Đây là phát biểu của Thứ trưởng Nguyễn Quốc Khánh trong sự kiện "Final Demo Day" do Bộ KHCN phối hợp với Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tổ chức.


Bà Trần Thu Hương – Giám đốc Dự án IPP2 cho biết, trong hoạt động hỗ trợ phát triển thể chế và xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo cho khu vực công và tư của Việt Nam, Chương trình đã và đang hỗ trợ Chính phủ Việt Nam mà đại diện là Bộ KH&CN thiết kế và thực thi các chính sách lớn về ĐMST, như Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi; Chương trình quốc gia về hệ sinh thái khởi nghiệp và ĐMST; phát triển sở hữu trí tuệ; chế định về khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm. Sự ra đời của các chính sách quan trọng này trong thời gian tới sẽ có tác động sâu sắc tới toàn bộ hệ thống ĐMST quốc gia.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và Đại sứ Phần Lan trao chứng chỉ cho các chuyên gia ĐMST
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh và Đại sứ Phần Lan trao chứng chỉ cho các chuyên gia ĐMST

Bên cạnh đó, IPP2 cũng tập trung cho hoạt động xây dựng năng lực và đào tạo và coi đây như một kết quả trọng tâm có tác động lâu dài và bền vững đối với Việt Nam trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong năm 2015, IPP2 đã thiết kế Chương trình đào tạo khung về ĐMST và khởi nghiệp, thí điểm áp dụng trong khuôn khổ Khóa đào tạo chuyên gia tư vấn ĐMST 8 tháng và Chương trình tăng tốc ĐMST cho các nhóm dự án khởi nghiệp 6 tháng. Trong năm 2016 và những năm tiếp theo, IPP2 sẽ hợp tác chặt chẽ với các trường đại học và cơ sở đào tạo để Chương trình đào tạo này có thể được hoàn thiện đưa vào giảng dạy trong các trường đại học của Việt Nam.

Trong năm 2015, hoạt động hỗ trợ các dự án ĐMST của IPP2 đã lựa chọn được 22 dự án tiềm năng nhất, trong đó có 4 dự án liên danh phát triển hệ thống ĐMST và 18 dự án doanh nghiệp ĐMST tăng trưởng cao có sản phẩm, dịch vụ hướng tới xuất khẩu, chủ yếu trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin y dược, y sinh, nông nghiệp, thủy sản, cơ điện tử, tự động hóa, giáo dục và lĩnh vực khác. Các dự án này được IPP2 cung cấp khoản tài trợ ban đầu và huấn luyện thông qua Chương trình tăng tốc ĐMST được thiết kế riêng cho các nhóm dự án. Một số dự án tiêu biểu có thể được kể đến như Vườn ươm sáng tạo, Website hỗ trợ thông tin cho người bị bệnh tiểu đường; Giải pháp giám sát nguồn nước cho ao nuôi tôm và cá trên điện thoại di động; Sản xuất thức ăn gia súc từ côn trùng; Thiết bị diệt vi khuẩn bằng công nghệ plasma lạnh, …

Năm 2016, IPP2 đưa ra hai chương trình mới gồm Chương trình Tài trợ vốn cho các Dự án Phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp và Chương trình hỗ trợ các trường đại học và tổ chức giáo dục của Việt Nam phát triển đào tạo về ĐMST và khởi nghiệp. Các chương trình này nhằm tạo nguồn vốn cho việc phát triển các hoạt động hỗ trợ mới, phục vụ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Chương trình hỗ trợ các trường đại học nhằm phát triển đào tạo về ĐMST và khởi nghiệp. Đối với các dự án đã được nhận hỗ trợ của IPP2 trong năm 2015 sẽ có cơ hội được nhận một gói tài trợ bổ sung giai đoạn 2 dành cho các công ty sáng tạo mới và các dự án phát triển hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh đã đánh giá cao các nỗ lực triển khai Chương trình của Ban Quản lý Dự án IPP2 với các kết quả đã đạt được trong thời gian qua. Thứ trưởng cho biết, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang cần một lực lượng doanh nghiệp mạnh, được hỗ trợ phát triển trong một hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp thuận lợi, lành mạnh. Nhận thức rõ điều này, những năm gần đây, Bộ KH&CN đã nỗ lực hoàn thiện môi trường chính sách hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam; khuyến khích tư nhân thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm...nhằm tạo môi trường pháp lý và tài chính thuận lợi thúc đẩy phát triển các vườn ươm công nghệ, vườn ươm doanh nghiệp, đào tạo khởi nghiệp và hỗ trợ các nhóm khởi nghiệp trẻ hình thành các doanh nghiệp ĐMST tăng trưởng cao. Chương trình IPP2 cũng đã và đang hỗ trợ tích cực Bộ KH&CN trong việc thiết kế và hiện thực hóa các chính sách và hoạt động quan trọng này.

Thứ trưởng kỳ vọng trong năm 2016, với việc tăng cường quy mô tài trợ cho một số dự án xuất sắc năm 2015, kêu gọi tài trợ đợt mới cho các dự án phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và triển khai hợp tác với các trường đại học trong đào tạo về ĐMST và khởi nghiệp, Chương trình IPP2 sẽ ngày càng mang lại nhiều giá trị đích thực cho cộng đồng khởi nghiệp, tác động mạnh mẽ và tích cực tới sự hình thành một hệ sinh thái ĐMST và khởi nghiệp lành mạnh của Việt Nam. Các chuyên gia tư vấn ĐMST được IPP2 đào tạo sẽ thực sự trở thành các hạt nhân nòng cốt về ĐMST của Việt Nam cả ở khu vực công, tư, liên kết thành mạng lưới và nhân rộng trong quá trình phổ biến các tri thức, kỹ năng ĐMST và khởi nghiệp trong cộng đồng. Đồng thời, các doanh nghiệp khởi nghiệp và các liên danh phát triển hệ thống ĐMST được IPP2 tài trợ sẽ phát triển thành công, tạo việc làm, mang lại giá trị gia tăng cao cho xã hội và nền kinh tế.