Sản xuất thủ công, bảo quản, bảo hộ bằng công nghệ
Với kinh nghiệm sản xuất cá thu nướng lâu năm, ông Trương Như Hùng ở thị xã Cửa Lò cho biết, cá thu được rửa sạch, cắt khúc khi còn tươi rói, để ráo nước mới đem đi nướng. Càng để ráo, khúc cá sau khi nướng càng ngọt, dai. Cá nướng xong được thổi nguội bằng quạt rồi mới xếp vào rổ. Nếu xếp khi còn nóng, miếng cá mềm, rất dễ gãy. Mỗi năm gia đình ông Hùng bán khoảng 300 tấn cá thu nướng, chủ yếu cho du khách, thương lái các tỉnh lân cận... Giá bán có khi tới 250.000-300.000 đồng/kg.
Theo ông Phạm Hồng Hải - Trưởng phòng Quản lý công nghệ và thị trường công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, cá thu nướng Cửa Lò được sản xuất thủ công là chính, không chứa phụ gia hay chất bảo quản nào. Gần đây, các hộ đã áp dụng công nghệ đóng gói hút chân không để tăng chất lượng bảo quản.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đề xuất ứng dụng công nghệ dán tem điện tử thông minh để truy xuất nguồn gốc; bởi đây là sản phẩm đặc sản có giá trị cao, cần truy xuất nguồn gốc rõ ràng để tránh mạo danh" - ông Hải nói và cho biết, nhãn hiệu tập thể “Cá thu nướng Cửa Lò” vừa được cấp đã giúp nâng cao uy tín của sản phẩm, góp phần đưa đặc sản này vươn xa trên cả nước và hướng đến xuất khẩu.
Việc bảo hộ nhãn hiệu cũng thúc đẩy các hộ cải tiến nhà xưởng, công cụ, kỹ thuật chế biến, đóng gói, bảo quản; tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu, tem, bao bì sản phẩm. Hội Sản xuất và Kinh doanh cá thu nướng Cửa Lò cũng đã ban hành quy trình kỹ thuật chế biến sản phẩm.
Nhiều khó khăn sau sự cố Formosa
Ông Hải cho biết, thiếu vốn để mở rộng sản xuất, cải tiến trang thiết bị, công nghệ đang là một khó khăn lớn cho các hộ sản xuất cá thu nướng Cửa Lò. Số lao động tay nghề cao ngày càng giảm nên nhiều hộ đã chuyển nghề. Vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ chưa được các hộ sản xuất quan tâm nên thị trường tiêu thụ không ổn định.
Việc Formosa xả thải gây sự cố môi trường biển năm 2016 đã khiến sức tiêu thụ giảm mạnh, nhiều hộ phải sản xuất cầm chừng. Bên cạnh đó, một số hộ chưa ý thức được lợi ích của nhãn hiệu, cho rằng đã là đặc sản thì không cần nhãn hiệu vẫn có thể bán được nên chưa đầu tư cơ sở vật chất, cải tiến công cụ, nhà xưởng, khu chế biến đảm bảo an toàn thực phẩm, chưa chú trọng khâu đóng gói, dán nhãn.
Ông Hùng cũng cho biết, Hội Sản xuất và Kinh doanh cá thu nướng Cửa Lò có gần 30 thành viên nhưng sau sự cố Formosa, một số hộ đã ngừng sản xuất; nhiều hộ cố bám trụ nhưng chỉ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún. Theo ông, vai trò quản lý, điều hành của Hội Sản xuất và Kinh doanh cá thu nướng Cửa Lò trong việc quản lý chất lượng chưa được thể hiện rõ. Trình độ sản xuất của các hộ không đồng đều cũng là một khó khăn cho công tác quản lý.
Để mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường, ông Hải cho rằng, trước tiên Hội Sản xuất và Kinh doanh cá thu nướng Cửa Lò, địa phương và các ngành liên quan phải đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho các hộ sản xuất về giá trị của nhãn hiệu tập thể. Từ đó, họ sẽ quan tâm đến việc cải thiện điều kiện sản xuất, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ, nhà xưởng để nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm, tạo ra sản phẩm có chất lượng.
Ngoài ra, để nâng giá trị sản phẩm cá thu nướng Cửa Lò, theo ông Hải, cần xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ khép kín, đưa sản phẩm vào chuỗi sản xuất và tiêu thụ các đặc sản của địa phương; quản lý chặt chẽ chất lượng sản phẩm, quy định về dán tem, nhãn sản phẩm, xây dựng chương trình thông tin quảng bá, hình thành hệ thống giới thiệu sản phẩm.