Nước Pháp đã thay đổi chính sách bằng việc thông qua luật mặc định công dân còn sống sẽ được coi là tình nguyện hiến tạng sau khi chết, những ai không đồng ý có thể ký vào đơn từ chối.

Luật này có hiệu lực từ ngày 01/01/2017. Trước đó, ngay cả khi người chết đã bày tỏ rõ mong muốn hiến tạng thì bác sĩ vẫn buộc phải tham khảo ý kiến thân nhân, mà khoảng một phần ba trong số nói lời từ chối. Trong trường hợp không đồng ý hiến toàn bộ hay bất cứ bộ phận nào trên cơ thể, người sắp chết sẽ phải ký vào đơn từ chối (danh sách này đã lên tới 150.000 người vào thời điểm tháng 1 năm 2017).

Ngoài ra, nhà chức trách cũng hứa hẹn sẽ tạo thuận lợi [cho việc ký đơn từ chối hiến tạng] cho những người này thông qua một hệ thống đăng ký trực tuyến thay vì chỉ sử dụng giấy tờ như hiện nay. Bên cạnh đó, người không đồng ý hiến tạng cũng có thể để lại giấy tờ ủy quyền hay truyền đạt nguyện vọng bằng miệng cho người thân, để họ có thông báo bằng văn bản cho bác sĩ.

Bác sĩ đang chuẩn bị phẫu thuật ghép tạng. Nguồn: Frances Robert/Alamy

Trước đó, vào hồi tháng 11/2016, Cơ quan Y sinh học Pháp (Agence de la Biomédecine) đã phát hành bộ phim Déjà-vu2 (Sự nhàm chán) nhằm khuyến khích những người trẻ từ 15 – 25 tuổi tham gia hiến tạng.

Những thay đổi chính sách này của Pháp là để thúc đẩy công dân hiến tạng trong bối cảnh thiếu hụt nguồn tạng nghiêm trọng, không chỉ ở Pháp mà còn nhiều nước khác. Trong một báo cáo của mình, Liên minh châu Âu cũng nhấn mạnh sự thiếu hụt người hiến tạng và một số lượng lớn bệnh nhân đang chờ đợi để được ghép tạng trên khắp thế giới. Trong năm 2014, khoảng 86.000 người tại các quốc gia Châu Âu (EU), Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ đang chờ nội tạng thay thế, và khoảng 16 người đã chết mỗi ngày do không kịp phẫu thuật.

Các bác sĩ tại Anh cũng than thở về tỷ lệ người hiến tạng quá ít – thuộc loại thấp nhất châu Âu, cũng như sự thiếu hụt nguồn tạng từ các cộng đồng người da đen hoặc các sắc dân gốc Á. Mặc dù số lượng nội tạng hiến tặng và được cấy ghép tại Anh đã đạt mức cao trong 2015 – 2016, nhưng vẫn còn quá thấp so với mục tiêu 80% đặt ra vào năm 2020. Cho đến nay, trở ngại lớn nhất vẫn đến từ sự phản đối của thân nhân người chết, thậm chí ngay cả khi họ đã đăng ký hiến tạng.

NHS Blood and Transplant (NHSBT), cơ quan chuyên về truyền máu và cấy ghép tạng ở Anh, cũng là nơi chịu trách nhiệm quản lý danh sách đăng ký, tìm kiếm nguồn cung phù hợp và phân bố nội tạng hiến tặng, cho biết đang cân nhắc những biện pháp khi tiếp cận với các gia đình, nhằm đảm bảo quyết định của người hiến tạng tiềm năng sẽ không bị bác bỏ.

Một lựa chọn khác không cần đến sự xác nhận đồng ý của thân nhân người chết hay người được ủy quyền, khi ý kiến của của họ sẽ không còn là điều bắt buộc theo luật nếu người đồng ý hiến tạng ký vào danh sách của NHS. Hay như các gia đình tại Scotland được yêu cầu điền vào mẫu đơn nêu rõ lý do tại sao lại lật ngược quyết định của người hiến tạng. Vì thế, NHSBT cho biết, một hình thức tương tự cũng có thể được giới thiệu trên khắp nước Anh.