảo thủ từng là Bộ trưởng Khoa học từ năm 2010 đến năm 2014, cho biết. “Đó là một thách thức lớn, bởi nước Anh đã bị mắc kẹt với con số 1,7% trong một thời gian dài”.

Freeman cũng sẽ phải làm việc với Văn phòng Chiến lược KH&CN mới thành lập, do cố vấn khoa học chính của thủ tướng, Patrick Vallance, đứng đầu. Tuy nhiên, không rõ trách nhiệm chính xác của Bộ Khoa học và Văn phòng này khác nhau như thế nào. Theo Wilson, việc thành lập văn phòng “đặt ra những câu hỏi quan trọng” về việc bên nào sẽ dẫn dắt quá trình thúc đẩy tăng cường nghiên cứu và phát triển ở Vương quốc Anh.

Những vấn đề liên quan đến Brexit cũng sẽ nằm trong chương trình nghị sự của Tân Bộ trưởng - bao gồm khả năng dỡ bỏ quy định trong một số lĩnh vực, chẳng hạn như chỉnh sửa gene, nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học của Vương quốc Anh. “Rõ ràng sẽ có những chương trình thảo luận về việc điều chỉnh các quy định trong nghiên cứu khoa học”, Wilsdon dự đoán. “Vấn đề là nếu chúng tôi quá khác biệt so với các tiêu chuẩn châu Âu, chúng tôi sẽ gặp khó khăn trong hợp tác và đồng tài trợ”.

Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu vẫn chưa tìm ra cách thức hoạt động cho những hợp tác giữa hai bên; quốc gia này thậm chí còn chưa chính thức tham gia vào chương trình tài trợ hàng đầu của khối - Horizon Europe, chương trình tài trợ hàng tỷ euro cho nghiên cứu của châu Âu. “Thực chất, về nguyên tắc, chúng tôi đã thống nhất với nhau rằng nước Anh sẽ tham gia vào các chương trình nghiên cứu ở châu Âu” từ tháng 12/2020, Sarah Main, Giám đốc điều hành của Chiến dịch Khoa học và Kỹ thuật ở London, cho biết. “Tuy nhiên, nước Anh và Liên minh châu Âu vẫn chưa ký kết thỏa thuận chính thức”.

Thời hạn để chuẩn bị cho buổi trình bày sắp hết, vị Bộ trưởng mới sẽ phải làm rất nhiều việc để đưa ra một lộ trình hợp lý và thiết thực trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu của nền khoa học nước Anh, bởi theo Richard Jones, giáo sư vật lý vật liệu và chính sách đổi mới tại Đại học Manchester, Bộ trưởng cần phải nhìn nhận thực tế là tình hình tài chính eo hẹp do hậu quả của đại dịch, và chúng ta còn cần phải dành tiền để đáp ứng mục tiêu kinh tế và khí hậu.