Trong khi sinh viên Việt Nam ở nước ngoài đang thấp thỏm với nỗi lo liệu có thể tiếp tục theo học ở nơi “đất khách” vì nhiều vấn đề liên quan tới chính sách cách ly, visa, tài chính… thì các sinh viên nước ngoài ở hoặc có kế hoạch đến Việt Nam cũng phải đổi mặt với những câu chuyện tương tự.

Từ vài năm nay, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với du học sinh nước ngoài và hiện có tới 21.000 người đang theo học tại các bậc cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và thực tập sinh. Các ngành được du học sinh nước ngoài yêu thích chủ yếu gồm Công nghệ thông tin, Kinh doanh, Ngôn ngữ, Văn hóa, Du lịch, Hóa học, Vật lý, Thiết kế, …

Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tham quan văn hóa cho sinh viên quốc tế năm 2016 | Nguồn: VNU Media
Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức tham quan văn hóa cho sinh viên quốc tế năm 2016 | Nguồn: VNU Media

Tuy nhiên đại dịch Covid-19 đã gây ra những xáo trộn bất ngờ. Việc cách ly xã hội và đóng đường bay quốc tế đã khiến nhiều sinh viên nước ngoài không thể đến Việt Nam, hoặc đã đến nhưng không thể hoàn thành thủ tục chuyển đổi để tiếp tục ở lại.

“Từ đầu tháng 4 đến nay, chúng tôi đã có 3 sinh viên quốc tế đến Việt Nam bằng visa du lịch để nộp hồ sơ và nhập học. Các bạn đã hoàn thành nghĩa vụ nhập học và đóng học phí đầy đủ, nhưng không thể chuyển đổi từ visa du lịch sang visa học tập được, bởi quy định thông thường của Cục Quản lý Xuất nhập cảnh [Bộ Công an] là phải xuất cảnh và nhập cảnh lại. Tuy nhiên với tình hình hiện nay, có lẽ đến giữa tháng 9 cũng khó có thể có những chuyến bay như vậy”, TS. Nguyễn Trung Hiển, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Khoa Quốc tế, ĐH Quốc gia Hà Nội (VNU-IS), chia sẻ.

TS. Hiển cũng cho biết trường đã rất nỗ lực phối hợp cùng sinh viên và các Đại sứ quán trao đổi tháo gỡ khó khăn với Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, tuy nhiên vấn đề đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết tối ưu. Mỗi năm, Khoa Quốc tế tiếp đón hàng chục sinh viên từ hơn 10 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Với visa ngắn hạn, sinh viên nước ngoài đang ở Việt Nam gặp muôn vàn khó khăn. Chẳng hạn, khi ra ngân hàng, các bạn bị từ chối giao dịch và vay vốn bởi ngân hàng căn cứ theo ngày trên visa chứ không linh động theo chính sách tự động gia hạn mà Việt Nam đang áp dụng. Không ít người đã phải làm dịch vụ gia hạn visa thông qua các đại lý với mức giá cắt cổ trong khi tài chính ngày càng cạn kiệt. Nhiều bạn không thể về nước do biên giới nước họ cũng đang đóng cửa.

Thời gian tới, nhu cầu visa du học dài hạn chắc chắn sẽ tăng cao. Ngày 15/7 vừa qua, Bộ GD&ĐT đã có công văn tới các cơ sở giáo dục đại học trên cả nước về việc tiếp nhận du học sinh Việt Nam và sinh viên quốc tế không thể tiếp tục học tập ở nước ngoài do dịch Covid-19. Nhiều cơ sở đào tạo cho biết đã nhận được hàng chục hồ sơ của sinh viên gửi về và đang lên phương án để chuyển đổi chương trình học tương ứng cho các bạn.

Tuy nhiên, để sinh viên nước ngoài đến học ở Việt Nam như quan điểm của Bộ GD&ĐT không phải là điều dễ dàng, nếu không nói là bất khả thi, bởi sinh viên quốc tế không nằm trong đối tượng ưu tiên nhập cảnh hiện nay.

Dù đang bước đầu nối lại một số chuyến bay quốc tế, nhưng chính sách nhập cảnh của Việt Namvẫn đang ưu tiên các công dân người Việt và người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao, người đến vì mục đích ngoại giao – công vụ hoặc một số trường hợp đặc biệt khác.

