Tuy nhiên, các nhà đầu tư tư nhân thường e ngại khi đầu tư vào các nước có ngành công nghiệp còn non trẻ và thể chế thị trường nhiều khiếm khuyết như Việt Nam. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ Việt Nam cần tham gia vào thị trường đầu tư mạo hiểm để thu hút các nhà đầu tư nhân. Vấn đề cần đặt ra là Chính phủ nên can thiệp vào thị trường đầu tư mạo hiểm như thế nào để tối đa hóa hiệu quả là bài toán đặt ra với nhiều nước, đặc biệt là các nước đang phát triển.
Cảm hứng từ Yozma của Israel
Ngay từ đầu thập niên 80, Chính phủ Israel đã ý thức được cần đảm nhận vai trò cung cấp vốn để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Tuy nhiên, sau 10 năm tự thực hiện đầu tư và nếm trải nhiều “quả đắng”, Israel nhận ra rằng chính phủ không bao giờ là “nhà đầu tư tốt” – bởi rất hạn chế trong khả năng đánh giá các startup triển vọng.
Vì vậy, họ đã tìm ra giải pháp là lôi kéo sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân - những chủ thể có kinh nghiệm, có con mắt quan sát và năng lực kinh doanh thực sự. Vì thế, Chính phủ đã tài trợ 100 triệu USD và kêu gọi thêm tiền từ các nhà đầu tư tư nhân khác vào Quỹ Yozma – đánh dấu bước đầu tiên của thị trường vốn mạo hiểm chuyên nghiệp ở Israel. Chính phủ cam kết hỗ trợ 40% tổng số vốn và khoản ngân sách này sẽ được thu hồi sau tối đa 7 năm, thông qua việc cho phép các nhà đầu tư tư nhân mua lại phần góp của Chính phủ bằng số tiền đầu tư ban đầu cộng thêm lãi suất.
Trong vòng 3 năm, Yozma đã thành lập 10 quỹ con trị giá 20 triệu USD/quỹ, nhắm vào các công ty tăng trưởng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và khoa học đời sống/công nghệ sinh học với khoản đầu tư khoảng 1 – 6 triệu USD. Đến năm 1998, Yozma đã đầu tư vào hơn 40 công ty, nhiều trông số đó đã niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ và châu Âu. Trị giá quỹ tăng lến mức 250 triệu USD (1996) và Chính phủ Israel quyết định có thêm Yozma 2 và 3 sau này. Chỉ trong vòng chưa đầy một thập kỷ, vốn đầu tư mạo hiểm tư nhân của Israel đã lấn át hoàn toàn đầu tư từ khu vực công, tỷ lệ sở hữu của Chính phủ ở các quỹ vào năm 1993 là khoảng 50% nhưng đến năm 2000, tỷ lệ này xấp xỉ 0.
Yozma Group đã đầu tư vào 500v – 1 vườn ươm của Hàn Quốc. Đây là khoản đầu tư đầu tiên của Yozma vào châu Á. Nguồn: businesskorea.co.kr
Mô hình Fund of funds
Yozma là một mô hình đầu tư theo hình thức Fund of funds – hợp tác công tư trong đầu tư mạo hiểm. Cơ chế vận hành của mô hình Fund of funds cơ bản như sau: Quỹ đầu tư của Chính phủ lựa chọn các quỹ/nhà đầu tư tư nhân làm đối tác của Quỹ. Bên đối tác sẽ lựa chọn startup và đề nghị Quỹ xem xét phối hợp đầu tư. Quỹ sẽ đánh giá và quyết định tỷ lệ đầu tư thích hợp, trong đó tỷ lệ của nhà đầu tư tư nhân phải lớn hơn của Quỹ để ràng buộc trách nhiệm khi lựa chọn startup. Trong thời hạn đã thỏa thuận kể từ khi đầu tư, Quỹ sẽ bán lại phần vốn của mình cho nhà đầu tư tư nhân hoặc startup, chính thức rút lui khỏi thương vụ.
Nhiều nước đã học theo thành công từ Yozma và xây dựng mô hình Fund of funds cho riêng mình như Innovation Investment Fund (Áo), SBIC (Mỹ), High Tech Fund of Funds (Anh) hay mới đây nhất là chương trình “Fund of funds for Startup” của Ấn Độ.
