Chương trình 712 đã hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng hiệu quả.
Đồng hành cùng với chặng đường 10 năm của Chương trình Quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng (NS&CL) sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712), Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng 3 (QUATEST 3) được Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng giao nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng Chương trình 712 (Hệ thống LEAN), nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao NS&CL sản phẩm, hàng hóa.
QUATEST 3 được giao những nhiệm vụ gì?
Tham gia Chương trình 712, QUATEST 3 được giao các nhiệm vụ thuộc Chương trình NS&CL như: Phổ biến áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NS&CL; Nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng hệ thống quản lý rủi ro (ISO 31000) và thẻ điểm cân bằng (BSC); Đào tạo chuyên gia triển khai, xây dựng mô hình điểm áp dụng Hệ thống quản lý năng lượng (ISO 50001), Hệ thống quản lý an toàn thông tin (ISO 27000), hệ thống quản lý tinh gọn LEAN, Duy trì hiệu suất thiết bị tổng thể TPM và chỉ số hoạt động chính KPIs; Áp dụng điểm mô hình, công cụ cải tiến năng NS&CL tại tập đoàn, tổng công ty; Xây dựng mô hình điểm về áp dụng tích hợp các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải NS&CL cho doanh nghiệp lớn thuộc ngành chế biến thực phẩm; Nhân rộng áp dụng Phương pháp Quản lý tinh gọn (LEAN) vào doanh nghiệp Việt Nam;...
Đến nay, QUATEST 3 đã tư vấn cho 137 doanh nghiệp và triển khai tư vấn áp dụng LEAN đến cho 500 chuyên gia của các doanh nghiệp.
Chương trình 712: Nâng cao năng suất chất lượng cho doanh nghiệp
Chương trình 712 đã hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp cải tiến, nâng cao NS&CL hiệu quả. Ngoài ra, Chương trình còn giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm các lãng phí trong sản xuất để giúp doanh nghiệp. Qua đó, tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Điển hình như Công ty Cổ phần Nhựa Đồng Nai nhờ áp dụng hệ thống LEAN đã tạo được không gian làm việc ngăn nắp, thuận tiện hơn cho công nhân thao tác công việc và góp phần cải thiện hình ảnh của công ty trước khách hàng. Giảm được một công đoạn lao động nặng nhọc (đóng bao và xếp lên pallet hạt nhựa thành phẩm); Giảm 2 công đoạn xe nâng vận chuyển (giảm 1.380 m vận chuyển xe nâng) và giúp tăng sản lượng thêm 1.5%/ngày.
Thấy được hiệu quả rõ rệt của hệ thống LEAN, với sự hướng dẫn tận tình của các chuyên gia QUATEST 3, Ban lãnh đạo Công ty đã quyết định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng việc áp dụng các công cụ năng suất đã chọn sang các khu vực khác của nhà máy tại Đồng Nai và xem xét chọn lọc áp dụng mở rộng thêm những công cụ khác của LEAN.
Đối với Công ty TNHH In nhãn bao bì Hoàng Hà, do có phần diện tích nhà xưởng rất nhỏ, nên diện tích để sắp xếp và bố trí các công đoạn, dụng cụ cho quá trình vận hành máy móc không được khoa học và khá lộn xộn. Khi công nhân cần lấy các dụng cụ để sử dụng thường phải tốn khá nhiều thời gian và công sức tìm kiếm. Bên cạnh đó, thời gian chuyển đổi sản phẩm trên máy in Gallus còn cao (trung bình khoảng 90 phút/lần chuyển đổi) dẫn tới giao hàng trễ. Công ty còn sử dụng nhiều vải làm giẻ lau hóa chất, điều này dẫn đến phát sinh chi phí và ảnh hưởng đến môi trường làm việc.
Sau khi được tư vấn áp dụng hệ thống LEAN, Công ty Hoàng Hà đã thực hiện cải tiến tại một số công đoạn của nhà máy. Nhờ đó, đã tạo được không gian làm việc ngăn nắp, thuận tiện hơn cho thao tác công việc của người lao động và góp phần tạo cải thiện hình ảnh của công ty trước khách hàng. Công ty đã thiết lập được quy định và các tiêu chí để đánh giá và duy trì hoạt động 5S sau khi dự án kết thúc. Qua các hoạt động đào tạo thực hành, công nhân được thay đổi nhận thức và nhận ra việc duy trì 5S hằng ngày góp phần cải thiện năng suất công việc và chất lượng sản phẩm. Giải pháp cải tiến kỹ thuật, quản lý cũng được thay đổi, giúp giảm thiểu lãng phí về thời gian, giảm lượng giẻ lau dính hóa chất,…
Thấy rõ được kết quả ban đầu từ việc triển khai áp dụng LEAN, lại được các chuyên gia tư vấn QUATEST 3 theo sát, nhiệt tình hướng dẫn công ty thực hiện các dự án cải tiến. Công ty Hoàng Hà cũng quyết định trong thời gian tới sẽ tiếp tục mở rộng việc áp dụng các công cụ năng suất ở các khu vực khác. Đồng thời, xem xét chọn lọc áp dụng mở rộng thêm những công cụ khác của LEAN. Đặc biệt, hướng tới giảm hơn nữa thời gian thực hiện sản phẩm và thời gian giao hàng.
Giải pháp để thực hiện Chương trình 712 thành công
Trong quá trình tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng LEAN, chuyên gia của QUATEST 3 cũng đã ghi nhận được không ít khó khăn gặp phải từ phía doanh nghiệp. Đó là, do hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp đa dạng, luôn phải chạy cho kịp tiến độ của đơn hàng nên hầu như các bộ phận trong các công ty tập trung thời gian chủ yếu vào sản xuất. Họ không có thời gian nhiều để làm việc cùng đơn vị tư vấn đó là trở ngại đối với đơn vị triển khai hệ thống LEAN. Mặt khác, nguồn nhân lực của doanh nghiệp thay đổi trong quá trình triển khai đã làm gián đoạn dự án. Đội ngũ công nhân viên không ổn định, khó khăn trong việc đào tạo, triển khai và duy trì áp dụng các công cụ cải tiến NS&CL, …
Để triển khai LEAN hiệu quả hơn, các chuyên gia của QUATEST 3 cho rằng, việc thực hiện xây dựng áp dụng LEAN cho một tổ chức thành công hay thất bại phụ thuộc vào sự cam kết của lãnh đạo ở các cấp, sự tham gia nhiệt tình của toàn thể công nhân viên trong công ty. Vai trò của người điều phối dự án trong công ty rất quan trọng, cần lựa chọn nhân sự phù hợp cho vị trí này. Lựa chọn đúng nhân sự này sẽ đóng góp phần lớn trong việc triển khai, theo dõi, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh giúp dự án đạt tiến độ và chất lượng.
Bên cạnh đó, Ban lãnh đạo cần có cơ chế chia sẻ lợi ích thành quả áp dụng cho các thành phần tham gia vào việc xây dựng và áp dụng hệ thống LEAN để tạo động lực phát triển trong công ty. Ban lãnh đạo có thể ra quyết định, tích hợp phần hiệu quả thực hiện hệ thống LEAN này vào hệ thống lương của Công ty, đây là một trong những cơ chế hiệu quả nhất mà các Công ty khác đã từng ứng dụng.