Các công ty dược phẩm Ấn Độ đang dẫn đầu và là trung tâm trong cuộc đua, tạo ra một loại vaccine hiệu quả để chống lại virus SARS-CoV-2. Nhưng các nhà nghiên cứu đang lo ngại rằng họ sẽ phải vật lộn để sản xuất nhanh và đủ liều lượng để kiểm soát đợt bùng phát khổng lồ của mình, nhất là người dân ở vùng nông thôn hay vùng sâu vùng xa.

Vaccine sẽ là chìa khóa để kiểm soát tình tạng bùng phát coronavirus ở Ấn Độ. Ảnh: Satish Bate /Hindustan Times /Getty
Vaccine sẽ là chìa khóa để kiểm soát tình tạng bùng phát coronavirus ở Ấn Độ. Ảnh: Satish Bate /Hindustan Times /Getty

“Các công ty dược phẩm của Ấn Độ là nơi sản xuất nguồn vaccine lớn, phân phối trên toàn thế giới, đặc biệt họ cung cấp hơn 60% lượng vaccine cho các nước đang phát triển. Do đó, đây là nơi có khả năng tiếp cận sớm với bất kỳ loại vaccine Covid-19 nào hiệu quả”. Sahil Deo, đồng sáng lập công ty CPC Analytics của Ấn Độ ở Pune, đang nghiên cứu và phân phối vaccine tại nước này, cho biết.

Nhu cầu trong nước

Chỉ trong ngày 30/8, con số kỉ lục chỉ trong vòng 24h được xác nhận: Ấn Độ ghi nhận gần 79.000 trường hợp mắc mới. Đại dịch coronavirus được dự đoán bùng phát vào năm tới sẽ còn cao hơn nữa. Vậy nên, một vaccine hiệu quả sẽ rất cần thiết để chống lại đợt bùng phát khổng lồ này của Ấn Độ.

Để giảm thiểu số người chết vì Covid-19, những người có nguy cơ bị phơi nhiễm hoặc nhiễm khuẩn nặng sẽ cần được tiêm vaccine trước. “Nhóm này bao gồm những người bị nhiễm đầu tiên, những người có bệnh nền và người cao tuổi, chiếm khoảng 30% dân số (400 triệu người)”, Gagandeep Kang, một nhà vaccine học tại Đại học Y khoa Christian ở Vellore, Ấn Độ cho biết.

Chính phủ Ấn Độ đã tập hợp một lực lượng đặc nhiệm nhằm xác định cách tốt nhất để phân phối vaccine. Lực lượng này được dẫn đầu bởi Vinod Paul, một thành viên của “Tổ chức Quốc gia về Chuyển đổi Ấn Độ”. Chính phủ cũng đang làm việc với các nhà sản xuất vaccine nhằm đẩy nhanh các thử nghiệm lâm sàng và phê duyệt theo quy định.

Cung cấp cho toàn thế giới

Serum Institute of India ở Pune là nơi sản xuất vaccine lớn nhất thế giới. Họ đã thỏa thuận sản xuất một tỷ liều vaccine coronavirus đang được các nhà khoa học tại Đại học Oxford, Vương quốc Anh và công ty dược phẩm AstraZeneca phát triển. Vaccine này đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III ở Brazil, Anh và Mỹ để kiểm tra tính hiệu quả.

“Serum Institute of India và Chính phủ Ấn Độ đã cam kết dành một nửa sản phẩm của công ty cho Ấn Độ và cung cấp một nửa còn lại cho các quốc gia thu nhập thấp, nếu vaccine hoạt động. Kênh cung cấp này thông qua GAVI (một nhà tài trợ vaccine cho các quốc gia thu nhập thấp)”, Adar Poonawalla, Giám đốc điều hành của công ty cho biết.

Cho đến nay, công ty đã đầu tư 11 tỷ rupee (200 triệu USD) để sản xuất vaccine. Họ đã sản xuất khoảng 2 triệu liều để sử dụng trong các thử nghiệm. Hai nhà máy sản xuất vaccine khác cũng đã được chuyển hướng đến sản xuất vaccine này. “Nếu hoạt động hết công suất, họ có thể sản xuất 60 triệu đến 70 triệu liều mỗi tháng”, Poonawalla cho biết.

“Trong trường hợp nếu vaccine của Oxford không hiệu quả, chúng tôi sẽ chuyển hướng sang các vaccine ứng viên khác”, Poonawalla nói. Công ty cũng đang phát triển và thử nghiệm bốn loại vaccine Covid-19 - bao gồm hai loại được phát triển nội bộ và hai loại được phát triển với sự hợp tác của các công ty công nghệ sinh học Novovax ở Gaithersburg, Maryland và Codagenix ở Farmingdale, New York.

