PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu,
Đại học Cần Thơ.
Đó là quan niệm của những nhà môi trường như ông?
Ở châu Âu, xe xả thải bị đánh thuế rất nặng. Cả Mỹ và châu Âu đang bắt tay nhau, tới năm 2030 xe hơi chạy nhiên liệu hoá thạch sẽ hoàn thành sứ mệnh, dành chỗ cho xe điện. Người Đức tích hợp nhiều nguồn, ban ngày nắng nhiều lo tích điện, ban đêm gió mạnh hơn tích điện từ gió, bù qua sớt lại, dư xài tới mức xài điện được nhận tiền. Năng lượng tái tạo sẽ rẻ hơn điện than, nếu chi phí – lợi ích ngang nhau, lời hơn điện than là bảo vệ được môi trường.
Ông nghĩ sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có nhẹ nhàng?
Tôi lắp pin năng lượng mặt trời tới nay đúng một năm. Hồi đó chưa có cơ chế nhà nước mua điện nên dư xài tôi cho mấy đứa học trò trong xóm sạc bình xe đạp điện. Tới đây, xài không hết, nhà nước mua. Chi phí lắp đặt ngày càng rẻ, hồi đó tốn 130 triệu đồng nay chỉ còn 90 triệu. Tới nay có cả chục công ty chịu đi tỉnh,
rõ ràng là họ nhìn thấy tiềm năng.
Tại Cần Thơ, một hãng xe chạy điện được phép tính cước phí 30.000đ/km, giá này hợp lý?
Cao thấp tuỳ theo các tour, vì hãng xe nhắm tới du khách. Nếu cước phí xe điện mắc hơn các phương tiện chạy xăng, dầu, thì thành phố vẫn có lợi cho môi trường và tăng tính giáo dục nhận thức. Nếu nhà đầu tư lỗ, Nhà nước nên bù đắp để giữ giá mềm hơn, thậm chí Nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp làm trạm đổ xe lắp pin năng lượng mặt trời, làm trạm sạc năng lượng... Chỉ cần chính sách sát thực tế thì sẽ thu hút thêm nhà đầu tư.
Nhưng quá trình sản xuất pin năng lượng mặt trời là tác nhân gây hại môi trường?
Sản xuất, dù ít hay nhiều đều ảnh hưởng tới môi trường, chắc chắn quy trình lấy 100% silic nguyên chất để làm pin năng lượng mặt trời phải dùng hoá chất gây hại môi trường. Đức vẫn là nhà sản xuất pin năng lượng hiệu quả, độ tinh khiết cao. Trung Quốc chưa theo kịp. Trung Quốc bắt đầu bỏ điện than. Một nhà máy điện than tuổi thọ 70 năm, chừng ấy năm gây hoạ; pin mặt trời, điện gió cũng có vấn đề, thí dụ làm điện gió gần bờ làm mất rừng ngập mặn, ảnh hưởng giao thông thuỷ, tàu bè, nuôi sò, nuôi ốc… Mình phải chọn lựa cái nào có lợi hơn, ít xấu nhất.
Người nghèo ở vùng sâu vùng xa An Giang vui niềm vui có điện năng lượng mặt trời.
Ảnh: Ngọc Bích
Chính sách chưa thoả đáng do cách ứng xử hay do nhận thức?
Ở Đồng Tháp, ba nông dân cùng nghiên cứu làm thuyền du lịch bằng năng lượng mặt trời, không ai hỗ trợ, vợ con cằn nhằn, thu nhập gia đình xuống, bị chê cười. Khi thành công, đem triển lãm, phải chi Nhà nước hỗ trợ hoặc tặng vài ba cục pin năng lượng mặt trời, để bù đắp cũng quá hay! Hiện nay, An Giang bắt đầu đón nhận làn sóng đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, Bạc Liêu đã có điện gió, Cà Mau và các tỉnh ven biển gặp gỡ nhiều nhà nhà đầu tư vào năng lượng gió, mặt trời. Tuy nhiên, khi chính sách chưa hoàn hảo thì họ sẽ xí phần để đó, cũng có khi phải để đó vì chưa được vay tiền từ ngân hàng. Cũng chưa hẳn do nhận thức, vì các vị có trách nhiệm đi các nước rất nhiều, họ thấy hết, biết hết. Nhưng cách ứng xử khiến cho người đời nghĩ vấn đề là đồng ra đồng vô như thế nào. Qua vụ Fomosa mới thấy dân mình thấm thía bài học quá lớn về môi trường, dân nhận thức môi trường là sống còn, chính sách phải thay đổi để thể hiện vì dân.
Ngân hàng sẽ là bộ lọc để người vay vốn đầu tư sẽ làm cho môi trường tốt hơn?
Ở nước ngoài người ta đã làm như vậy. Tại Đức, người gởi đã rút tiền ra khỏi tài khoản khi biết ngân hàng đã cho những dự án thiếu trách nhiệm vay, làm những công trình gây hại môi trường. Họ nói rằng không thể gởi tiền vào ngân hàng để rồi ngân hàng muốn lấy tiền làm gì thì làm, gởi tiền không chỉ để có lãi mà còn phải coi người ta lấy tiền của mình làm gì?
Hồi nào tới giờ không ai để ý, bây giờ họ đã nhận ra những kẻ gây hại sẵn sàng vay lãi suất cao để làm. Cách đây vài năm, họ phản ứng gay gắt khi biết một doanh nhân ở Việt Nam vay tiền một ngân hàng ở Đức để khai thác gỗ, huỷ hoại tài nguyên rừng ở Lào. Thông tin lan cả châu Âu, người gởi đã làm áp lực với ngân hàng và tẩy chay hàng hoá của doanh nghiệp này.
Theo ông, làm gì để tránh thảm hoạ “đất lành” cho mục tiêu phát thải?
Thế giới có cách đo chỉ số phát thải khi tính toán tăng trưởng và những vấn đề đặt ra, chúng ta không làm như vậy. Muốn Việt Nam không còn là đất lành cho những mục tiêu phát thải, phải nghĩ tới những đống rác và hậu quả 10 – 20 năm sau, nghĩ tới đời sau.Mô hình tăng trưởng đang bị hỏng ở cơ chế giám sát bảo vệ môi trường, không thể cứ đánh giá tác động ở giai đoạn chuẩn bị, thi công, hoàn công mà phải làm như các nước, ngay khi hết tuổi thọ nhà máy người khai thác phải có cách giải quyết đống rác do chính họ làm ra. Nếu ta bỏ quên khâu này thì đời sau con cháu mình phải dọn dẹp, nhưng dọn dẹp tới chừng nào?
Hàn Quốc từng là nhà đóng tàu trên thế giới, nhiều nước khác trên thế giới đâu phải không làm được việc cạo gỉ, làm sạch cho tàu biển. Nhưng họ không làm nữa vì việc đó để lại những độc hại, sẽ phải tốn rất nhiều tiền để xử lý rác, đẩy việc đó cho nước khác làm, rẻ hơn.
Hiện nay các nước tăng đầu tư, tài trợ nghiên cứu về năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Kỳ rồi nói chuyện với một số trường ở Thái Lan, họ nói 80% chương trình hỗ trợ cho sinh viên làm nghiên cứu năng lượng tái tạo, các doanh nghiệp tài trợ sẽ ưu tiên ứng dụng. Lẽ ra chúng ta phải làm như vậy để có lớp kế thừa bảo vệ môi trường, tránh thảm hoạ luôn đeo bám.