Sáng 20.4 sắp tới, Viet Challenge – cuộc thi khởi nghiệp lớn nhất dành cho người Việt toàn cầu tổ chức một cuộc hội thảo trực tuyến với các đầu cầu từ Mỹ sang Việt Nam với đề tài “Bài học cho khởi nghiệp: Làm thế nào để sống sót và… tỏa sáng trong đại dịch”.
Kỳ lân, lạc đà hay… gián
Tôi nhận được thư của anh Tài Nguyễn, giám đốc điều hành của Viet Challenge rủ rê tham gia hội thảo này, cùng một giáo sư ở Harvard và vài startup thành công khác. Anh bảo, mỗi người tự đưa ra lời giải của mình cho 3 câu hỏi, xong cùng nhau thảo luận. 3 câu hỏi đó là: “Chúng ta nhìn thấy cơ hội gì cho startup trong đại dịch?”; “Làm thế nào để startup và nhà đầu tư có thể cùng nhau vượt qua khoảng thời gian khó nhọc này?” và “Hệ quả và tác động của startup đối với nền kinh tế khi cơn dịch qua đi là gì?”.
Không hiểu sao, trong đầu tôi hiện lên câu chuyện đăng trên Facebook của anh Khanh Trần, cựu Giám đốc điều hành quỹ đầu tư mạo hiểm VinaCapital: “Thời bây giờ không nên mơ thành unicorn startup – khởi nghiệp kỳ lân nữa mà hãy biến hình thành cockroach startup – khởi nghiệp kiểu con gián”. Rồi anh giải thích thêm: “Phải dai và khó chết như con gián. Đạp gãy tay gãy chân vẫn bò. Đạp lòi ruột vẫn bò. Chết rồi tay chân vẫn cựa quậy. Cái gì cũng ăn, cách xa chục lớp vẫn đục qua ăn cho bằng được. Ăn để sống, xấu xí hôi hám vẫn phải sống”.
Nhiều người thả “mặt cười” cho câu chuyện này, nhưng không ít người tỏ ý đồng tình.
Nghĩ thì hơi buồn, nhưng đúng là gián là loài động vật cổ xưa nhất thế giới, đi qua bao nhiêu cơn tai biến của vũ trụ mà vẫn kiên cường sống sót tiếp. Nhưng, như dân gian hay nói: “chán như con gián”. Làm khởi nghiệp mà như… gián thì đâu có vui.
Ơ, thế mà tình hình có vẻ vậy. Tôi nhận được vô cùng nhiều lời cảm thán: “Anh trụ được lâu hơn nữa không? Em sắp tiêu rồi”. Rõ ràng, khi mà thị trường ổn, dòng tiền đầu tư của thế giới đổ về Việt Nam, người tiêu dùng và xã hội rất rộng lượng và hào phóng sử dụng những ứng dụng mới của startup, thì ai cũng khỏe. Nhưng biến động không tưởng như bây giờ, sống được là một kỳ tích.
Tôi nhận được câu hỏi của ban tổ chức Viet Challenge: “Tóm lại, điều gì là quan trọng nhất với khởi nghiệp mà đại dịch đã tạo ra?”. Tôi nhớ tới một khái niệm mà nhà sáng lập tập đoàn công nghệ Philips đã nói: meaningful innovation: đổi mới sáng tạo phải thực sự có ý nghĩa với cuộc sống. Những ứng dụng na ná nhau, những cải biến có thể thú vị khi bình thường, nhưng đến giờ, câu hỏi mà mỗi startup phải tự đặt ra, là: Doanh nghiệp của mình thực sự làm gì khiến xã hội cần tới mức thời khó khăn như bây giờ vẫn phải dùng?
Vậy nên, anh Hưng Trần, của Thành đoàn Hà Nội, đưa ra hình mẫu… dễ chịu hơn: Startup hãy gắng sống như lạc đà. Đây không phải là một khái niệm mới, mà là một tiêu chuẩn của các khu vực khởi nghiệp lớn bên ngoài Silicon Valley như London (Anh) hoặc Thượng Hải (Trung Quốc) đã theo đuổi lâu nay.
