Điều thuận lợi là các cơ sở dữ liệu mới của Mỹ và EU đã cho phép chính xác hoá nguồn thông tin dữ liệu, các khu vực tập trung năng lượng tái tạo cao và công nghệ nối lưới điện thông minh đối với các nguồn điện đã được an toàn và giá thấp.
Giá cả thay đổi
Theo số liệu thống kê của hiệp hội Năng lượng tái tạo quốc tế (IRENA, 2017), tổng công suất điện gió toàn cầu tăng từ không đáng kể vào năm 1980, gần 60GW năm 2005, đến năm 2016 đã đạt tới gần 500GW, với tốc độ trung bình 20GW/năm. Giá cả trên đơn vị MWh thay đổi nhanh chóng trong lĩnh vực năng lượng, đang được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng đối với năng lượng sạch.
Tháng 2.2017, trong báo cáo đánh giá tài chính của công ty đầu tư Lazard của hãng Bloomberg (Mỹ), các nguồn năng lượng tái tạo bây giờ là nguồn điện rẻ nhất có sẵn. Giảm chi phí công nghệ điện từ năng lượng gió và năng lượng mặt trời hiện nay là hình thức rẻ nhất. Theo Lazard, chi phí điện gió giảm 66% kể từ 2009, từ 140 USD/MWh xuống 47 USD/ MWh. Trong khi giá thấp nhất của thế hệ đốt nhiên liệu (than, khí) hiện nay trung bình là 63 USD/MWh.
Đầu tư cho điện gió toàn cầu đạt hơn 100 tỷ USD/năm. Ảnh: TL
Cơ hội và hiện trạng
Tại Việt Nam, theo quyết định số 2068/QĐ-TTg ngày 25.11.2015 về việc phê duyệt Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 định hướng phát triển nguồn điện gió từ mức không đáng kể hiện nay lên 1% vào năm 2020, khoảng 2,7% vào năm 2030 và khoảng 5% vào năm 2050; định hướng phát triển nguồn năng lượng mặt trời từ mức không đáng kể hiện nay lên 0,5% vào năm 2020, khoảng 6% vào năm 2030 và khoảng 30% vào năm 2050.
Việt Nam được xem là nước gió giàu tiềm năng nhất, không chỉ trong khu vực Đông Nam Á mà còn trên thế giới. Các vùng ven bờ Nam Trung bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận, Vũng Tàu) với tốc độ gió đạt khoảng 10m/s, và mật độ năng lượng gió đạt ngang tầm các khu vực có mật độ cao nhất thế giới (với hơn 1.000W/m2), các khu vực có tốc độ gió trung bình rất phổ biển ở Việt Nam, chứng tỏ tiềm năng khai thác điện gió là rất tốt trên phần lớn lãnh thổ Việt Nam tại tầng 100m.
Tính đến hết 2017, tổng công suất nguồn điện gió nối lưới của Việt Nam là 197MW tại Quảng Trị, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu. Các trang trại gió đi vào hoạt động là Tuy Phong, Phú Quý (Bình Thuận), Bạc Liêu, Phú Lạc (Bình Thuận), Hướng Linh (Quảng Trị), Đầm Nại (Ninh Thuận), Trường Sa.
Lớn nhất là trang trại gió Bạc Liêu (giai đoạn 1 và 2) với công suất lắp đặt 99,2MW và gần 320 triệu kW/h/năm, mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho ngân sách trung ương và địa phương.
Trong các năm tới, 2018 Bạc Liêu 3 sẽ lắp đặt xong 142MW, Khai Long, Cà Mau là 100MW. Năm 2019, các trang trại Trung Nam – Ninh Thuận là 90MW, Sóc Trăng 99MW.
Năm 2020 là 117MW dự án Hanbaran – Ninh Thuận. Việt Nam còn có các trang trại gió đang triển khai ứng dụng từ nay đến giai đoạn 2025, tầm nhìn đến 2030 tại Việt Nam. Khu vực ven bờ đồng bằng sông Mekong, có gần 70 dự án từ tỉnh Tiền Giang đến Kiên Giang với công suất lắp đặt lên đến 7,6GW; khu vực biển cách bờ Bình Thuận 1,2GW và một số tiểu dự án công suất vài chục MW trên đất liền.
Như vậy, có thể thấy tổng công suất của các dự án hiện nay và dự kiến là khoảng 9GW, với hiệu suất trung bình 40%, thì công suất điện gió sẽ tương
đương nhà máy điện than 4GW.
Rào cản
Việt Nam cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Theo đó, có thể kể ra đây ba rào cản chính: 1) Khó tiếp cận nguồn gió và năng lượng mặt trời có chất lượng cao; 2) Dự báo nguồn năng lượng còn sai lệch về độ tin cậy; 3) Quan niệm sai về chi phí cao hoà lưới nguồn tái tạo.
Nguyên nhân chậm triển khai các dự án điện gió là do giá của điện gió quá thấp, nên không có hiệu quả về tài chính. Tuy nhiên, cũng cần nhận thấy việc tăng giá mua điện gió trong bối cảnh hiện nay là không hề dễ dàng, khi nó tạo thêm áp lực lên giá bán điện vốn đã là vấn đề bức xúc của đại đa số người dân. Các công ty điện gió của Việt Nam chưa hoàn toàn làm chủ công nghệ và thi công các trang trại điện gió, kỹ thuật và chính sách nối điện lưới, điện áp còn nhiều bất cập. Các số liệu thô về gió và quy hoạch điện gió chưa sẵn sàng, thiếu và yếu. Giá điện gió mới chỉ có theo dự án, riêng Bạc Liêu có giá cao nhất là 9,8 cent, còn lại là 7,8 cent. Điện gió trên biển rất tiềm năng, nhưng thiếu cơ chế, chính sách.