Rõ ràng, mục tiêu của các lệnh hạn chế nhập cảnh là nhằm để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, nếu Việt Nam đưa ra những chính sách hỗ trợ sinh viên quốc tế một cách mềm dẻo, kèm theo việc tuân thủ các biện pháp quản lý y tế cộng đồng nghiêm ngặt, thì rất có thể giáo dục đại học Việt Nam lại có thêm sức hút với cộng đồng sinh viên quốc tế và đem lại nguồn thu cho các trường đại học trong giai đoạn khó khăn.

Những bàn tay ấm áp

Cũng như nhiều sinh viên Việt Nam đang “mắc kẹt” ở nước ngoài, các sinh viên nước ngoài ở Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả. Không biết tiếng Việt, khác lạ về văn hóa, thiếu thốn tài chính, nhiều bạn đã phải rất dũng cảm để tiếp tục con đường học tập của mình.

“Những ngày đầu đến đây, khó khăn lớn nhất của tôi là phải tìm được nguồn thực phẩm Halal và nơi cầu nguyện”, Ahmad B. Jihadi, sinh viên Indonesia đang theo học tại Khoa Quốc tế, chia sẻ. "Dần dần, tôi cũng đã tìm được các nhóm trực tuyến của người nước ngoài theo đạo Hồi sinh sống tại Hà Nội để kết nối, trò chuyện và cùng giúp đỡ nhau vượt qua thời điểm khó khăn. Trường cũng đã xác nhận sẽ bố trí cho chúng tôi một phòng cầu nguyện nữa. Thật cảm kích về điều này."

Một số sinh viên từ những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch như Châu Phi đã không thể nhận được tiền từ gia đình do bên đó phong tỏa toàn bộ. Thậm chí có người đã phải xếp hàng lấy gạo từ thiện trong đợt Covid-19.

Sinh viên quốc tế lan toả thông điệp tích cực trong những ngày cách ly | Ảnh: VNU-IS
Sinh viên quốc tế lan toả thông điệp tích cực trong những ngày cách ly | Ảnh: VNU-IS

Oluwafemi D. Olabrigbe, sinh viên người Nigeria đang theo học chương trình kinh doanh quốc tế, cho biết, có khi anh chỉ còn 200.000 đồng trong ví để mua thức ăn cho cả tuần mà tiền thuê nhà tuần sau tới hạn. Rất may cuối tháng 4, trường đã kêu gọi quyên góp và ủng hộ Olabrigbe cùng nhiều bạn tương tự một số nhu yếu phẩm và tiền mặt. Olabrigbe cũng được một thầy giáo trong khoa cho mượn máy tính xách tay để học online.

Trong mùa cách ly, các sinh viên quốc tế vẫn tham gia những lớp học trực tuyến và hưởng ứng nhiều hoạt động ngoại khóa như đọc sách, thi viết, thể thao online. Từ tháng 5, họ đã đi học lại và được gặp gỡ thầy cô, bạn bè. Nhưng nhiều khó khăn vẫn còn nguyên đó, bởi Việt Nam và quê hương họ chưa thể mở cửa lại như trước.

"Chúng tôi mong muốn các du học sinh quốc tế - cả những người đã đến Việt Nam và những người mong muốn đặt chân đến – nhận được nhiều hỗ trợ tích cực hơn nữa. Không chỉ từ phía nhà trường mà còn cả từ cộng đồng, xã hội và chính quyền", TS Hiển chia sẻ.

Mặc dù số lượng sinh viên quốc tế ở Việt Nam chưa phải là quá nhiều, nhưng họ chính là những người đem lại sắc thái văn hóa đa dạng và cơ hội hợp tác giáo dục tuyệt vời cho các trường đại học. Ngày 24/7 vừa qua, Khoa Quốc tế quyết định tổ chức "Ngày hội giao lưu văn hóa quốc tế" cho cộng đồng trên 2.000 sinh viên trong nước và nước ngoài đang học tập ở Việt Nam nhằm khích lệ tinh thần của những sinh viên sống xa nhà trong mùa dịch Covid.

“Xét cho cùng, dù cho đại dịch đang gây xáo trộn lớn trên toàn cầu, tinh thần kết nối, tôn trọng các giá trị văn hóa đa dạng vẫn luôn nên được tôn vinh,” – đại diện Khoa Quốc tế nói thêm.