Dưới sức ép của các trường đại học, chính quyền của ông Trump đã đồng ý hủy bỏ quy định buộc du học sinh nước ngoài phải rời khỏi Mỹ nếu không trực tiếp đến lớp vào mùa thu này.
Giữa tuần trước, Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) thông báo du học sinh quốc tế sẽ phải rời khỏi nước này nếu trường của họ không tổ chức các lớp học trực tiếp hoặc phải chuyển đến trường khác có lớp học trực tiếp để hợp pháp hóa việc học. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng sẽ không cấp visa cho những sinh viên theo học tại các trường tổ chức dạy trực tuyến hoàn toàn.
Bộ An ninh Nội địa biện luận rằng, “nếu học trực tuyến 100% thì họ không có lý do gì để ở đây, họ nên về nhà rồi trở lại khi trường mở” và không giấu giếm mục đích của chính sách mới là “khuyến khích các trường mở cửa trở lại”. Trong khi đó, giới chức đại học nhìn nhận chính sách mới như một biện pháp gây áp lực, buộc các trường phải mở cửa trở lại, bất chấp tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp. Tại thời điểm ICE ra thông báo và tính đến nay, mỗi ngày Mỹ vẫn đều đặn xác nhận thêm từ 57.000 đến 60.000 ca nhiễm mới và từ 500 đến 800 ca tử vong.
Janet Napolitano, Chủ tịch Hệ thống Đại học California và cựu Bộ trưởng An ninh Nội địa dưới thời Tổng thống Barack Obama, mô tả biện pháp mới là một “đòn liên hoàn” sẽ dẫn đến sụt giảm ngân sách tại nhiều trường, vốn đã bị thiệt hại về tài chính trong đại dịch. Theo bà, “các trường đại học không cần bất kỳ áp lực nào để mở cửa trở lại” bởi bản thân họ hầu hết đều muốn như vậy; còn nếu họ chưa sẵn sàng thì đó là bởi họ lo trường của mình có nguy cơ trở thành ổ dịch Covid-19.
Andrew Hamilton, Chủ tịch Đại học New York - một trong những trường có nhiều du học sinh quốc tế nhất, với gần 20.000 người vào năm học trước, cho biết, ông tin rằng chương trình kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến của trường sẽ cho phép hầu hết các sinh viên nước ngoài tham dự ít nhất một lớp học trực tiếp và được ở lại Mỹ. Nhưng ông chỉ trích chính quyền đã gây khó khăn cho sinh viên và các trường đại học trong đại dịch, gọi chính sách này “đơn giản là sai lầm và cứng nhắc một cách không cần thiết”. “Đây là lúc cần sự linh hoạt trong việc cung cấp giáo dục,” ông nói thêm.
Biện pháp mới, cùng với sự chậm trễ trong việc xử lý thị thực do đại dịch, đe dọa làm giảm đáng kể số lượng sinh viên quốc tế nhập học vào mùa thu. Du học sinh nước ngoài - hiện vào khoảng hơn 1,1 triệu người - mang lại nguồn thu quan trọng cho các trường tư thục, vì nhiều trường gặp khó khăn trong tuyển sinh và các khoản tài trợ thì giảm. Tại một số trường, sinh viên quốc tế chiếm tới một phần ba tổng số sinh viên, và phần lớn học viên sau đại học là người nước ngoài.
Tuy nhiên, biện pháp mới lại có sức hấp dẫn đối với các nhóm ủng hộ giảm nhập cư hợp pháp vào Mỹ. Trước đó, những người này đã thúc ép chính quyền thắt chặt chương trình cấp thị thực sinh viên và giấy phép lao động, nhằm hạn chế một nhóm sinh viên ở lại Mỹ trong 12 tháng sau khi tốt nghiệp và cạnh tranh việc làm với người Mỹ.
Đại học Harvard và Viện Công nghệ Massachusetts MIT, hai trường chủ yếu chỉ có kế hoạch dạy trực tuyến, ngay lập tức đã kiện lên Tòa án Liên bang để đòi một lệnh cấm tạm thời, ngăn chính phủ thực thi chính sách thị thực mới vì nó “tàn nhẫn, bất cẩn, và có vẻ được thiết kế để gây áp lực buộc các trường phải tổ chức học trực tiếp mà không quan tâm đến sức khỏe và an toàn của sinh viên, giảng viên và những người khác,” như phát biểu của ông Lawrence S. Bacow, chủ tịch Đại học Harvard.
Harvard và MIT cũng lập luận rằng chính sách này mâu thuẫn với chỉ thị của ICE ngày 13/3, cho phép không áp dụng quy định giới hạn số khóa học trực tuyến mà sinh viên nước ngoài có thể tham gia nếu họ muốn ở lại Mỹ “trong suốt thời gian ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia”. Hồ sơ kiện lưu ý rằng tình trạng khẩn cấp quốc gia chưa được hủy bỏ, và số ca Covid-19 đang gia tăng ở một số khu vực. Vụ kiện của Harvard và MIT được hơn 200 trường đại học ủng hộ và kéo theo một số vụ kiện khác.
