Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay đã có hơn 70 dự án thuộc các chương trình khoa học và công nghệ (KH&CN)quốc gia đã được triển khai và nhận kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên để nhận được nguồn hỗ trợ này, các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

“Bà đỡ” cho dự án thành công

Tham gia chương trình Đổi mới quốc gia đến năm 2020 thuộc các chương trình KH&CN quốc gia với dự án nghiên cứu hệ thống chiếu sáng chuyên dụng và quy trình sử dụng nó trong nhân giống và điều khiển ra hoa một số cây trồng quy mô công nghiệp, Công ty cổ phần bóng đèn, phích nước Rạng Đông được chương trình hỗ trợ vốn 50%, với 13,95 tỷ đồng.

Ông Dương Đức Duy - Trưởng ban quản lý dự án Trung tâm R&D chiếu sáng, Công ty Rạng Đông - cho biết: Từ năm 2013, công ty đã kết hợp với Đại học Bách khoa Hà Nội và Học viện Nông nghiệp cho ra đời công nghệ chế tạo bột huỳnh quang phục vụ nông nghiệp công nghệ cao và các quy trình điểu khiển ra hoa cây trồng, tập trung vào 3 nhóm cây: Nuôi cấy mô, hoa cúc và thanh long. Công nghệ này giúp tiết kiệm 50-70% điện năng tiêu thụ so với sản phẩm chiếu sáng thông thường; góp phần tăng năng suất, chủ động về mùa vụ...

Chiếu sáng cho cây thanh long bằng bóng CFL-15W NN R-G tiết kiệm 75% năng lượng tại Bình Thuận. Ảnh: Đ. Duy
Chiếu sáng cho cây thanh long bằng bóng CFL-15W NN R-G tiết kiệm 75% năng lượng tại Bình Thuận. Ảnh: Đ. Duy

Còn Công ty cổ phần thuốc thú y Trung ương Navetco tham gia chương trình Phát triển sản phẩm quốc gia (thuộc các chương trình KH&CN quốc gia) từ năm 2014 với dự án “Công nghệ sản xuất vắcxin cúm A/H5N1 cho gia cầm”.

Trên cơ sở giống virút vắcxin CD C-RG 30, Navetco đã nghiên cứu các đặc tính sinh học, xây dựng được quy trình sản xuất và sản xuất thành công vắcxin cúm vô hoạt nhũ dầu đạt 6 tiêu chuẩn vô trùng, an toàn và hiệu lực (bảo hộ ≥ 80%), thời gian bảo hộ ≥ 4 tháng. Navetco cũng nghiên cứu xây dựng quy trình kiểm nghiệm trên gà, ngan, vịt và chim cút.

Ông Nguyễn Phú Bình - Phó Giám đốc Văn phòng các chương trình KH&CN quốc gia - cho biết: Sau hơn 3 năm triển khai (từ cuối năm 2012), đã có trên 70 dự án được thực hiện, tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp. Một số dự án của các doanh nghiệp đã có ghi nhận hiệu quả từ việc đầu tư này.

Nhận hỗ trợ: Dễ mà khó

Để được hỗ trợ từ ngân sách nhà nước dành cho các chương trình KH&CN quốc gia, ông Bình cho biết, các doanh nghiệp, viện, trường phải chứng minh tính thiết thực của dự án, tính mới trong khoa học, phải có năng lực về nhân lực, vật lực, tài chính. “Về mặt chính sách, doanh nghiệp không có khó khăn gì khi tiếp cận nguồn ngân sách này, quan trọng chính là năng lực của doanh nghiệp” - ông Bình nói.

Tuy nhiên, theo ông Trần Xuân Hạnh - Phó Tổng giám đốc Navetco, không dễ để nhận kinh phí hỗ trợ: “Trong quá trình thực hiện dự án này, nhiều thủ tục, giấy tờ về tài chính chưa được giải quyết kịp thời. Doanh nghiệp đôi khi thấy nản với những thủ tục hành chính đó”.

Ông Duy cũng cho rằng, thực tế nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thường chậm hơn so với doanh nghiệp mong muốn, ảnh hưởng phần nào đến tiến độ dự án: “Các chương trình KH&CN quốc gia nên thông thoáng hơn về thủ tục, giấy tờ và hỗ trợ nhiều hơn cho doanh nghiệp để những dự án mới nhanh chóng đi vào cuộc sống”.

Trên thực tế, kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tùy thuộc vào nội dung cụ thể trong từng chương trình. Theo đó, ngân sách hỗ trợ tối đa 100% kinh phí với hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; hỗ trợ tối đa 50% với hoạt động hoàn thiện công nghệ, dự án sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ, đầu tư sản xuất sản phẩm quốc gia; hỗ trợ tối đa 30% kinh phí mua vật tư, nguyên liệu, nhiên liệu, thiết bị đo kiểm; hỗ trợ tối đa 100% chi phí đào tạo ngắn hạn, bồi dưỡng nguồn nhân lực đối với đơn vị trực tiếp tham gia dự án; đồng thời hỗ trợ thương mại hóa sản phẩm, phát triển thị trường, xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật.

Theo ông Bình, khó khăn nhất hiện nay của doanh nghiệp là kinh phí đối ứng. “Về tài chính, doanh nghiệp phải đưa ra được các báo cáo tài chính trong 3 năm gần nhất, phải chứng minh không nợ đọng về tài chính, đặc biệt là nguồn vốn đối ứng - tức là doanh nghiệp phải cam kết về nguồn tài chính sẵn sàng bỏ ra để cùng với Nhà nước thực hiện dự án ấy”.