Việc sử dụng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) như một công cụ quản lý điều hành, tích hợp trong các chính sách cụ thể đã giúp Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí 42/131 quốc gia về chỉ số GII trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề tới các nền kinh tế cũng như hoạt động đầu tư cho đổi mới sáng tạo ở nhiều quốc gia.

Ảnh: PV
Ảnh: PV

10 năm cải thiện những chỉ số trụ cột

Nhìn lại hành trình gần 10 năm Việt Nam tham gia bảng xếp hạng GII, các chuyên gia WIPO đều nhận xét chỉ số GII của Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. Việt Nam bắt đầu tham gia bảng xếp hạng GII từ năm 2012 với vị trí không cao: đứng thứ 76 trên 141 quốc gia. Trong những năm đầu tiên, chỉ số GII của Việt Nam không tăng trưởng mấy, thậm chí có năm còn suy giảm. Tuy nhiên, đến nay tình hình đã hoàn toàn thay đổi. Theo báo cáo GII 2020, Việt Nam đạt vị trí 42/131 quốc gia, đứng đầu nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp. Các nước xếp trên Việt Nam trong GII 2020 đều là các quốc gia/nền kinh tế phát triển, thuộc nhóm thu nhập cao. Trong 10 nước khu vực Đông Nam Á, Việt Nam duy trì vị trí thứ 3, sau Singapore và Malaysia.

Đây là kết quả sau một thời gian dài không ngừng nỗ lực nhằm cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Trong đó, phải kể đến một “cách làm táo bạo” của Việt Nam là tích hợp chỉ số GII vào các công cụ quản lý, theo nhận xét của ông Andrew Ong, Giám đốc Văn phòng khu vực châu Á Thái Bình Dương (WIPO). “Cách làm của Việt Nam đã trở thành hình mẫu để các quốc gia khác học hỏi theo”, ông nói. Cụ thể, “Chính phủ Việt Nam đã đưa chỉ số GII vào như một biện pháp điều hành. Thông qua chỉ số GII, các tiêu chí con đã được đưa thành các nhiệm vụ cụ thể của các bộ, ngành, địa phương trong các nghị quyết ngay từ đầu năm”, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết.

Chẳng hạn, khi nhận thấy cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn hạn chế, năm 2017, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về việc thực hiện những giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Hiệu quả của các chính sách này đã thể hiện trực tiếp qua chỉ số GII 2020. Cụ thể, theo đánh giá của WIPO, hai trụ cột tăng trưởng nổi bật nhất trong chỉ số GII của Việt Nam là Môi trường kinh doanh và Cơ sở hạ tầng. Môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp hạng 39, tăng 30 bậc so với năm 2019. Trong đó, tiến bộ đáng chú ý là các chỉ số thành phần Hợp tác viện trường - doanh nghiệp tăng 10 bậc, từ vị trí 75 lên 65 và chỉ số Quy mô phát triển của cụm công nghiệp (tăng 32 bậc, từ vị trí 74 lên 42). Ngoài ra, chỉ số Năng lực hấp thụ tri thức cũng tăng 13 bậc so với năm 2019, xếp hạng 10. Kết quả này đạt được nhờ sự dẫn đầu của Việt Nam về Nhập khẩu công nghệ cao (hạng 4) và Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) (hạng 19).

Cơ sở hạ tầng xếp hạng 73, tăng 9 bậc so với năm 2019. Trong đó, đáng kể nhất là nhóm chỉ số về Hạ tầng ICT – tăng 6 bậc so với 2019 với tiến bộ rõ rệt về chỉ số thành phần Tiếp cận ICT (tăng 4 bậc từ vị trí 90 lên 86) và Sử dụng ICT (tăng 27 bậc, từ vị trí 92 lên 65).


Chúng tôi muốn cùng với các chuyên gia WIPO đánh giá lại một cách toàn diện chỉ số GII trong 10 năm qua, từ đó đánh giá các chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo của Việt Nam và đưa ra những đề xuất sửa đổi chính sách cần thiết.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy


