Ở Việt Nam dù các trường đại học đã có nhiều đổi mới trong nghiên cứu, nhưng số bằng sáng chế đăng ký cả trong nước và quốc tế vẫn còn khiêm tốn. Đây là một thực tế mà Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga thừa nhận mới đây.

Một nghiên cứu của PGS-TS Trần Văn Hải - Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội - cho thấy số bằng sáng chế do các trường đại học Việt Nam đứng tên chủ sở hữu quá ít. Cụ thể, trong giai đoạn 1988 - 2014, tổng số đơn đăng ký sáng chế là 120, số bằng độc quyền sáng chế đã cấp là 23.

Lý giải điều này, TS Hải cho rằng sự kết nối giữa viện nghiên cứu tại các trường đại học với doanh nghiệp hiện rất lỏng lẻo. Một bên chỉ làm chức năng nghiên cứu, một bên cần kết quả nghiên cứu để ứng dụng vào sản xuất nhưng lại không có điểm gặp nhau.

Nghiên cứu tại phòng thí nghiệm kỹ thuật gene Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Phượng Hằng
Nghiên cứu tại phòng thí nghiệm kỹ thuật gene Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Phượng Hằng

Trái với tình trạng chung này, hoạt động khoa học và công nghệ của Đại học Bách khoa Hà Nội khá sôi nổi, số công trình đã công bố và số bằng độc quyền sáng chế được cấp tăng đáng kể.

Trong giai đoạn 2005-2015, trường nhận 37 bằng độc quyền sáng chế, trên 101 đơn đã được chấp nhận hợp lệ của Cục Sở hữu trí tuệ. Số công trình công bố trên các tạp chí nước ngoài năm 2013 là 230, đến năm 2014 là 240. Số bài báo trong danh mục ISI năm 2013-2014 là 137 và 2014-2015 là 182.

Đại học Bách khoa Hà Nội đã tổ chức rất nhiều hội thảo hợp tác, diễn đàn trao đổi, thảo luận hợp tác giữa doanh nghiệp và trường đại học, coi đây là cơ hội thúc đẩy hợp tác. Các nhà khoa học được vào sân chơi này sẽ tha hồ khám phá, thúc đẩy chuyên môn nghiên cứu lẫn giảng dạy.

Tuy nhiên theo PGS-TS La Thế Vinh, đa số các nhà khoa học bắt tay vào nghiên cứu đều gặp thử thách về tài chính. Ngay cả khi được cấp duyệt kinh phí, họ vẫn không dễ có tiền kịp thời để giải quyết công việc. Để nhận được 100-200 triệu đồng cho nghiên cứu, họ phải trải qua rất nhiều thủ tục.

Trong quá trình thực hiện đề tài, các nhóm nghiên cứu của Đại học Bách khoa Hà Nội đã lập ra một bộ phận để lo về tài chính, thủ tục; doanh nghiệp phối hợp thì cứ xây nhà xưởng, đầu tư máy móc theo ý tưởng của nhà khoa học.

“Bên tài chính lo giải ngân và hoàn thiện các thủ tục. Những người nghiên cứu tập trung cao độ cho công tác chuyên môn. Cuối cùng, các khâu ráp lại với nhau và thực tế cho thấy cách làm này hiệu quả” - ông Vinh cho biết. Ông cũng nghĩ đến một giải pháp khác: Nhà nước cho nhà khoa học vay tiền nghiên cứu nếu thấy ý tưởng có triển vọng, khi nghiên cứu có kết quả sẽ hoàn lại.

PGS-TS Huỳnh Trung Hải - Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ, Đại học Bách khoa Hà Nội - cho biết tài chính càng là vấn đề nan giải khi công trình nghiên cứu cần số vốn rất lớn mới đi được đến cùng và chuyển giao: “Để tăng hiệu quả chuyển giao kết quả nghiên cứu, Đại học Bách khoa Hà Nội đã thành lập BK-Holdings gồm 7-8 doanh nghiệp; tuy nhiên, quá trình triển khai gặp khó khăn về đầu tư nguồn vốn. Có những nghiên cứu cần nguồn vốn rất lớn mới có thể chuyển giao”.

Lấy dẫn chứng về sản phẩm sơn vô cơ chịu nhiệt và chống cháy, TS Vinh cho rằng nếu được đầu tư để tiếp tục hoàn thiện công nghệ có mức độ tự động hóa cao, hệ thống thiết bị hiện đại thì có thể bán công nghệ sang nước ngoài. “Nếu Nhà nước xác định đầu tư đủ lớn thì mới mong Việt Nam xuất hiện công nghệ đỉnh cao vươn tầm ra thế giới” - TS Vinh mơ ước.