Ưu điểm của mô hình là nó cho phép Chính phủ phân bổ vốn để khuyến khích thành lập nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, từ đó tối đa hóa hiệu quả của ngân sách Nhà nước trong phát triển thị trưởng đầu tư mạo hiểm cho công nghệ cao. Thêm vào đó, nó cho phép Quỹ đầu tư của Chính phủ đầu tư vào nhiều quỹ từ đó tăng cường sự đa dạng của hoạt động đầu tư. Các quỹ con hoạt động độc lập vì thế hạn chế được các tác động tiêu cực lan truyền, giúp giới hạn rủi ro. Đa dạng hóa đầu tư cũng giúp Chính phủ đầu tư tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và đồng thời có tác động “làm nóng” thị trường đầu tư mạo hiểm, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Mô hình Fund of funds được đánh giá là phù hợp để triền khai ở các nước đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt là bởi tác động thu hút nhà đầu tư trong giai đoạn đầu cũng như giải quyết bài toán năng lực của Chính phủ. Hiện nay ở Việt Nam đã và đang Dự thảo Nghị định đầu tư cho startup về cơ bản là dưới hình thức vận hành của mô hình Fund of funds. Điều này là cho thấy Chính phủ đã nhận thức được hiệu quả tiềm năng của việc hợp tác công tư trong hỗ trợ khởi nghiệp.
Tuy nhiên, Dự thảo còn vài thiếu sót, đặc biệt là các tiêu chuẩn chọn lựa đối tác cho Quỹ của Chính phủ. Hiện tại trong Dự thảo chỉ mới yêu cầu đối tác có tối thiểu 1 năm kinh nghiệm thực hiện đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nhưng lại chưa quan tâm đến hiệu quả hoạt động của đối tác, dẫn tới rủi ro là không tìm được những đối tác có đủ năng lực.
Dự thảo này cũng ràng buộc hạn mức đầu tư của Chính phủ là không quá 30%, trong khi tỷ lệ này ở các nước khác thường cao hơn, ví dụ như ở Israel là 40 – 50%. Tỷ lệ tham dự của Nhà nước quá thấp sẽ dẫn đến nhà đầu tư tư nhân e ngại do phải bỏ lượng vốn nhiều hơn, rủi ro cao hơn. Ngoài ra, thời gian thoái vốn của Chính phủ được quy định trong dự thảo là tối đa 5 năm. Thời hạn này có thể là khá ngắn để các startup có thể phát triển, thông thường một startup cần thời gian ít nhất là 10 năm để có thể ổn định. Israel giới hạn thời gian là 7 năm còn Trung Quốc hiện là 15 năm.
Ngoài ra, điều quan trọng là Chính phủ cần là người chấp nhận rủi ro và xây dựng văn hóa chấp nhận rủi ro, phá bỏ các rào cản thông lệ không cần thiết, tạo xu hướng cơ chế thông thoáng cho khởi nghiệp. Cần nói thêm rằng việc đầu tư vốn mạo hiểm chỉ là một trong số hàng loạt các biện pháp hỗ trợ tài chính cho khởi nghiệp. Để phát triển, startup còn cần nhiều sự hỗ trợ từ các chủ thể khác trong hệ sinh thái khởi nghiệp như các chuyên gia ươm tạo, các nhà đầu tư thiên thần, doanh nghiệp, ngân hàng,… Chính vì cần quan tâm đến các chủ thể này và có những biện pháp ưu đãi và hợp tác thích hợp.
Một công ty trưởng thành từ Yozma
E-Sim: Được thành lập vào năm 1990, phát triển và thương mại hóa một công nghệ mô phỏng tiên tiến, gọi là gia đình Rapid, cho việc phát triển điện tử, đào tạo tương tác và các sản phẩm “ảo” trên nền tảng web cho thị trường hệ thống nhúng. Công nghệ và sản phẩm của E-Sim đâng thiết lập tiêu chuẩn cho việc cung cấp các giải pháp nguyên mẫu và phát triển cho các công ty điện tử tiêu dùng, viễn thông và tự động hóa văn phòng hàng đầu thế giới. Các khách hàng của E-Sim bao gồm cả Motorola, Israel Aircraft Industries, Elscint và Nokia. Vào tháng Bảy 1998, công ty đã niêm yết trên sàn NASDAQ. Vào tháng Mười 1999, công ty đã ký hợp tác chiến lược với America On Line. |