Giáo dục STEM và tư duy tài chính ngay từ cấp học phổ thông mới chính là cách chuẩn bị các kỹ năng khởi nghiệp từ gốc, thay vì đợi đến bậc đại học.

Thanh niên Việt Nam không thiếu tinh thần khởi nghiệp nhưng có đến 80% số công ty khởi nghiệp không có cơ hội ăn mừng sinh nhật lần thứ hai.

Chia sẻ bên lề hội thảo “Phát triển mô hình đào tạo khởi nghiệp từ giáo dục phổ thông” do BK-Holdings phối hợp với Trung tâm hỗ trợ và phát triển thanh niên Hà Nội (Hanoi ADC) thuộc Thành đoàn Hà Nội và Junior startup Vietnam tổ chức mới đây, TS Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc BK-Holdings (Đại học Bách khoa Hà Nội), cho rằng, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng đó là do đa số các startup non trẻ thiếu cả kiến thức lẫn các kỹ năng cần thiết.

Lâu nay chúng ta mới khuyến khích tinh thần khởi nghiệp ở sinh viên đại học, như vậy là quá muộn. Khơi nguồn cảm hứng, trang bị kiến thức khởi nghiệp cho học sinh từ bậc phổ thông mới là giải pháp từ gốc” - TS Dũng cho biết.

Các học sinh Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu tiến hành làm mô hình nhà chống động đất trong tiết học STEM. Ảnh: Lê Phượng

Các chuyên gia tham dự hội thảo nhất trí rằng, để giáo dục khởi nghiệp cho học sinh phổ thông, cần triển khai giáo dục STEM đồng thời với dạy về tư duy tài chính cùng một số kỹ năng mềm khác. Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Tạ Quang Bửu, chia sẻ: Nhờ đưa nội dung giáo dục STEM và tư duy tài chính vào chương trình giảng dạy, học sinh của trường đã có được những trải nghiệm sáng tạo và từ đó hứng thú tập sự khởi nghiệp. Đến nay đã có khoảng 20 dự án của các em đang được triển khai như: Dự án trồng rau mầm sinh học, dự án sử dụng phân bón hóa học có hiệu quả, dự án hệ thống đèn cầu thang tự động….

Thế nhưng, còn rất ít trường làm được như trường Tạ Quang Bửu. “STEM cần được đưa vào chương trình như một môn học chính khóa, bên cạnh việc thành lập các câu lạc bộ nghiên cứu khoa học khởi nghiệp trong các trường phổ thông. Các doanh nghiệp trên địa bàn có trường học nếu có điều kiện cũng nên mở cửa cho học sinh đến tham quan, học hỏi thực tế, thậm chí là đầu tư cho các ý tưởng tốt” - TS Nguyễn Trung Dũng đề xuất.

Thực tế, việc giáo dục về khởi nghiệp trong trường phổ thông đã được “mở đường” bởi đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 30/10/2017 mới đây. Ông Bùi Tiến Dũng - Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo - cho biết, đề án đã đưa ra một số giải pháp, trong đó có hỗ trợ tập huấn đội ngũ giáo viên hướng nghiệp tham gia vào giảng dạy trực tiếp và quản lý các câu lạc bộ khoa học, câu lạc bộ khởi nghiệp tại các trường.