14/20 đề tài thuộc chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (KC.01/11-15) đã tạo được dịch vụ, sản phẩm đưa vào ứng dụng thực tế. Trong đó, 8 nhiệm vụ có hợp đồng triển khai số tiền lên tới hàng tỷ đồng.

Thông tin này được TS Đỗ Văn Lộc - Phó Chủ nhiệm chương trình KC.01/11-15 - công bố tại hội nghị tổng kết sáng 12/7.

Những công nghệ chuyển giao tiền tỷ

Giới thiệu đề tài “Phát triển hệ thống dịch tiếng nói 2 chiều Việt - Anh, Anh - Việt có định hướng lĩnh vực”, PGS-TS Lương Chi Mai - Chủ nhiệm chương trình KC.01/11-15 - cho biết hiện ở Việt Nam chưa có sản phẩm tương tự: “Sản phẩm có chất lượng dịch tương đương hệ thống dịch tiếng nói được phát triển trong khuôn khổ chương trình U-STAR (do Nhật Bản khởi xướng năm 2008, đang có 20 quốc gia thành viên) cho các ngôn ngữ khác”.

Bằng cách cài đặt phần mềm VoiceTra4U từ Google Play hoặc Apple Store, người dùng sẽ được hỗ trợ thông dịch 2 chiều ở cặp ngôn ngữ Anh - Việt với chủ đề đa dạng như hỏi đường, trợ giúp y tế, mua bán… Nhờ khả năng chuyển đổi sang các cặp ngôn ngữ khác như Việt - Nhật, Trung - Việt, công nghệ này được chuyển giao cho đối tác Nhật Bản với tổng trị giá 1,1 tỷ đồng và đối tác Singapore với giá trị khoảng 1,3 tỷ đồng.

Hệ thống cảnh báo lũ trên sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) - một sản phẩm của chương trình KC.01/11-15. Ảnh: Kim Lợi
Hệ thống cảnh báo lũ trên sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam) - một sản phẩm của chương trình KC.01/11-15. Ảnh: Kim Lợi

Báo cáo về hệ thống “Hỗ trợ trực tuyến cảnh báo lũ cho lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (Quảng Nam)”, PGS-TS Nguyễn Kim Lợi - Chủ nhiệm đề tài - cho biết, với 20 trạm khí tượng, 5 trạm thủy văn, hệ thống có thể đo các thông số với tần suất 5-30 phút và tự động truyền về trung tâm theo chu kỳ định trước (30 phút). Nhờ vậy, hệ thống cảnh báo lũ theo thời gian thực cho phép gửi cảnh báo lũ trước 5 giờ với độ chính xác 80% bằng SMS đến người dân”. Đã có 16 trạm được lắp đặt tại Quảng Nam, Đà Nẵng, Bình Định, Kon Tum. Cục Phòng, chống thiên tai đã nhận chuyển giao công nghệ và đang triển khai kế hoạch xây dựng 500 trạm trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc cho rằng: “Số tiền đầu tư 7 tỷ đồng mỗi đề tài không lớn, nhưng 2/3 số đề tài của chương trình KC.01 đã đi vào thực tiễn, 1/3 trong số này đã trở thành sản phẩm thương mại. Đây là kết quả rất ấn tượng. Chương trình cũng đã đạt hầu hết các mục tiêu về ứng dụng thực tiễn, đào tạo nguồn nhân lực. Tôi mong rằng trong thời gian tới, lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (TT&TT) sẽ tiếp tục phát triển để mang lại lợi ích toàn diện cho nền kinh tế xã hội và cộng đồng”.

Cạnh tranh với hàng ngoại nhập

TS Đỗ Văn Lộc đánh giá: “Các giải pháp đã được 14/20 nhiệm vụ triển khai trong thực tiễn cho thấy sản phẩm của chương trình khi đi vào sản xuất, kinh doanh có giá cạnh tranh, thay thế hàng nhập khẩu. Đặc biệt, 8/20 nhiệm vụ được thương mại hóa cho thấy các sản phẩm và dịch vụ tạo ra có chất lượng tốt hơn hoặc tương đương sản phẩm cùng loại nhưng giá cạnh tranh hơn, thời gian triển khai ngắn hơn”.

TS Tạ Tuấn Anh - Chủ nhiệm đề tài “Xây dựng cấu trúc hệ thống giao thông thông minh và các quy chuẩn công nghệ TT&TT, điều khiển áp dụng trong hệ thống giao thông thông minh tại Việt Nam” - đánh giá: “Hệ thống do các chuyên gia nước ngoài thực hiện vừa mất nhiều thời gian, vừa có giá thành cao. Trong khi đó, hệ thống của chuyên gia trong nước có thể thực hiện trong thời gian ngắn và giá rẻ hơn”.

Cụ thể, hệ thống quản lý điều hành đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình triển khai sau dự án đường cao tốc TPHCM - Trung Lương nhưng đi vào hoạt động trước - từ tháng 10/2013 (đường cao tốc Trung Lương năm 2015 mới vận hành). Tổng đầu tư cho đường cao tốc Cầu Giẽ là 190 tỷ đồng, trong khi đường cao tốc Trung Lương tốn 800 tỷ đồng.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Minh Hồng nhận định: “Các dự án của chương trình góp phần to lớn vào sự phát triển công nghệ TT&TT những năm qua. Các sản phẩm đã đáp ứng yêu cầu cấp bách của kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng. Chúng ta đã làm chủ vài công nghệ và có những sản phẩm theo kịp trình độ các nước tiên tiến.

Khẳng định sẽ nghiên cứu kỹ các kiến nghị và báo cáo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh để có những đề xuất cụ thể, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng nhấn mạnh: “Bên cạnh những sản phẩm ứng dụng vào thực tế cuộc sống, trong giai đoạn tới chúng ta không nên quên các ứng dụng quan trọng liên quan tới an ninh quốc phòng”.