Giãn cách xã hội trong làn sóng thứ 4 của đại dịch khiến nhiều startup khốn đốn khi không còn vốn để bám trụ thì một số startup vẫn lách qua khe cửa hẹp và sống sót. Jupviec.vn là một trong số những doanh nghiệp may mắn như vậy. Anh Phan Hồng Minh – CEO của Jupviec.vn, đã chia sẻ với Khoa học và Phát triển bài học giúp mình vượt qua đợt dịch trên.
Tận dụng dòng tiền
Có một câu nói mà giới startup vẫn truyền nhau “Cash is king” (Tiền mặt là vua). Trong thời kỳ đại dịch, điều đó lại càng đúng bởi nếu doanh nghiệp nào còn tiền mặt và còn khả năng duy trì dòng tiền tốt sẽ vượt qua khó khăn để sống sót.
Tuy nhiên việc áp dụng nguyên tắc này không phải dễ. Điểm khó của Jupviec.vn, công ty chuyên về cung cấp các dịch vụ giúp việc gia đình theo giờ hoặc tổng vệ sinh, nằm ở chỗ không thể duy trì được các dịch vụ nữa. Các dịch vụ của công ty buộc phải tạm dừng theo yêu cầu giãn cách của các địa phương, đặc biệt tại hai thị trường chính là TPHCM và Hà Nội. Trong khi đó, kinh nghiệm mà chúng tôi nhận ra từ một, hai năm trước về dòng tiền thực ra rất khó áp dụng bởi hai nguyên nhân: thứ nhất startup không có vốn, chỉ có ý tưởng; thứ hai trong bối cảnh đại dịch, khi các dịch vụ của Jupviec.vn đều phải tạm dừng thì không có nguồn thu.
Vậy Jupviec.vn đã làm thế nào để vượt qua? Chúng tôi nhận thấy, tiền có thể đến từ nhiều nguồn, từ gọi vốn đến đi vay ngân hàng hay bán dịch vụ thanh toán trước… Và muốn có được tiền theo cách như vậy, chúng tôi phải có được sự chuẩn bị sẵn sàng với tầm nhìn không phải là cho 3 tháng, 6 tháng khó khăn trong hoạt động mà là một năm. Sự sẵn sàng đó được chúng tôi ‘tập dượt’ từ chính doanh thu của mình. Ở thời điểm bình thường, có doanh thu tốt, chúng tôi vẫn vay tiền của ngân hàng với kì hạn ngắn hai hoặc ba tháng. Điều đó giúp Jupviec.vn có lịch sử tín dụng tốt với ngân hàng và được ngân hàng đồng ý cho vay với kỳ hạn 6 tháng, điều mà không nhiều startup làm được.
Ngoài ra, để đa dạng nguồn tiền, chúng tôi cũng đã đa dạng sản phẩm của mình theo cách khuyến mại khách hàng, mở thêm dịch vụ khác, ví dụ với 30% khách hàng sử dụng dịch vụ trên 3 năm, Jupviec.vn ưu tiên bán thực phẩm từ rau sạch đến thịt, hải sản… Cái khó trong việc phân phối thực phẩm là phải duy trì được nguồn cung nhưng may mắn là Jupviec.vn đã tìm kiếm được nguồn hàng có nguồn gốc rõ ràng cũng như các chứng chỉ đảm bảo chất lượng... để đa dạng hóa sản phẩm.
Tuy nhiên, để có được dòng tiền tốt trong đại dịch, Jupviec.vn cũng tìm đến giải pháp cắt giảm các chi phí không cần thiết với phương châm phải cắt nhanh nhất có thể, không chần chừ vì càng để lâu sẽ càng ảnh hưởng tới dòng tiền. Để làm được điều đó, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn các kịch bản cho tình huống xấu nhất hoặc tình huống đỡ xấu hơn. Vì thế, chỉ khi có dấu hiệu dịch quay trở lại, chúng tôi đã áp dụng các kịch bản đó để đảm bảo bộ máy công ty không bị ảnh hưởng quá nhiều. May mắn, chúng tôi chưa phải cắt giảm nhân sự mà chỉ cắt giảm lương từ lãnh đạo đến nhân viên, mỗi nhóm có một mức cắt tùy theo cấp bậc. Chúng tôi cũng đàm phán với giảm tiền thuê văn phòng, chi phí marketing quảng cáo vì lúc này cũng không có khách hàng.