Những cải thiện về trụ cột đầu vào đã kéo theo sự tăng trưởng các chỉ số đầu ra của hệ thống đổi mới sáng tạo. Theo đó, chỉ số Số công bố bài báo khoa học và kĩ thuật đã tăng 13 bậc so với 2019, từ vị trí 74 lên 61; chỉ số Đăng kí nhãn hiệu theo xuất xứ đạt hạng 20, tăng 4 bậc so với năm 2019. Đặc biệt, với 33 thương hiệu nằm trong top 5000, dẫn đầu là công ty viễn thông Viettel Telecom, Việt Nam xếp hạng thứ 19 về chỉ số Giá trị thương hiệu toàn cầu - chỉ số mới được đưa vào sử dụng lần đầu tiên trong GII 2020. Bên cạnh những tài sản trí tuệ vô hình, chỉ số về các sản phẩm ứng dụng như Số lượng ứng dụng phần mềm được sản xuất cũng tăng 3 bậc, đạt hạng 10; chỉ số Sản lượng ngành công nghệ cao và công nghệ trung bình cao tăng 4 bậc, từ 27 lên 23.

Đánh giá về những kết quả đạt được của Việt Nam, ông Sacha Wunsch-Vincent, chuyên gia cao cấp của WIPO, đồng tác giả báo cáo GII 2020, cho rằng “đây sẽ là tiền đề quan trọng, nguồn lực để Việt Nam dựa vào đó tiếp tục nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho những năm sau”.

Gợi ý về đầu tư cho địa phương và doanh nghiệp

Mặc dù chỉ số GII 2020 của Việt Nam đã đạt kết quả tích cực theo đánh giá chung, song tại phiên họp này, Thứ trưởng Bùi Thế Duy vẫn cho rằng, “để cải thiện chỉ số GII một cách bền vững, chúng ta cần cố gắng hơn rất nhiều trong các trụ cột, chỉ số thành phần”. Theo báo cáo, các trụ cột còn lại trong chỉ số GII 2020 của Việt Nam bao gồm Thể chế vĩ mô; Nguồn nhân lực và nghiên cứu và Sản phẩm tri thức và công nghệ đều giảm thứ hạng so với năm trước. Trong đó, trụ cột giảm nhiều nhất là Nguồn nhân lực và tri thức, đạt thứ hạng 79, giảm 18 bậc so với năm 2019.

Giải thích về vấn đề này, các chuyên gia cho rằng sự suy giảm này do “một số dữ liệu chưa được cập nhật kịp thời do ảnh hưởng của dịch Covid-19”, ông Sacha Wunsch-Vincent nói.

Trước thực tế này, với vai trò là đại diện Bộ KH&CN, đơn vị đầu mối theo dõi GII, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề nghị cần cập nhật các dữ liệu này để phục vụ công tác điều hành của Chính phủ cũng như các bộ, ngành địa phương. “Hệ thống đổi mới sáng tạo phát triển và thay đổi rất nhanh, do vậy, để các chính sách theo kịp sự phát triển này, chúng ta cần bổ sung các dữ liệu này liên tục. Điều này cũng phù hợp với định hướng trong thời gian tới: thứ nhất, chúng tôi muốn đề xuất với các chuyên gia WIPO sẽ cùng chúng tôi đánh giá lại một cách toàn diện chỉ số GII trong 10 năm qua, từ đó đánh giá các chính sách liên quan đến đổi mới sáng tạo của Việt Nam và đưa ra những đề xuất sửa đổi chính sách cần thiết. Thứ hai, chúng tôi muốn đánh giá mức độ đổi mới sáng tạo của các địa phương. Hiện nay tác động của bộ chỉ số đổi mới sáng tạo với bộ, ngành rất rõ rồi, chúng tôi hi vọng trong thời gian tới sẽ tập trung vào các địa phương”, ông cho biết.

Bên cạnh đó, các chuyên gia ở WIPO cũng phân tích rằng việc cập nhật các dữ liệu liên quan đến tình hình đổi mới sáng tạo càng quan trọng hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay. “Dữ liệu mà chúng tôi thu thập được cho thấy dòng tiền đầu tư cho đổi mới sáng tạo trên thế giới nói chung đang cạn dần, tác động tiêu cực nhất rơi vào các công ty còn non trẻ. Bởi vậy, Việt Nam cần tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Để hoạt động này hiệu quả, Việt Nam cần xác định đâu là điểm tắc nghẽn của các doanh nghiệp trong quá trình nghiên cứu, tạo ra đổi mới sáng tạo. Chúng ta có thể sử dụng các công cụ trực tuyến theo thời gian thực hoặc có tài liệu nào đó có thể cập nhật được đâu là khó khăn doanh nghiệp Việt Nam đang vấp phải, từ đó có chính sách tháo gỡ khó khăn”, ông Francis Gurry - Tổng giám đốc WIPO nhận xét.