Giới khoa học Mexico phản đối chính quyền vì một dự luật mới có khả năng dẫn đến việc loại 109 trong tổng số 332 quỹ đầu tư ủy thác cho khoa học, còn tổng thống nước này coi những người phản đối là kẻ ủng hộ tham nhũng.

Một phòng thí nghiệm sinh học của Conacyt. Ảnh: Courtesy of the Conacyt
Một phòng thí nghiệm sinh học của Conacyt. Ảnh: Courtesy of the Conacyt

Các nhà khoa học Mexico trong chiếc áo phòng thí nghiệm, tay cầm những tấm bảng tự làm và tụ tập bên ngoài Hạ viện để phản đối một dự luật có thể có khả năng cắt đi sợi dây cứu sinh của nhiều trung tâm nghiên cứu Mexico. Dự luật này, có vẻ như sẽ được thông qua, có thể chấm dứt sự tồn tại của 109 quỹ ủy thác do các trung tâm nghiên cứu công và viện nghiên cứu công lập điều hành, một phần ba trong số đó là để đầu tư cho khoa học và công nghệ. 332 quỹ dạng này tồn tại rất nhiều thập kỷ qua như một hệ thống hỗ trợ khoa học, đem lại cho nó sự ổn định về dài hạn – tự do trước những sức ép từ chính quyền. Chính phủ Mexico đã lên kế hoạch chuyển khoản 68 tỉ peso (tương đương 3 tỉ USD) có trong các quỹ này để đối phó với đại dịch coronavirus.

“Đây thực sự là một cuộc tấn công vào nghiên cứu khoa học”, theo đánh giá của nhà khoa học chính trị Lorena Ruano của Trung tâm nghiên cứu và giảng dạy kinh tế (CIDE). Ông đã trao cho các nghị sĩ một lá thư với khoảng 30.000 chữ ký của các nhà khoa học. Antonio Lazcano, một nhà sinh học tiến hóa tại trường Đại học Tự trị quốc gia Mexico, cho rằng kế hoạch đó của chính phủ là “một cú đánh khủng khiếp” và cú đánh tệ nhất vào khoa học Mexico trong vòng 50 năm trở lại đây.

Vào tháng 4/2020, Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador đã đề xuất chấm dứt hoạt động của các quỹ ủy thác công để giải phóng các nguồn lực đầu tư, chuyển nó vào cuộc chiến chống đại dịch và giải quyết hậu quả của khủng hoảng kinh tế. Vào tháng 5/2020, sau một cuộc thảo luận công khai với sự tham gia của các nhà khoa học, Hạ viện ra một thông báo, trong đó kêu gọi cần có một phân tích một cách cẩn trọng để tránh việc loại bỏ các quỹ ủy thác này tạo ra tác động xấu với sự phát triển của khoa học và công nghệ.

Nhưng theo một chiều ngược lại, Mario Martín Delgado Carrillo của Morena – đảng cánh tả do ông López Obrador thành lập – bắt đầu thúc đẩy dự luật vào ngày 29/9/2020 và đề xuất gia tăng số lượng các quỹ bị loại bỏ từ con số 55 quỹ ban đầu lên tới 109. Việc khép lại hoạt động của các quỹ ủy thác này không có nghĩa là tiền sẽ biến mất, ông ta tuyên bố trên tài khoản Twitter của mình; thay vào đó là một cải tổ bộ máy và là một quy trình xét duyệt “trên từng đồng peso” đầu tư cho khoa học và công nghệ. “Những người bảo vệ các quỹ này là bảo vệ sự tham nhũng,” Tổng thống López Obrador tuyên bố, và miêu tả các quỹ này thiếu kiểm soát và không minh bạch trong việc rót tiền từ ngân sách liên bang cho các công ty”.

Do đó, những người ủng hộ dự luật cho rằng, đạo luật mới sẽ giúp cho Chính phủ Mexico tránh khỏi “những khoản chi không cần thiết” cũng như “sự thiếu minh bạch” trong quản lý các quỹ ủy thác. Nhưng những người chỉ trích nêu, các quỹ đầu tư hỗ trợ khoa học đó đã được kiểm toán một cách chặt chẽ và không chi sai. “Không có sự nhập nhèm ở đó”, Ruano nói. “Đó là một lời nói dối”.

Các nhà khoa học vẫn luôn hoài nghi về lời hứa hẹn của chính phủ là sự đóng đóp của các nguồn phi chính phủ cho những quỹ ủy thác đó sẽ được trả lại vào các trung tâm nghiên cứu. Ngay cả nếu trường hợp đó xảy ra, các viện nghiên cứu sẽ mất đi cơ chế tự kiểm soát kinh phí của chính họ. “Họ không chỉ cầm lấy các nguồn đầu tư của chúng tôi mà còn giành lấy cả quyền tự chủ của chúng tôi”, Ruano chỉ ra.