Nâng cao chất lượng dịch vụ ngay trong giãn cách
Giãn cách thực sự làm cho các hoạt động rời rạc, ảnh hưởng không nhỏ đến sự kết nối của Jupviec.vn với khách hàng. Do đó, ngay trong thời gian giãn cách xã hội, chúng vẫn tôi tăng cường chăm sóc khách hàng. Với khách hàng sử dụng dịch vụ, chúng tôi thường xuyên liên lạc bằng cách gửi mail, thông báo qua ứng dụng, giới thiệu dịch vụ mới, chương trình mới như kêu gọi giúp F0…. Nghĩa là, dù dịch vụ ngừng nhưng chúng tôi vẫn tăng cường sự hiện diện và cố gắng làm những việc có ích. Các chương trình giúp F0 không tạo doanh thu nhưng giúp ích cho xã hội. Điều đó góp phần xây dựng cái nhìn thiện cảm của khách hàng, khi không cung cấp dịch vụ giúp việc được Jupviec.vn vẫn giúp đỡ cộng đồng.
Để đảm bảo chất lượng dịch vụ, trong giai đoạn giãn cách, với người lao động, chúng tôi thực hiện hai nhóm chương trình: một là kêu gọi sự chung tay của cộng đồng để có tiền hỗ trợ. Hầu hết mỗi tuần chúng tôi đều kêu gọi được một khoản tiền nhỏ gửi đến cho các chị em, bên cạnh gạo, mì và sữa cho những gia đình có con nhỏ; hai là triển khai các chương trình đào tạo online để người lao động học một cách dễ dàng trên ứng dụng. Những người hoàn thành bài thi, nâng cao kỹ năng sẽ nhận được phần thưởng. Hoạt động này được đẩy mạnh hơn so với trước dịch, thay vì hàng quý, hàng tháng thì diễn ra hàng tuần, kích thích sự kết nối với công ty. Các chương trình đào tạo có dạy nấu ăn, chăm sóc em bé, thực hiện đúng 5K theo quy định mới. Chúng tôi cũng thường xuyên hướng dẫn cách đăng ký tiêm chủng, giới thiệu chương trình hỗ trợ của mạnh thường quân hay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...
Có người hỏi tôi có lo lắng về tình trạng khủng hoảng nhân sự sau giãn cách không? Số liệu hiện nay khiến tôi không lo lắng về điều này. 70% người lao động của Jupviec.vn vẫn ở Hà Nội, TP HCM. Hàng tuần chúng tôi thực hiện các khảo sát về sức khỏe, khu vực sinh sống và thúc đẩy họ tham gia hoạt động đào tạo. Điều đó giúp chúng tôi biết rằng, khi mở cửa trở lại, họ sẵn sàng quay lại công việc.
Chúng tôi cũng cập nhật thông tin từng lao động trên ứng dụng để khách hàng nắm được. Ví dụ như nhân viên này đã tiêm 1 hay 2 mũi vaccine hoặc là F0 đã khỏi bệnh. Hình ảnh đại diện của họ cũng được thay đổi thành hình ảnh đeo khẩu trang và kính chống giọt bắn để khách hàng yên tâm.
Việc đảm bảo duy trì dòng tiền tốt để sống sót và siết chặt khối đoàn kết nội bộ, tranh thủ thời gian đào tạo nhân viên đã giúp Jupviec.vn vượt qua làn sóng dịch thứ 4. Những khó khăn của dịch bệnh đã khiến nhiều đối thủ rời bỏ thị trường, nên sau dịch sẽ là cơ hội của người sống sót. Năm ngoái, chúng tôi đã chứng kiến doanh số tăng nhanh, vượt cả thời điểm chưa có dịch, trong khi nhiều chi phí được cắt giảm. Việc bán thực phẩm cũng mang lại nguồn thu tốt cho công ty. Đó chính là “trong nguy có cơ” mà Jupviec.vn đã tận dụng được.
“Kinh nghiệm của tôi để vượt qua dịch là tối ưu thu, cắt giảm chi phí, tăng cường hoạt động nội bộ kết nối siết chặt đoàn kết các nhân viên công ty. Giãn cách làm con người xa nhau nên cần đoàn kết lại” - Anh Phan Hồng Minh – CEO của Jupviec.vn.
|