Công tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp (NCKHNN) tại Việt Nam thực sự đã bắt đầu từ khi các viện nghiên cứu và trường đại học ra đời từ thời Pháp thuộc. Các hoạt động này tiếp tục sau 1954 và được phát triển mạnh hơn sau khi đất nước hòa bình thống nhất để tập trung phục vụ cho chính sách an ninh lương thực bảo đảm ổn định xã hội sau chiến tranh khốc liệt.
Tại miền Nam, trong những tháng năm đầu sau chấm dứt chiến tranh, trong lúc các cơ quan nhà nước mới tiếp quản còn lo sắp xếp tổ chức, các thầy và trò của Khoa Nông nghiệp trường Đại học Cần Thơ và trường Trung học Nông nghiệp Long Định (Tiền Giang), mặc dù không có kinh phí nhà nước, đã tự giác bỏ công sức lao vào mặt trận nghiên cứu và phát triển lúa thoát khỏi nạn rầy nâu, tiến lên sản xuất lúa khối lượng lớn mùa sau cao hơn mùa trước.
Những giống lúa đã được thanh lọc từ các dòng lai từ Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) Philippines nhập vào khu thí nghiệm của trường, được đưa ra thử nghiệm tính thích nghi trên các vùng sinh thái của các tỉnh ĐBSCL, và được nông dân sở tại cùng lãnh đạo địa phương chấp thuận cho trồng đại trà đã nhanh chóng phủ lấy ruộng đất của nông dân. Thời oanh liệt đó nay không còn nữa, nó đã bị đánh đổi bởi một hệ thống nghiên cứu nặng nề, rất tốn kém, rất trì trệ, và do đó rất kém hiệu quả.
Đặc điểm của hệ thống nghiên cứu nông nghiệp hiện thời
Nhìn vào hệ thống NCKHNN của Việt Nam chúng ta thấy từ đồng ruộng, những trở ngại về kỹ thuật nuôi trồng của người nông dân có đạo đạt lên cán bộ xã, huyện, tỉnh nếu may mắn có thể được Sở NN&PTNT và Sở KH&CN ghi nhận đưa vào kế hoạch NCKH của tỉnh. Kế hoạch này sẽ được một hội đồng xét duyệt để kiến nghị đưa vào danh sách các nhiệm vụ NCKH của tỉnh để được gọi đấu thầu chọn người/cơ quan khoa học thực hiện với kinh phí từ ngân sách của tỉnh. Còn từ trên xuống, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ nghĩ ra những Chương trình NCKH trọng điểm cấp nhà nước, mời đấu thầu chọn cơ quan khoa học và khoa học gia uy tín chủ trì tổ chức nghiên cứu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Vụ KHCN nghĩ ra những Chương trình NCKHNN cấp bộ, cho đấu thầu chọn cơ quan nghiên cứu phần lớn trong bộ để giao nhiệm vụ nghiên cứu, gồm 1 Viện Hàn lâm KHNN (Học viện NN VN), 3 trường đại học, 14 trường cao đẳng nông nghiệp, 23 viện nghiên cứu, và 5 trung tâm nghiên cứu (theo Wikipedia Việt Nam). Các cơ quan nghiên cứu này thường có chân rết tại cấp tỉnh qua Sở NN&PTNT. Ngoài ra, vì Bộ NN&PTNN bao gồm cả Bộ Thủy lợi, Bộ Lâm nghiệp và Bộ Thủy sản sáp nhập vào, các bộ phận của 3 bộ này vẫn còn giữ nguyên, như Vụ KHCN chẳng hạn, các chương trình nghiên cứu của họ vẫn có thể được tiến hành.
Giáo sư Võ Tòng Xuân tại một trung tâm nghiên cứu giống cây trồng. Nguồn: vov.vn
Các Vụ KHCN của bộ có thể tranh thủ nguồn kinh phí từ hợp tác quốc tế để nuôi sống bộ máy, hoặc các chủ trì đề tài cấp nhà nước đôi khi tranh thủ được đầu tư của doanh nghiệp tư nhân hoặc của các tỉnh, nhưng nhìn chung ngân sách nhà nước vẫn phải gánh phần chi sự nghiệp. Bộ cũng tranh thủ vốn tài trợ không hoàn lại và vốn vay ưu đãi cho một số chương trình cấp bộ rất tốn kém.
