Việc chuẩn bị bài bản cho nền tảng nhân lực là một yếu tố quan trọng để Malaysia sẵn sàng cho CMCN 4.0.

Là một quốc gia đứng thứ 17/40 quốc gia trên bảng xếp hạng Chỉ số Cạnh tranh sản xuất Toàn cầu 2016 của Deloitte Touche Tohmatsu, xếp thứ 37 toàn cầu và thứ 8 châu Á về Chỉ số Đổi mới Sáng tạo 2017, Malaysia được đánh giá là có nền tảng sản xuất và ứng dụng công nghệ mạnh mẽ, đồng thời được định vị tốt để hưởng lợi từ CMCN 4.0. Năm 2018, Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã xếp Malaysia là một trong 25 quốc gia sẵn sàng nhất cho CMCN 4.0.

Trong khuôn khổ chính sách CMCN 4.0 quốc gia của Malaysia (chuẩn bị ban hành trong năm 2018) đã xác định việc nâng cao kỹ năng hiện có và phát triển nguồn nhân tài tương lai là một trong năm điều kiện cần thiết để khởi động CMCN ở quốc gia này, trong đó Quỹ Phát triển nguồn nhân lực (HRDF) và Bộ Giáo dục đóng vai trò chủ chốt.

Chương trình nâng cao tay nghề của HRDF

Giám đốc điều hành Quỹ Phát triển nguồn nhân lực (HRDF) Datuk CM Vignaesvaran Jeyandran khi trả lời phỏng vấn The Star đã cho biết, khoảng 15 triệu lao động Malaysia làm việc trong khu vực tư nhân sẽ được HRDF đào tạo nâng cao kỹ năng và bổ sung đa kỹ năng để đáp ứng được những yêu cầu mới trong môi trường làm việc kỹ thuật số; đồng thời HRDF đã phát triển một số chương trình đào tạo tầm cỡ quốc gia để chuẩn bị lực lượng lao động cho Malaysia, đặc biệt là để đáp ứng với sự xuất hiện của “nhà máy thông minh”. Các chương trình này dựa trên 21 Ủy ban Đào tạo ngành, để xây dựng chương trình liên quan đến các ngành cần thiết cho công nghiệp nhưng ít được các viện giáo dục quan tâm.

HRDF ký hợp tác với Trung tâm Phát triển Kỹ năng Penang và Knowledge.com thúc đẩy sáng kiến Trao Quyền Quốc gia về Chứng nhận và Đào tạo cho Thế hệ Công nhân mới.
Nguồn: smartinvestor.com.my

Để phát triển nhân tài về kỹ thuật số ở địa phương, HRDF đã tài trợ cho các chương trình ứng dụng CNTT và Dữ liệu lớn, từ nay cho đến năm 2020. Khoản tài trợ trị giá 203 triệu RM này sẽ được phân bổ cho ba chương trình mở rộng: Dữ liệu và Đào tạo dữ liệu chuyên nghiệp, Trao quyền cho phụ nữ thông qua CNTT và Khoa học dữ liệu lãnh đạo, cùng với đó là chương trình phát triển kỹ năng CNTT quan trọng. Cho đến nay, đã có 28 khóa học đã được phê duyệt.

HRDF cũng đang hợp tác với chính Trung tâm Công nghệ Xuất sắc của Knowledge.com để soạn thảo các chương trình chứng nhận công nghệ cao cấp để đáp ứng các tiêu chuẩn của ngành công nghiệp tương lai. Đồng thời, Quỹ cũng làm việc với Trung tâm Phát triển Kỹ năng Penang để thúc đẩy sáng kiến Trao Quyền Quốc gia về Chứng nhận và Đào tạo cho Thế hệ Công nhân mới, với năm trụ cột về CMCN 4.0 bao gồm: Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây, Internet vạn vật, An ninh mạng và Tích hợp dọc. Tính đến nay, đã có hai triệu công nhân đến từ các công ty đăng ký với HRDF được hưởng lợi này từ các chương trình chứng nhận dựa trên ngành như trên.

Hệ thống giáo dục 4.0

Chiến lược giáo dục để phát triển đội ngũ nhân tài tương lai cho Malaysia được xác định sẽ tập trung vào Giáo dục và Đào tạo nghề Kỹ thuật (TVET) và các ngành STEM. Bộ Giáo dục đại học của Malaysia cũng phát triển sáng kiến Giáo dục Đại học 4.0 để giải quyết các thách thức và nhu cầu quan trọng của CMCN 4.0, trong đó bao gồm điểm trung bình tích lũy tích hợp (iCGPA) bên cạnh hệ thống điểm trung bình tích lũy học thuật hiện có, Chương trình 2u2i và CEO@Faculty.

iCPGA đánh giá sinh viên qua tám lĩnh vực kết quả học tập bao gồm: kiến thức, trách nhiệm xã hội, giao tiếp, lãnh đạo và làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng kinh doanh cũng như các giá trị và đạo đức. Đây được coi là những yếu tố cần thiết để hình thành đội ngũ nhân lực ưu tú cho quốc gia.

Sáng kiến CEO@Faculty đưa các CEO hàng đầu Malaysia tới làm giáo sư kiêm nhiệm ở các trường đại học.Nguồn: smartinvestor.com.my

Chương trình 2u2i là viết tắt của hai năm trong trường đại học (university) và hai năm trong ngành công nghiệp (industry) với sự hợp tác giữa trường đại học và các công ty công nghiệp, đảm bảo cho sinh viên ra trường có đủ kiến thức và kinh nghiệm thực hành để đáp ứng nhu cầu công việc. Trong khi đó CEO@Faculty đưa các CEO hàng đầu Malaysia từ các công ty như Khazanah Nasional, Maybank, AirAsia, Shell, Samsung và Huawei tới làm giáo sư kiêm nhiệm ở các trường đại học, với suy nghĩ “không ai hiểu thị trường hơn những người chơi thực sự trên thị trường”. Tổng thư ký Bộ Giáo dục đại học của Malaysia, Tan Sri Dr Noorul Ainur Mohd Nur nói: “Trong năm 2017, 72 CEO đã tham gia chương trình, bao gồm 10% từ các lĩnh vực công nghệ và đổi mới. Hiện tại, 96.000 sinh viên và giảng viên đã được hưởng lợi từ chương trình này”

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục đại học Malaysia còn công nhận sáng kiến Công nghệ Trải nghiệm trước (APEL) để cung cấp cơ hội cho người dân theo đuổi việc học bằng cách sử dụng công việc và kinh nghiệm liên quan để nhập học ở các trường đại học ở quốc gia này. Điều này đã cho phép hơn 1000 công dân Malaysia theo đuổi giáo dục đại học, bao gồm tuyển sinh trực tiếp sau đại học, từ đó khuyến khích việc học tập suốt đời và mở rộng khả năng tiếp cận giáo dục cho người dân.