Đối mặt với 8 vụ kiện và sự phản đối của hàng trăm trường đại học, chính quyền Trump đã phải bãi bỏ quy định yêu cầu sinh viên quốc tế rời khỏi Mỹ nếu chỉ học trực tuyến. Trong phiên điều trần rất được mong đợi liên quan đến vụ kiện của Đại học Harvard và MIT hôm 14/7(theo giờ Mỹ, tức sáng 15/7 theo giờ Việt Nam) tại Boston, thẩm phán liên bang Allison Burroughs cho biết phía chính quyền và nguyên đơn đã đạt được thỏa thuận mà theo đó chỉ thị ngày 6/7 được thu hồi và phục hồi hiện trạng như trước, tức áp dụng chỉ thị hồi tháng 3. Phiên điều trần kéo dài chưa đầy 4 phút.
Trên thực tế, trước đây, ICE vốn ra quy định nhằm giới hạn việc học trực tuyến đối với du học sinh có visa F1 (du học sinh theo học tại trường trung học, đại học hoặc một số tổ chức giáo dục khác) và M1 (theo học các chương trình ngoài học thuật và dạy nghề). Nhưng tháng 3 năm nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, ICE đã tạm thời ngừng áp dụng quy định này cho đến ngày 6/7 khi họ đột ngột đảo ngược chính sách.
Nhiều giảng viên chưa sẵn sàng trở lại lớp
The Chronicle of Higher Education theo dõi kế hoạch của 1.155 trường đại học ở Mỹ và thống kê được 56% trong số này sẽ mở cửa trở lại và dạy trực tiếp, 28% kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến, 9% chỉ dạy trực tuyến, và số còn lại vẫn đang cân nhắc các khả năng (con số cập nhật đến ngày 14/7).
Để mở cửa trở lại, các trường đề xuất các giải pháp giảm phơi nhiễm như các khoang nằm riêng trong ký túc xá, đeo khẩu trang trong lớp học, hạn chế các hoạt động xã hội, và giảm số lượng sinh viên học trực tiếp. Tuy nhiên, rất ít trường giảm học phí cho sinh viên, kể cả những sinh viên bắt buộc phải học từ xa.
Nhiều trường cho biết sẽ chỉ cho phép 40 đến 60% sinh viên đến lớp và sống trong ký túc xá đại học tại một thời điểm. Như ở Đại học Stanford, sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai sẽ đến lớp, trong khi các sinh viên năm thứ ba và năm cuối học từ xa. Đầu tuần này, Đại học Harvard cũng vừa thông báo, chỉ sinh viên năm thứ nhất và một số sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt đến trường học trực tiếp vào mùa thu; và đến mùa xuân, sinh viên năm thứ nhất sẽ học từ xa còn sinh viên năm cuối có mặt.
Đại học Cornell có vẻ như không bị ảnh hưởng bởi các biện pháp mới, vì họ dự định cho phép tất cả sinh viên trở lại trường, kết hợp thêm học trực tuyến. Trường này cho biết họ ra quyết định dựa trên một phân tích cho thấy việc tổ chức một học kỳ trực tuyến có thể khiến nguy cơ sinh viên bị nhiễm bệnh cao gấp 10 lần so với việc mở lại trường. Đó là vì nhiều sinh viên sẽ quay về nhà để học từ xa, và trường không thể yêu cầu xét nghiệm virus nếu sinh viên ở nhà.
Đại học Pennsylvania cũng theo đuổi một mô hình kết hợp vào học kỳ mùa thu này, chấp nhận học trực tiếp đối với những khóa học có chương trình đòi hỏi phải như vậy và nếu có thể tổ chức một cách an toàn, trong khi các khóa học khác như khóa đại cương sẽ được tổ chức trực tuyến.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu y tế công cộng, không có cách nào để học trực tiếp mà giữ được an toàn trước dịch bệnh nếu các trường đại học mở cửa trở lại vào học kỳ tới, tức còn hơn một tháng nữa, vì nguy cơ lây truyền Covid-19 sẽ rất cao và không thể tránh khỏi. Người ta cho rằng sinh viên trẻ tuổi, khó bị dịch Covid-19 ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng một khi đã nhiễm virus, họ sẽ mang virus ra ngoài phạm vi trường học. Ngoài ra, trong chính cộng đồng đại học, độ tuổi cũng rất đa dạng, chứ không chỉ có những người trẻ tuổi và sức khỏe tốt. Mặc dù các ước tính về tỷ lệ tử vong do Covid-19 vẫn đang được cải thiện, một số nghiên cứu đáng tin cậy xác định tỷ lệ tử vong là 0,5%, gấp năm lần so với cúm theo mùa. Nguy cơ tử vong ở những người trẻ tuổi thấp hơn nhưng không đồng đều, cao hơn từ 5 đến 9 lần ở những người trẻ tuổi da đen, người gốc Tây Ban Nha so với người da trắng.
Trong bối cảnh đó, hàng ngàn giảng viên đã nói với lãnh đạo nhà trường là họ chưa sẵn sàng lên lớp. Một cuộc khảo sát của Đại học Cornell cho thấy khoảng một phần ba số giảng viên của trường “không thích giảng dạy trực tiếp”; một phần ba “sẵn sàng dạy trực tiếp nếu các điều kiện được coi là an toàn”; và một phần ba “sẵn sàng dạy trực tiếp”. Giảng viên ở nhiều nơi trên nước Mỹ cũng đã ký thỉnh nguyện thư để phàn nàn về việc họ không được hỏi ý kiến và bị ép dạy trực tiếp quá nhanh.