Nhận thức được lợi thế của danh hiệu công viên địa chất toàn cầu trong việc thu hút khách du lịch, thể hiện rất rõ từ thực tế của tỉnh Hà Giang, 6 địa phương khác cũng đang xây dựng hồ sơ trình UNESCO đề nghị được công nhận danh hiệu này.
Hà Giang xin cơ chế đặc thù
Việc cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu năm 2010 và công nhận lại vào năm 2014 giúp ngành du lịch Hà Giang tăng trưởng vượt bậc trong các năm 2012-2015. Lượng du khách đến công viên địa chất tăng bình quân 20% mỗi năm. Năm 2015, địa danh này đón trên 300.000 khách du lịch, tỷ lệ khách quốc tế ngày càng tăng.
TS Nguyễn Lê Huy - Trưởng ban quản lý Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn - cho biết: “Với sự phát triển du lịch, đời sống người dân được nâng lên đáng kể. Nông, thủy sản, các loại rau, hoa quả, thịt trâu bò... có sự tăng trưởng rất mạnh. Đặc biệt là có sự tăng cường kết nối nông sản của cư dân địa phương với các thị trường khác qua thông tin của du khách và sự tham gia của các nhà buôn”.
Với lợi thế về tài nguyên và danh hiệu công viên địa chất, cao nguyên đá Đồng Văn đang thu hút nhiều nhà đầu tư Việt Nam lẫn quốc tế. Du khách đến đây không chỉ ngắm cảnh thiên nhiên mà còn có thể trải nghiệm, thưởng thức nét văn hóa của các dân tộc địa phương.
Để phát triển Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn theo hướng chuyển hẳn sang kinh tế du lịch - dịch vụ, Hà Giang đang nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù trình Chính phủ phê duyệt. Ông Huy giải thích, cơ chế đặc thù tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận về đất đai. Cụ thể, tỉnh muốn xin miễn tiền thuê đất 10 năm đầu cho các dự án đầu tư giai đoạn 2015-2020; giảm 50% tiền thuê đất 10 năm tiếp theo.
“Chúng tôi đề nghị Chính phủ cho phép ngân sách hỗ trợ 100% lãi suất trong 5 năm đầu với khoản vay bồi thường giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư giai đoạn 2015-2020. Nếu năm thứ sáu trở đi chưa trả được thì sẽ chịu lãi suất bình thường. Đồng thời, đề nghị hỗ trợ 50% lãi suất với khoản vay này cho các doanh nghiệp có dự án đầu tư giai đoạn 2020-2030 và cũng hỗ trợ trong 5 năm” - ông Huy nói.
Nhiều tỉnh muốn có công viên địa chất
Trước thành công của Hà Giang, nhiều tỉnh cũng có nguyện vọng tham gia mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Ngoài tiềm năng du lịch, đây cũng là mô hình giúp bảo tồn các giá trị di sản, bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tạo sinh kế cho người dân. Các tỉnh Quảng Ngãi, Đắk Nông, Cao Bằng, Gia Lai, Phú Yên, Bắc Cạn đang làm hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Tôn Thị Ngọc Hạnh, tỉnh có Công viên địa chất núi lửa Krông Nô với dãy Nâm Nung hùng vĩ, được xem là nóc nhà của Đắk Nông với mái nhà phía bắc nghiêng về dòng Sêrêpốk, mái nhà phía nam nghiêng về thượng nguồn sông Đồng Nai. Đây là quần thể di sản thiên nhiên phong phú, di sản địa chất núi lửa độc đáo.
“Chúng tôi bày tỏ nguyện vọng gia nhập mạng lưới công viên địa chất quốc gia, quốc tế và mong nhận được sự quan tâm hỗ trợ về mọi mặt của UNESCO, các cơ quan đầu mối về công viên địa chất, các nhà khoa học, quản lý… để xây dựng Công viên núi lửa Krông Nô thành công viên địa chất tầm cỡ khu vực và quốc tế” - bà Hạnh kiến nghị.
Ông Lê Quang Thích - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi - cho rằng, cần có đầu mối quản lý mạng lưới công viên địa chất quốc gia để thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ địa phương tham gia các hoạt động của mạng lưới công viên địa chất toàn cầu. Theo ông Thích, nên xem đây là hoạt động cần thiết và đưa ra xem xét khi trình hồ sơ đề nghị công nhận công viên địa chất toàn cầu.
“Đề nghị các bộ liên quan và Ủy ban UNESCO Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Quảng Ngãi xây dựng và phát triển Công viên địa chất Lý Sơn (cấp tỉnh), tiến tới làm hồ sơ đề nghị công nhận công viên địa chất quốc gia, công viên địa chất toàn cầu” - ông Thích nói.
Trước nguyện vọng của các địa phương, ông Lê Hoài Trung - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam - cho biết: “Sẽ có những tiêu chí quốc tế riêng và các tiểu ban có trách nhiệm đánh giá các địa phương có đáp ứng điều kiện của UNESCO hay không, trên cơ sở đó mới xây dựng hồ sơ, tiến hành nghiên cứu khoa học, đánh giá để Chính phủ trình lên UNESCO đề nghị công nhận danh hiệu công viên địa chất toàn cầu”.