Công ty dược phẩm Biologicals E, có trụ sở chính tại Hyderabad, Ấn Độ, cũng đã hợp tác để sản xuất một loại vaccine. Ứng viên này đang được phát triển bởi Janssen Pharmaceuticals, có trụ sở tại Beerse, Bỉ, và hiện đang trải qua các thử nghiệm an toàn ở giai đoạn đầu. Hai công ty khác - Bharat Biotech có trụ sở tại Hyderabad và Zydus Cadila ở Ahmedabad – cũng đang nghiên cứu các loại vaccine đang trong giai đoạn thử nghiệm I và II.

Các nhà khoa học đã hoan nghênh Chính phủ Ấn Độ cho phép các công ty dược phẩm của nước này xuất khẩu một số lượng vaccine dự trữ của họ sang các quốc gia khác. Quyết định này trái ngược hoàn toàn với lập trường của các quốc gia như Mỹ và Anh, đều đã đặt hàng trước hàng trăm triệu liều vaccine coronavirus đang được nghiên cứu phát triển - số lượng này gấp nhiều lần dân số của các nước đó.

Nhưng ngay cả khi các nhà sản xuất cam kết cung cấp một phần vaccine cho trong nước, việc cần phải sản xuất ngay 400 triệu liều cần thiết cho những người có nguy cơ mắc Covid-19 nghiêm trọng nhất vẫn sẽ mất rất nhiều thời gian. Và đến thời điểm đó, gánh nặng của đại dịch hiện nay ở các thành phố lớn có thể sẽ dịch chuyển về các vùng nông thôn, nơi các dịch vụ y tế kém hơn, Deo nói.

Thách thức phân phối

“Rào cản lớn nhất sẽ là việc tiêm vaccine cho từng người dân trên khắp Ấn Độ”. Randeep Guleria, Giám đốc Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn Độ ở New Delhi và là thành viên của lực lượng đặc nhiệm vaccine của chính phủ cho biết: “Đó là một thách thức rất lớn. Ấn Độ là một đất nước rộng lớn, dân số rất đông, chưa kể có những khu vực xa xôi rất khó tiếp cận như vùng Đông Bắc hay Ladakh [trên dãy Himalaya]”.

Chương trình tiêm phòng này sẽ mất nhiều năm. Đơn cử, một trong những chiến dịch tiêm chủng lớn nhất của Ấn Độ cho đến nay là cung cấp vaccine sởi-rubella cho 405 triệu trẻ em từ nằm 2017, đã đã phải mất ba năm để hoàn thành.

Guleria cho rằng cần có những cách tiếp cận sáng tạo để phân phối vaccine ở các vùng nông thôn hay vùng sâu vùng xa. Ông chia sẻ rằng kinh nghiệm thực hiện chiến dịch bầu cử quốc gia có thể giúp giải quyết tình trạng này. Vào năm 2019, 11 triệu nhân viên đã đi khắp Ấn Độ để đặt các điểm bỏ phiếu, giúp người dân không cần phải đi quá 2 km để bầu cử. Mạng lưới này đã tiếp cận 900 triệu cử tri, bao gồm cả những người ở những vùng xa xôi nhất chỉ trong hơn sáu tuần. Và một mạng lưới y tế cung cấp vaccine tương tự sẽ có thể phát huy hiệu quả, Guleria cho biết.

“Nhưng không chỉ đơn giản như vậy”, Kang nói. “Vaccine phải được giữ lạnh, và nhân viên thì phải được đào tạo. Chi phí mua bơm kim tiêm, đào tạo người dân về cách tiêm chủng cũng như mua vaccine cũng sẽ rất tốn kém”.

Serum Institute đã định giá vaccine Oxford là 225 rupee (3 USD) một liều. Điều đó có nghĩa là chi phí tiêm chủng cho 400 triệu người sẽ tốn ít nhất 1,2 tỷ USD. Thông thường, Chính phủ mua vaccine với giá thấp hơn cả giá nước đóng chai là 60 rupee. “Chúng tôi chưa bao giờ trả 3 USD cho một loại vaccine”, Kang nói.

Deo lưu ý rằng không có khả năng Chính phủ Ấn Độ sẽ chịu toàn bộ chi phí tiêm chủng cho người dân của mình. “Chính phủ có thể sẽ trả tiền tiêm chủng cho những công dân nghèo nhất, và yêu cầu những người đủ khả năng tự mua vaccine cho riêng mình”, ông nói.

Nguồn: Nature doi: 10.1038 / d41586-020-02507-x