Hiện Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất vắcxin để cung ứng trong nước và hướng tới xuất khẩu và vắcxin được coi là sản phẩm quốc gia cần ưu tiên nghiên cứu và phát triển.
TS Đỗ Tuấn Đạt cho biết: Trước đây, do chưa hiểu rõ cơ chế tương tác giữa tác nhân gây bệnh và vật chủ cũng như đáp ứng miễn dịch của vật chủ nên để tạo vắcxin, các nhà khoa học phải sử dụng toàn bộ con virus. Ngày nay, khi đã hiểu rõ các cơ chế đó, người ta chỉ lấy thành phần cần thiết trong con virus, tạo đáp ứng miễn dịch tốt hơn và nguy cơ phản ứng phụ cũng thấp hơn khi tiêm vào cơ thể. Đây là công nghệ mà ngành vắcxin Việt Nam đang hướng đến.
Về việc nâng cao chất lượng vắcxin, điều kiện tiên quyết là phải có chủng sản xuất vắcxin tốt, đáp ứng đầy đủ yêu cầu cần thiết để sản xuất một thành phẩm an toàn và hiệu quả. Các nhà khoa học Việt Nam hiện nay có khả năng phân lập chủng mới từ các vụ dịch, tạo dòng và thích ứng vào các điều kiện nuôi cấy để tạo sinh khối tuỳ thuộc và công nghệ sản xuất vắcxin định hướng tới như bất hoạt, giảm độc lực, tái tổ hợp…
“Cái khó lâu nay là việc thẩm định các chủng này để đảm bảo chủng đạt yêu cầu trước khi đưa vào sản xuất. Hiện nay với các tác nhân gây bệnh, chúng ta đều tạo được chủng giống, nhưng chọn chủng nào phù hợp làm vắcxin vẫn đang khó khăn. Việc giải quyết vấn đề này phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của mỗi đơn vị nghiên cứu, sản xuất vắcxin”, GS Nguyễn Thu Vân nói. Bà cho rằng, ngoài việc cơ quan quản lý cần tạo điều kiện đẩy nhanh quy trình phê chuẩn hồ sơ chủng, trang thiết bị hiện đại cũng là yếu tố rất quan trọng.
Hiện Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất vắcxin để cung ứng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Cụ thể, vắcxin được coi là sản phẩm quốc gia cần ưu tiên nghiên cứu và phát triển.Các cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi và đất đai trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc để xây dựng nhà máy sản xuất vắcxin cũng đang được triển khai.
Phương Nguyên