Với cộng đồng này, lạc đà là một biểu tượng phù hợp hơn so với kỳ lân. Rất khó để tạo ra một startup tỷ đô la nếu không theo đuổi chiến lược thu hút vốn khổng lồ của nhà đầu tư, “đốt tiền” để tạo ra thị trường và sau đó theo đuổi cuộc chơi tài chính trên sàn chứng khoán Mỹ - vốn không đòi hỏi doanh nghiệp phải có lãi khi lên sàn. Người ta lý giải, lạc đà là động vật có khả năng thích nghi cao trong mọi hoàn cảnh: sống sót không cần thực phẩm và cả nước trong hàng tháng trời nhờ có sự tích lũy cơ bản ở phần bướu lớn (dù làm cho nó không được mỹ miều như một con ngựa có cánh). Quan trọng hơn, đi qua nắng gió khắc nghiệt của sa mạc, lạc đà chỉ cần có một điều kiện thuận lợi, sẽ lại… tỏa sáng và mạnh khỏe ngay lập tức.
Lời khuyên, với những doanh nghiệp khởi nghiệp muốn làm lạc đà: hãy bắt đầu tích lũy, không được vung tay quá trán và bắt đầu học về tính kiên cường.
Và những câu chuyện khác
Người viết bài, sau một thời gian dài làm công tác hỗ trợ khởi nghiệp ở nhiều vị trí khác nhau, từ vườn ươm đến quỹ đầu tư đến các chương trình quốc tế, thì quyết định… khởi nghiệp. Và điểm khác biệt lớn nhất với các startup khác, là vì quen biết nhiều nên… cái gì cũng đi xin, đi mượn, đi nhờ vả. Nguyên nhóm anh em cùng làm chung lãnh lương tối thiểu, văn phòng đi mượn, website nhờ làm, máy chủ đi xin tài trợ, tới mấy chứng chỉ hành nghề cũng đi… xin thi miễn phí. Nhờ đó, mùa dịch trôi qua khá yên ổn, không tốn chi phí gì, mà còn có cơ hội để ngồi lại làm những công việc quan trọng nhưng không khẩn cấp trước đây vì cơ hội thị trường quá tốt mà mải lo chạy xồng xộc cho kịp.
Một doanh nghiệp khởi nghiệp khác, tên là Foodmap, vốn muốn làm cái platform kết nối giữa người canh tác nông nghiệp tới khách hàng cuối cùng, thì đang… gần tắt thở vì lượng hàng hóa yêu cầu tăng gấp ba bình thường, mà hệ thống hỗ trợ thì không hoạt động trơn tru như bình thường. Đó cũng là tình trạng của Coolmate, mô hình sản xuất và kinh doanh các sản phẩm quần áo cơ bản cho nam giới hoàn toàn trên môi trường internet để tối ưu hóa chi phí vận hành và tối thiểu hóa giá bán. Coolmate đón sinh nhật lần thứ nhất của mình giữa mùa dịch, nhưng cả đội ngũ vẫn chạy hết 200% công suất mới xử lý hết yêu cầu của khách…
Một chàng trai, từng là nhà vô địch cuộc thi khởi nghiệp Đà Nẵng với sản phẩm máng heo tự động, thì… về quê tránh dịch. Anh chàng, tên là Công, thấy xuất hiện nhu cầu… bán gà thả vườn của gia đình mình. Nên tự ngồi viết một phần mềm đơn giản, kết nối với hệ thống logistics của các công ty khởi nghiệp, và… sống khỏe.
Bà Marita Schultze - nhà đồng sáng lập diễn đàn đổi mới sáng tạo thế giới (WIF) chia sẻ một chuyện vừa vui vừa đúng: “Nếu hỏi ai là người quan trọng nhất trong quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp hiện nay? Câu trả lời không phải là CEO, CTO hay CMO, mà đó là… CoViD”. Mà đúng thật, tự dưng doanh nghiệp toàn thế giới bắt đầu phải vận hành trên mạng, mọi người họp hành, trao đổi đều qua các công cụ online, và quan trọng nhất, điều khó thay đổi nhất là thói quen học trực tuyến của mọi người bắt đầu hình thành… Những thông tin thú vị cho khởi nghiệp được hưởng lợi từ mùa dịch vì ai cũng cần chuyển đổi số được đăng tải mỗi ngày trong cộng đồng hỗ trợ làm việc từ xa chính là lời đáp cho chuyện này.