Việt Nam hiện có gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật có tiềm năng chuyển đổi để đáp ứng mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030. Vậy các trường cần làm gì để hiện thực hóa tiềm năng của mình?
Ngày 26/4, tại ĐH Bách khoa Hà Nội đã diễn ra hội thảo về đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn. Sự kiện này được tổ chức chỉ hai ngày sau khi Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn – vốn được Chính phủ xác định là công nghiệp mũi nhọn tiếp theo của quốc gia.
Kết luận Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ/ngành liên quan, Thủ tướng nêu rõ đào tạo nhân lực là một trong năm trụ cột để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn - bên cạnh xây dựng hạ tầng; hoàn thiện thể chế; huy động nguồn lực; và xây dựng hệ sinh thái.
Thủ tướng cũng bày tỏ quan điểm coi đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là đột phá của đột phá trong đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm đa dạng hóa các loại hình đào tạo như đào tạo cơ bản, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi, đào tạo kỹ năng, đào tạo tiến sĩ, đào tạo trong và ngoài nước, đào tạo qua sản xuất kinh doanh.
Cùng bàn về chủ đề phát triển nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn nhưng hội thảo tại ĐH Bách khoa Hà Nội chủ yếu tập trung vào chương trình đào tạo và mô hình đào tạo.
Các diễn giả cho biết, Việt Nam hiện có 35 trường đại học đang mở các ngành liên quan đến công nghiệp bán dẫn như kỹ thuật điện - điện tử, kỹ thuật điện tử viễn thông, kỹ thuật máy tính... Trong số đó, TS. Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TPHCM, thống kê được 14 cơ sở mở chuyên ngành thiết kế vi mạch hoặc hướng thiết kế vi mạch, hầu hết ở bậc đào tào đại học chính quy.
Tuy nhiên, như TS. Nguyễn Minh Sơn dẫn một nguồn khảo sát công bố nội bộ, các trường đại học Việt Nam mới đào tạo hai trong số 11 mảng kiến thức thuộc các giai đoạn thiết kế vi mạch mà doanh nghiệp cần. Đó là lý do vì sao cho đến nay, doanh nghiệp phải dành từ ba đến sáu tháng để đào tạo lại 100% nhân lực mới tuyển dụng, ông cho biết.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học CMC, cho rằng hiện nay khó mà tìm được một chương trình đào tạo chuyên về thiết kế vi mạch đúng nghĩa. Theo ông, thiết kế vi mạch chỉ là một hướng/chuyên ngành trong ngành Kỹ thuật Điện tử hoặc ở một số ngành gần khác. Bởi vậy, ông đề xuất, chương trình đào tạo của các ngành này cần bao phủ càng nhiều càng tốt các học phần được nêu trong các giáo trình đào tạo thiết kế vi mạch của Synopsys, tập đoàn chuyên cung cấp các công cụ và dịch vụ cho ngành sản xuất và thiết kế chất bán dẫn. Các giáo trình này, như ông Nguyễn Ngọc Bình cho biết, được coi là các giáo trình tiêu chuẩn và đầy đủ về thiết kế vi mạch.
Đến dự và phát biểu với Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn lưu ý, cho ra đời một ngành đào tạo mới không chỉ đơn giản là cấp thêm một mã ngành. “Có hai cách ra đời của một ngành đào tạo hoàn toàn mới, một là một ngành lớn phát triển quá mạnh, phạm vi về kiến thức, nền tảng khoa học quá rộng và phân nhánh; hai là lai ghép hai hay ba ngành hiện tại,” ông giải thích.
Nhân lực ngành bán dẫn sẽ làm việc ở các vị trí như thiết kế và R&D, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, và hỗ trợ ứng dụng. Mỗi một vị trí lại liên quan đến các phạm vi kiến thức khác nhau, từ kỹ thuật điện - điện tử, kỹ thuật điện tử viễn thông, đến kỹ thuật máy tính, vật liệu, vật lý kỹ thuật, hóa học... Với một ngành đào tạo đòi hỏi nhiều phạm vi kiến thức như vậy, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho rằng nên xuất phát từ xây dựng chương trình đào tạo. Khi chúng ta có chương trình đào tạo cùng với chuẩn đầu ra thì chúng ta mới biết nên xếp vào ngành nào, ông nói.
Đồng thời, ông cho rằng cần quan tâm cả mô hình đào tạo bởi các mô hình đào tạo khác nhau sẽ cho ra đời các chương trình đào tạo khác nhau. Chúng ta có mô hình đào tạo kỹ sư chuyên sâu, đào tạo chuyển đổi chứ không phải chỉ có mô hình tuyển sinh và đào tạo từ đầu, ông nói. “Nếu bây giờ chúng ta mới bắt đầu tuyển sinh cử nhân đào tạo bốn năm, sau đó cần ít nhất một - hai năm để đào tạo chuyên sâu thì chắc là đến năm 2030 mới có được lứa đầu tiên,” ông nói. Trong khi đó, chúng ta đang đặt mục tiêu đào tạo 50.000 nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn đến năm 2030. Rõ ràng là, cần có các mô hình đào tạo đa dạng để "đào tạo vừa nhanh, đáp ứng yêu cầu tức thời của thị trường và vừa lâu dài".