Nhìn chung cả hệ thống nghiên cứu nông nghiệp quốc gia của Việt Nam rất cồng kềnh, tốn kém, và còn trong mô hình hoạt động truyền thống, chưa thay đổi theo quan điểm hiện đại trong thời kỳ toàn cầu hóa. Theo một báo cáo của Anderson và cộng sự (2013), trong gần ba thập kỷ qua, một thay đổi đáng chú ý đã xảy ra trong những chính sách và chiến lược đổi mới nông nghiệp quốc tế từ quan điểm “hệ thống nghiên cứu nông nghiệp quốc gia (NARS)” trong thập kỷ 1980, đến quan điểm “hệ thống thông tin và kiến thức nông nghiệp (AKIS)” trong thập kỷ 1990, sang đến quan điểm “hệ thống đổi mới nông nghiệp (AIS)” từ những năm sau 2000 đến nay.
Quan điểm mới nhất này không chỉ bao gồm phát triển và phổ biến kiến thức nông nghiệp, mà còn là ứng dụng thực tế của những kiến thức đó trong toàn nền kinh tế. Do đó nó liên quan đến toàn bộ rộng lớn hơn của các thành phần liên quan so với truyền thống trước đây chỉ gồm các cơ quan nghiên cứu, khuyến nông và giáo dục nông nghiệp. Quan điểm mới này chú trọng hơn đến vai trò của các thị trường và các bên tham gia thị trường trong quá trình đổi mới. Nó cũng sử dụng một bộ công cụ rộng hơn để kích thích đổi mới nông nghiệp hơn là chỉ đầu tư vào nghiên cứu nông nghiệp.
Hệ thống nghiên cứu nông nghiệp của Việt Nam nên đổi mới như thế nào?
Chúng ta nên tham khảo xu thế diễn tiến về NCKH của thế giới để sớm áp dụng cho Việt Nam. Trước mắt, nên chuyển theo hệ thống AIS (hệ thống đổi mới nông nghiệp), là phương pháp tiếp cận nghiên cứu không còn theo từng đối tượng cây con riêng lẻ hoặc “hệ thống canh tác theo cây con” nữa mà phải đổi lại là theo “chuỗi giá trị” mà trong đó khâu cuối cùng là thị trường đầu ra. Theo khuynh hướng này có thể chúng ta nên thu nhỏ lại số viện và trung tâm nghiên cứu, đặt thêm nhiệm vụ cho các trường đại học có ngành nông nghiệp. Như thế chúng ta sẽ củng cố năng lực nghiên cứu cho các trường đại học với thêm trang thiết bị và chuyên viên khoa học, giúp cho công tác đào tạo nguồn nhân lực sẽ hiệu quả hơn.
Hiện trạng phát triển nông nghiệp của Việt Nam ngày nay phản ánh tình trạng NCKHNN chưa xác định đúng những ưu tiên cần đầu tư nghiên cứu, còn để mặc cho nông dân và các doanh nghiệp sản xuất một cách tự phát, không biết được thị trường đầu ra như thế nào, ở đâu.
Những kỹ thuật ưu tiên mà cấp nông dân rất cần để thực hiện NQ120 của Thủ Tướng thì ngay tại cấp cao ở trung ương vẫn chưa xác định để nghiên cứu ứng dụng, thí dụ: xử lý và bảo quản vải thiều, xoài, nhãn v.v. trước khi đưa vào thị trường; hoặc chế tạo công cụ lên liếp đất ruộng lúa vừa thu hoạch xong trở thành đất tơi xốp để chuẩn bị luân canh trồng đậu, bắp, v.v. thay cho một vụ lúa, tăng cao lợi tức của nông dân; hoặc thay thế một-hai vụ lúa bằng cây gì, con gì có lợi hơn. Các chương trình cấp nhà nước hoặc cấp bộ không biết đưa những ưu tiên đó vào danh sách nghiên cứu để rót vốn cho nghiên cứu thì chừng nào Việt Nam mới có những người chế tạo cơ khí như Nhật Bản có ông Toyota, Honda…
Kinh phí nghiên cứu, bao gồm mua sắm trang thiết bị và chi phí thường xuyên cần được tập trung hơn cho các chương trình xếp theo ưu tiên để dễ tranh thủ vốn của các cơ quan tài trợ hoặc tư nhân phối hợp với vốn đối ứng bằng kinh phí NCKH của nhà nước. Từng chương trình cần được lồng vào nội dung hoạt động thường xuyên của trường/viện/trung tâm để khi hết vốn dự án tài trợ thì chương trình vẫn sống tiếp tục (theo IEG, 2012).
Đã có nhiều đợt Bộ NN&PTNT dự định thu nhỏ lại số viện, trung tâm nghiên cứu nhưng vẫn chưa hoàn toàn thành công vì chưa có ai quyết định mạnh dạn. Tuy nhiên nếu mọi người đều nhìn về phía hiệu quả thiết thực đưa nền nông nghiệp VN lên cao sánh vai cùng quốc tế trong thời đại công nghiệp 4.0 thì hy vọng VN sẽ có một hệ thống NCKHNN gọn nhẹ nhưng hữu hiệu hơn.