Để giải quyết khó khăn về vốn - điều kiện cần cho thành công của mỗi ý tưởng khởi nghiệp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, Nhà nước đang xem xét sửa đổi một số chính sách thu hút nhà đầu tư nước ngoài và xây dựng quỹ hỗ trợ khởi nghiệp quốc gia.
Startup cần được hỗ trợ kêu gọi vốn
Tại Ngày hội đầu tư - Demo Day 2016
được Vietnam Silicon Valley Accelerator (VSVA) tổ chức sáng 16/7, 11
nhóm khởi nghiệp đã trình bày ý tưởng để kêu gọi đầu tư. Nhóm kêu gọi
mức đầu tư thấp nhất là Sora với giải pháp thay thế hệ thống giao dịch
và thương mại truyền thống, ở đó việc trao đổi, mua bán không nhất thiết
sử dụng tiền. Juan Dalisay Jr - đến từ Philippines, chủ nhân ý tưởng
khởi nghiệp này - kêu gọi đầu tư 75.000USD trong 24 tháng.
Hầu
hết các dự án khởi nghiệp trong giai đoạn đầu chuẩn bị ra thị trường
đều có mức kêu gọi đầu tư từ 100.000-400.000USD, với tham vọng tạo ra
các bước phát triển vượt bậc trong giai đoạn 2016-2018.
Mức
kêu gọi đầu tư “khủng” nhất thuộc về Caganu - hệ thống bán lẻ trực
tuyến đã vận hành 4 năm, đang có doanh thu hằng tháng 2,2-2,5 tỷ đồng.
Với tham vọng đạt doanh thu 20 triệu USD vào năm 2018, Caganu kêu gọi
đầu tư 1,5 triệu USD trong 2 năm.
Bùi
Hà Thái - CEO của SchoolBus (mạng dạy và học trực tuyến dành cho giáo
viên và học sinh phổ thông) - cho biết, việc thiếu vốn kéo theo muôn vàn
khó khăn khác cho doanh nghiệp này như thiếu nhân sự, cơ sở vật chất
cho lớp học online.
“Giai
đoạn đầu, chúng tôi không có tiền, chưa có người dùng, vì thế việc
thuyết phục nhân sự bỏ công việc ổn định để làm cùng mình khó như lên
trời. Sản phẩm tốt đến đâu mà không có vốn để thu hút nhân sự, mở chiến
dịch quảng bá thu hút người dùng thì cũng là vô ích” - ông Thái nói.
Ngoài
khó khăn về vốn, bà Khả Tú Lệ - Giám đốc Booknhanh.com, hệ thống đặt
lịch chăm sóc sắc đẹp, là cầu nối giữa cơ sở làm đẹp và khách hàng - nêu
một khúc mắc mang tính đặc thù: “Ở Việt Nam chưa có hệ thống kiểm soát,
đánh giá chất lượng các cơ sở làm đẹp. Nhà nước cần có chính sách xây
dựng hệ thống đánh giá, kiểm soát và xây dựng bộ tiêu chí giống như ISO
riêng cho ngành làm đẹp để Booknhanh.com có cơ sở phân loại và phục vụ
khách hàng tốt hơn”.
Còn
ông Lê Quang Thạch - CEO Kebab Torki, mô hình nhượng quyền kinh doanh
bánh mỳ Doner Kebab - cho biết, từ đầu năm tới nay, Kebab Torki đã bán
được 2 cửa hàng nhượng quyền. Nhìn thấy tương lai tươi sáng của ngành
nhượng quyền trong thực phẩm, nhưng ông Thạch gặp nhiều khó khăn trong
việc quản lý doanh nghiệp, vận hành bộ máy, thu ngân và các vấn đề pháp
lý liên quan đến chính sách nhà nước.
Xem xét sửa đổi chính sách hút vốn
Trước
chia sẻ của các nhóm khởi nghiệp, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng
cho biết, trong đề án 844 xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp được Thủ
tướng phê duyệt tháng 5/2016 có nhiều nội dung liên quan đến cơ chế
chính sách để tạo môi trường hấp dẫn các nhà đầu tư như: Chính sách hình
thành quỹ hỗ trợ khởi nghiệp từ nguồn vốn của Nhà nước; xây dựng cổng
kết nối thông tin giữa nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp và các nguồn
lực tri thức của Nhà nước.
Với
mong muốn tăng nguồn vốn đầu tư cho các dự án khởi nghiệp, trong đề án
844, Chính phủ cũng đang xem xét việc xây dựng quỹ hỗ trợ khởi nghiệp.
“Điều này cho thấy sự ủng hộ của Chính phủ với quyết tâm xây dựng quốc
gia khởi nghiệp” - Thứ trưởng khẳng định.
Tuy
nhiên, vấn đề vướng mắc là ngân sách nhà nước không thể đưa vào hoạt
động đầu tư mạo hiểm. Nếu hoạt động thua lỗ, nhà quản lý quỹ có thể vi
phạm quy định nhà nước về quản lý ngân sách. Đầu tư 100 dự án thì chỉ có
5-6 dự án thành công và lợi nhuận thu được có thể sẽ bù cho hơn 90 dự
án thất bại. Vì thế, việc xây dựng cơ chế quản lý quỹ cần có sự phối hợp
của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để đảm bảo hoạt động hiệu quả,
hợp lý, đúng quy định.
Cũng
theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
gặp nhiều khó khăn do chưa có chính sách ưu đãi riêng. Mong muốn của họ
là được tạo điều kiện thuận lợi để đưa vốn vào Việt Nam và khi đầu tư
xong thì phần lợi nhuận của họ cũng được đưa ra dễ dàng.
Để
làm được điều này, cần xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư cho người
nước ngoài. Ngoài ra, thuế cũng là vấn đề đang khiến nhiều nhà đầu tư e
ngại. Trong 10 dự án khởi nghiệp, chỉ có một dự án hiệu quả. Tuy nhiên,
cơ quan thuế hầu như chỉ đánh thuế ở dự án thành công mà không xét đến 9
dự án thất bại. Mức thuế phải nộp khiến cho lợi nhuận sau thuế của các
nhà đầu tư không đủ bù cho số tiền ban đầu họ đã bỏ ra cho 10 dự án.
“Các
nhà đầu tư kiến nghị rằng, khi đánh thuế cần xem xét tổng thể các dự án
thành công và thất bại. Để thay đổi điều này, cần có sự hỗ trợ của Tổng
cục Thuế, Bộ Tài chính để đưa ra văn bản hướng dẫn rõ ràng. Cơ quan
chức năng cũng nên tham khảo cách đánh thuế tương đương của các nước
trong khu vực và trên thế giới để có cách làm phù hợp” - ông Tùng phân
tích.
Về phía đề án thung lũng
Silicon Việt Nam, bà Thạch Lê Anh - Chủ nhiệm đề án - cho biết để hỗ trợ
các startup thu hút đầu tư hiệu quả, tạo ra sự tin cậy giữa nhà đầu tư,
cơ quan quản lý và cá nhân khởi nghiệp, ngoài sự kiện Demo Day, VSVA
cũng tổ chức các hội trại gặp gỡ các bên, tạo không gian trò chuyện, tìm
hiểu lẫn nhau nhiều hơn.