Vậy phải thiết kế chương trình đào tạo như thế nào cho kỹ sư các ngành khác hay cử nhân tốt nghiệp những ngành gần chuyển sang học những chương trình chuyên sâu - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nêu câu hỏi và lưu ý, “Mỗi trường có thể có một quan điểm khác nhưng nên có điểm chung trong việc phát triển chương trình đào tạo” để mở đường cho hợp tác đào tạo: các trường dễ dàng trao đổi sinh viên, trao đổi và chia sẻ học liệu.
Tại Hội thảo, đại diện của Trường Điện – Điện tử thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường Công nghệ thông tin thuộc ĐH Quốc gia TPHCM đã giới thiệu phương pháp và chương trình đào tạo của mình. Trong đó, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh của Trường Điện – Điện tử, một trong những nơi sớm nhất mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch vào năm 2022 và dự kiến mở chương trình Kỹ sư bậc 7 (Thạc sĩ) Thiết kế vi mạch trong năm nay, cho biết, Trường đào tạo kỹ năng cho sinh viên dựa trên dự án nghiên cứu, còn đồ án và thực tập tốt nghiệp của sinh viên dựa trên dự án thực tế do nhà trường và doanh nghiệp đồng hướng dẫn. Cụ thể, mỗi sinh viên sẽ có thời gian từ ba đến sáu tháng thực hiện đồ án tại doanh nghiệp và phòng thí nghiệm.
Nói về yêu cầu đối với việc đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh đặc biệt nhấn mạnh cần có chương trình tài trợ chế tạo thử nghiệm vì ông tin rằng một kỹ sư chưa trải qua các bước này thì chưa thể trở thành một kỹ sư thực thụ.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Minh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật máy tính, Trường ĐH Công nghệ thông tin, nơi có ngành kỹ thuật máy tính đào tạo kỹ sư chuyên sâu về thiết kế vi mạch và hệ thống nhúng từ năm 2006 và từ năm nay bắt đầu tuyển sinh riêng đối với chuyên ngành Thiết kế vi mạch trình độ đại học, giới thiệu về “chiến thuật” của Trường. Xác định mình không mạnh về bán dẫn hay điện tử, Trường đã giảm khối lượng kiến thức ở những lĩnh vực này xuống mức mức cơ bản, đồng thời tăng cường các kiến thức về thiết kế phần cứng và phần mềm theo định hướng system on a chip hay hệ thống chip (một vi mạch điện tử tích hợp nhiều thành phần của cả một hệ thống vào một con chip máy tính duy nhất).
Bên cạnh đó, nhận thấy khoảng cách giữa đào tạo và sử dụng tại doanh nghiệp, Trường ĐH Công nghệ thông tin quyết định dành tám tín chỉ để doanh nghiệp có thể đề xuất nội dung đào tạo vừa phù hợp với vận hành của Trường, vừa đáp ứng nhu cầu về nhân lực của doanh nghiệp. Sinh viên của Trường cũng có từ bốn đến sáu tháng thực tập tại doanh nghiệp để thực hiện khóa luận tốt nghiệp.
Mặc dù nội dung đào tạo có thể khác nhau nhưng cả hai trường đều hướng tới tính mềm dẻo, liên thông với các ngành gần để thay đổi và thích nghi nhanh chóng theo nhu cầu của thị trường. Đây cũng chính là một yêu cầu nữa cần được đáp ứng nếu gần 160 trường có chuyên ngành đào tạo kỹ thuật ở Việt Nam hiện nay muốn chuyển đổi để tham gia đào tạo nhân lực bán dẫn.
Bức tranh thị trường nhân lực vi mạch bán dẫn ở Việt Nam
Muốn thu hút sinh viên theo học một chuyên ngành mới thì phải có thị trường việc làm hấp dẫn. Dưới đây là một vài thông tin về thị trường nhân lực ngành bán dẫn do các diễn giả tại Hội thảo ngày 24/4 tại ĐH Bách khoa Hà Nội cung cấp:Việt Nam hiện có hơn 5.000 kỹ sư (thiết kế vật lý, kiểm thử, thiết kế logic, thiết kế tương tự) làm việc tại hơn 50 doanh nghiệp thiết kế vi mạch bán dẫn, chủ yếu là các cơ sở của nước ngoài đặt tại Việt Nam. 3/4 lực lượng này tập trung tại TPHCM. Tốc độ tăng trưởng của đội ngũ này vào khoảng 10%/năm.Tuổi nghề trung bình của họ là 4,46 năm; 10% kỹ sư có 10 năm kinh nghiệm trở lên.85% kỹ sư có bằng đại học, số còn lại có bằng sau đại học.Hơn 40% kỹ sư có thu nhập từ 400 triệu đồng/năm trở lên và gần 10% có thu nhập từ 1 tỷ đồng/năm trở lên.Hiện mỗi năm thị trường Việt Nam cần tuyển 1.000 kỹ sư và kỹ thuật viên ngành bán dẫn. Nhưng đại diện của Viettel cho biết, trong giai đoạn 2030-2035, họ có nhu cầu tuyển dụng 500 – 1.000 kỹ sư mỗi năm để phục vụ việc phát triển một số dòng chip cho các sản phẩm/dịch vụ của Viettel như Viễn thông, An ninh quốc phòng và theo nhu cầu thị trường như AioT.
|