Hôm mà một người phụ nữ Việt Nam với dáng người nhỏ xíu, lên chủ trì buổi lễ khánh thành Trung tâm STEM Arkki tại Thái Lan, tự dưng, nghĩ tới khái niệm “xuất khẩu giáo dục”.
Giấc mơ đó, có quá xa vời không, khi mà bà Nguyễn Phi Vân, dù là “siêu nhân franchise”, cũng mới chỉ mở được một con đường ngắn thông qua việc mua lại toàn bộ franchise của Arkki Phần Lan ở vùng Đông Nam Á?
Tài nguyên con người
Xuất khẩu giáo dục là điều được nhắc đến nhiều lần ở những bàn tròn giáo dục khác nhau tại Việt Nam. Nhiều đơn vị, cũng đã từng bước đi thử nghiệm, chẳng hạn đại học FPT ra sức “kéo” các du học sinh từ các nước khác nhau như Nhật Bản, Hàn Quốc đến học tại trường này tại Việt Nam. Nhiều chương trình “Việt Nam học” được thiết kế cũng xuất hiện tại các trường đại học quốc tế, nhưng, khi tìm hiểu thông số về chuyện này, thì thực tế… hơi đáng buồn.
Đáng buồn, là bởi mỗi năm chúng ta vẫn tiếp tục chi ra rất nhiều tiền để các bạn trẻ - và cả không còn trẻ - đi du học nước ngoài. Bao nhiêu phần trăm trong số này quay về, bao nhiêu ở lại với những cống hiến tốt hơn cho Việt Nam, và bao nhiêu… không liên hệ gì nữa với đất nước đã chắt chiu dành dụm cho các bạn đi học. Những con số này, không cần thống kê, cũng… buồn.
Đáng buồn, là thực trạng “nhập khẩu giáo dục” đang ngày càng tăng. Từ các chương trình liên kết đào tạo, các chương trình chính khóa, các chương trình ngoại khóa lẫn các chương trình… vô thưởng vô phạt, cách làm hiệu quả nhất đối với nhà đầu tư giáo dục chính là nhập khẩu.
Tuần rồi, một đoàn chuyên gia từ Hàn Quốc sang Việt Nam, chia sẻ một dự định của Bộ Giáo dục nước này, là tìm kiếm các chuyển giao chương trình đào tạo từ Hàn Quốc sang các trường đại học Việt Nam. Và chính phủ sẽ tài trợ phần lớn kinh phí này. Họ cần chúng tôi tìm kiếm các trường đại học là đối tác trong nước cho việc này. Nghe thì cũng vui, xong lại thấy rầu rầu…
Xuất khẩu giáo dục là cách xuất khẩu ít tốn kém tài nguyên nhất, và còn làm giàu thêm thứ tài nguyên con người cho quốc gia xuất khẩu nữa. Nhưng ít ai quan tâm chuyện này quá.
Thế hệ tạo việc làm
Quay lại chuyện bà Phi Vân khai trương Trung tâm STEM của Thái Lan. Bà nói trong phần chia sẻ của mình: “We build job creators, not job seekers – Chúng tôi xây dựng một thế hệ tạo ra việc làm, không đi tìm việc. Một ngày quá nhiều cung bậc khi nhìn thấy những trái tim ấm áp, những niềm đam mê vô bờ bến, và hành động quyết liệt của những người đồng hành trên hành trình xây dựng những công dân toàn cầu, những nhà phát minh sáng tạo của tương lai. Sáng cùng ngày, team Thái cũng đã gặp gỡ tân Bộ trưởng Giáo dục Thái Lan để bàn kế hoạch đưa Arkki chính thức vào chương trình giáo dục sáng tạo tại tất cả các trường công lập của quốc gia này…”.
Bà Phi Vân vui, những cộng sự của bà cũng vui, vì ít nhất, phần giá trị thặng dư được tính bằng tiền từ việc chuyển giao này, được chuyển về Việt Nam, và đóng thuế ở Việt Nam. Nhưng trong đầu không dứt ra được câu hỏi: “Sao phải là Arkki Phần Lan, mà không là một chương trình STEM nào đó của Việt Nam? Đủ tốt mà. Đủ thú vị mà. Đủ sáng tạo mà…”. Hỏi xong, rồi thôi.
Buổi chiều, nhận được thư của một chuyên gia Israel trả lời khi chúng tôi hỏi thăm một mô hình đào tạo công nghệ thông tin cho những người muốn làm kỹ sư phần mềm chuyên nghiệp. Hỏi thăm thôi, họ trả lời sốt sắng vô cùng, đưa ra nhiều giải pháp, mô hình… đã ứng dụng thành công tại “quốc gia khởi nghiệp” này, kèm theo là… báo giá. Đâu đó, khoảng 110.000 USD cho gói tư vấn và chuyển giao công nghệ giáo dục. Không đắt, nhưng kinh nghiệm cho thấy, có thể… trả giá sát ván, thậm chí từ 10% con số này mà trả dần lên. Ơ, hóa ra, mình toàn giỏi trả giá, vì toàn phải đi mua, chưa đi bán bao giờ…
Tôi viết thư cho anh Hùng Trần, nhà sáng lập công ty khởi nghiệp Got It, vừa chính thức trở thành thành viên hội đồng tư vấn giáo dục quốc gia. Hỏi Hùng một câu, rất gọn: “Chúng tôi muốn xuất khẩu mô hình đào tạo của mình sang các quốc gia khu vực tiểu vùng sông Mekong, bao gồm Lào, Campuchia và Myanmar thì sao?”. Hùng trả lời rất gọn: “Tôi ủng hộ, làm thôi”.
Vậy là xách cặp đi xuất khẩu giáo dục, nhỉ!
Chương trình của Arkki
Arkki cung cấp những chương trình giáo dục nghệ thuật và kiến trúc xuyên suốt trong giai đoạn quan trọng từ 4 đến 19 tuổi, chia thành nhiều học phần (module) để xây dựng tư duy sáng tạo cho trẻ em và thanh thiếu niên. Nội dung của từng học phần được thiết kế phù hợp với từng độ tuổi và có sự phát triển liên tục, nối tiếp nhau. Giáo viên giảng dạy, định hướng cho người học những mục tiêu cụ thể và tiến triển theo từng năm. Tài liệu giáo dục của Arkki bao gồm các chương trình, học phần, các phương pháp giảng dạy cũng như những vật liệu, công cụ làm việc dựa trên những dự án cụ thể dành cho giáo viên (đã qua đào tạo và cấp chứng nhận) tại nền tảng Arkki. |