Các quỹ ủy thác là một phần đáng kể để đảm bảo hoạt động của nhiều viện nghiên cứu có ngân sách đầu tư hằng năm của chính phủ ở mức khiêm tốn – ví dụ chiếm 10 đến 15% trong trường hợp của CIDE. Với Trung tâm nghiên cứu và Khoa học tiên tiến (Cinvestav), một viện nghiên cứu công hàng đầu Mexico, 54 triệu peso tư quỹ ủy thác là quan trọng, María del Carmen Domínguez Robles - nhà nghiên cứu ung thư vú ở Cinvestav, đánh giá. Viện nghiên cứu này có hơn 60 dự án nghiên cứu liên quan đến Covid-19, trong số đó có một dự án về vaccine dự tuyển. “Nhờ có các quỹ đó mà chúng tôi mới có thể tiến tới khả năng có được vaccine, hỗ trợ công việc kiểm soát đại dịch”, bà nói.

66 quỹ ủy thác hỗ trợ các trung tâm nghiên cứu trực thuộc Hội đồng Khoa học và Công nghệ quốc gia (Conacyt), cơ quan đầu tư cho khoa học lớn nhất Mexico. Các giám đốc những trung tâm này đã nhiều lần lên tiếng về những ảnh hưởng xấu của dự luật này, nếu nó được thông qua, tuy nhiên những quan chức cấp cao của Conacyt, những người thường xuyên có xung đột với cộng đồng khoa học trong nước, thì lại giữ im lặng. “Họ thậm chí chẳng bao giờ mở miệng đấu tranh cho cộng đồng khoa học”, nhà kinh tế học Gabriela Dutrénit Bielous tại trường Đại học Tự trị Metropolitan ở Xochimilco, nói. Ông còn là người phát ngôn của ProCienciaMx, một mạng lưới các nhà khoa học đang mong muốn cải thiện chính sách khoa học của Mexico.


Việc loại bỏ các quỹ ủy thác là dấu hiệu gần nhất về việc chính quyền đang đảo ngược lại những lợi ích thu được từ nỗ lực của cộng đồng khoa học Mexico. Nếu điều đó xảy ra thì có thể chúng ta sẽ đi giật lùi khoảng 20 đến 40 năm.

Domínguez Robles


Việc cắt giảm các quỹ ủy thác cũng làm tổn hại đến những mối quan hệ hợp tác quốc tế, theo lời của lá thư ngỏ từ các nhà nghiên cứu Cinvestav. Các quỹ ủy thác cho phép các viện nghiên cứu nhận và quản lý các khoản đầu tư từ quốc tế, và những đề xướng từ dự luật lại không đưa ra một giải pháp thay thế nào, nó khiến các nhà khoa học phải tự hỏi là tiền đầu tư quốc tế sẽ đi đến nơi nào?

Trong những ngày gần dây, ít nhất 12 tường đại học, các viện nghiên cứu công, các viện hàn lâm và các tổ chức khoa học đều đưa ra những tuyên bố kêu gọi các nghị sĩ bỏ phiếu chống lại dự luật, vốn sẽ có thể dẫn đến “những thảm họa cho sự phát triển của khoa học nước nhà”, theo một tuyên bố của mạng lưới ProCienciaMx.

Nhưng sau khi các nghị sĩ thảo luận về dự luật vào đầu tháng 10 thì tình thế trái ngược với mong đợi của các nhà khoa học: số phiếu ủng hộ dự luật lại chiếm ưu thế. Những nghị sĩ phản đối đã rời Hạ viện trong một tình huống mang tính chiến thuật, buộc cuộc bỏ phiếu phải tạm dừng vì thiếu số người tham gia bỏ phiếu. Các nghị sĩ dự kiến sẽ chờ một cuộc bỏ phiếu lại; họ có thể có khả năng cứu vãn được một số quỹ ủy thác trước khi bỏ phiếu lần cuối ở Hạ viện. Nếu được thông qua, dự luật sẽ được tiếp tục gửi đến Thượng viện, nơi những đồng minh của chính phủ liên minh sẽ không ngần ngại chấp thuận.

López Obrador đã đụng độ với cộng đồng khoa học trong nhiều dịp khác nhau. “Ông ta luôn luôn coi các nhà khoa học như thể là một nhóm đặc quyền đặc lợi, chỉ biết sống một cách thoải mái trong tháp ngà, tận hưởng những lợi thế chính phủ đem lại và phi thực tế,” Lazcano cay đắng nói. Việc loại bỏ các quỹ ủy thác là dấu hiệu gần nhất về việc chính quyền đang đảo ngược lại những lợi ích thu được từ nỗ lực của cộng đồng khoa học Mexico, Domínguez Robles nói: “Nếu điều đó xảy ra thì có thể chúng ta sẽ đi giật lùi khoảng 20 đến 40 năm.”

Nguồn: sciencemag.org, bnamericas.com