Tuy nhiên, nếu ứng dụng công nghệ trong việc canh tác sẽ giúp quản lý và canh tác hữu cơ dễ, khả thi hơn.
Ứng dụng công nghệ… tự nhiên
Lâu nay, người nuôi trồng thuỷ sản thường mất khá nhiều công sức làm sạch nguồn nước ao nuôi. Nông dân vẫn kiên trì với cách làm truyền thống: khử trùng ao nuôi bằng phương pháp phơi nắng để tạo ánh sáng quang hợp, giúp môi trường nước sạch bệnh. Gần đây, bằng các nghiên cứu, một số nhà khoa học đã tạo ra con vi khuẩn quang hợp, chuyển giao nó cho nhiều nông dân ở các tỉnh miền Tây sử dụng khử trùng cho ao nuôi.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, chủ tịch hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc công ty cổ phẩn Vinamit, bản thân con vi khuẩn quang hợp khi tiếp nhận 1 nit ánh sáng có thể phát ra 100.000 nit ánh sáng, giúp làm sạch môi trường nước. Từ chỗ con vi khuẩn này đã ứng dụng hiệu quả trong nuôi trồng, công ty Vinamit đã xây dựng trung tâm nuôi cấy con vi khuẩn này, để ứng dụng trong hệ thống trang trại trái cây hữu cơ khá thành công.
“Thông thường, trái cây mùa nắng ngọt hơn mùa mưa, vì có ánh nắng nhiều, khả năng quang hợp cao hơn. Sau khi nghiên cứu, Vinamit đã ứng dụng con vi khuẩn quang hợp trên toàn bộ diện tích trồng mít hữu cơ, cho ra múi mít ngọt quanh năm!”, ông Viên nói.
Theo chị Hoài Trang, quản lý chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica, chi phí chứng nhận chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá thành của rau hữu cơ.
Nông nghiệp hữu cơ chưa có công thức, giải pháp cho từng loại cây, mỗi người có thể đưa ra ứng dụng sao cho có hiệu quả nhất. Với diện tích 171ha cây ăn trái đạt chứng nhận hữu cơ, để một lượng lớn trái chín đồng đều theo tự nhiên đưa vào chế biến là rất khó, công ty Vinamit còn nghĩ ra cách sử dụng máy xông khí etylen bằng phương pháp đốt cồn. Nguyên lý chung, quả mít ngậm khí etylen một thời gian nhất định, sau đó cho nhả khí ra sẽ chín đều.
Gần đây, một số “đại gia nhà giàu” làm nông nghiệp hữu cơ còn ứng dụng nhà màng che nắng, che mưa. Hay nhiều người biết cách nghiên cứu phân hữu cơ thay thế hoàn toàn vô cơ; còn sử dụng công nghệ tưới tự động cũng không dễ chút nào. Ông Lê Văn Toàn, quản lý trang trại hữu cơ tại Long Thành (Đồng Nai) cho biết phải sử dụng thường xuyên 16 – 20 lao động để quản lý, canh tác gần 2ha rau củ nhiệt đới. Trong đó, thời gian làm cỏ cho vườn rau chiếm 50% thời gian trong ngày của công nhân. “Vì trồng hữu cơ không được dùng thuốc trừ cỏ nên công nhân phải làm bằng tay. Ngay cả việc tưới nước tự động cũng không phải áp dụng cho cả vườn được”, ông Toàn cho biết.
Không dễ có chứng nhận hữu cơ quốc tế
Theo bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), đến nay Việt Nam mới chỉ có 71 chứng nhận hữu cơ của USDA cho các trang trại canh tác nông nghiệp và nhà máy chế biến thực phẩm. Phần lớn trong số những chứng nhận trên thuộc về các vùng dừa và sản phẩm liên quan đến dừa, lúa gạo, khoai mì, trà, mía đường… Số lượng các trang trại trồng rau quả đạt chứng nhận hữu cơ của USDA chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc bỏ tiền ra lấy chứng nhận là quá tốn kém hoặc hình thức. Vì vậy, họ chọn con đường làm theo hướng hữu cơ và bán hàng thông qua kênh truyền miệng. Tuy nhiên, những người làm về chứng nhận hữu cơ và những công ty đã đầu tư để lấy chứng nhận hữu cơ, lại không nghĩ như vậy. Họ cho rằng đổ lỗi cho chứng nhận hữu cơ quá mắc, nên không bỏ tiền ra lấy, chỉ là cái cớ cho việc nhiều người thực sự không thể lấy được chứng nhận hữu cơ.
Vi sinh thể là một sự phối hợp giữa các sinh thể diễn ra tự nhiên có thể được ứng dụng như là các chất chủng, nhằm tăng sự đa dạng của hệ sinh thái đất. Chúng gồm chủ yếu là vi khuẩn quang học, vi khuẩn acid lactic, men, actinomycetes và nấm gây men. Trong ảnh là cà phê được bón phân hữu cơ sử dụng các vi sinh thể hiệu quả.
Một chuyên gia tư vấn nông nghiệp từng có thời gian làm cho một tổ chức chứng nhận quốc tế tại TP.HCM cho biết, đúng là chứng nhận ở Việt Nam nói riêng và các quốc gia châu Á nói chung khá đắt, vì thêm nhiều chi phí như đi lại, đánh giá cho các chuyên gia nước ngoài. Nhưng dựa vào đó để nói rằng nhà đầu tư không thể chi tiền cho lấy chứng nhận, hay lấy chứng nhận là lãng phí là không chính xác. Vị chuyên gia này phân tích, đa số các trang trại ở Việt Nam quy mô 1 – 5ha, thì chi phí chứng nhận mỗi năm khoảng 5.000 USD (trên dưới 100 triệu đồng). Đây là số tiền không quá lớn đối với nhà đầu tư vào nông nghiệp trên diện tích như vậy. Bởi chỉ tính riêng chi phí cải tạo đất, xây dựng nhà lưới, hệ thống tưới tiêu… đã cao gấp nhiều lần con số đó.
“Đổi lại, nếu có chứng nhận thì giá bán sẽ cao hơn rau thường tới 30 – 50%, thì dư sức bù lại chi phí bỏ ra. Chỉ cần tính toán đơn giản như vậy thôi, đã thấy đầu tư cho chứng nhận đem lại lợi ích lớn cho nhà đầu tư. Vì sao họ lại không làm mà chuyển qua đổ lỗi, nhiều khả năng là quy trình của họ dù có làm cũng không thể lấy được chứng nhận hữu cơ”, vị chuyên gia này cho biết.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, 1ha trồng rau hữu cơ có thể cho tối thiểu 100kg rau/ngày, tức là 36 tấn/năm. Chi phí chứng nhận hữu cơ cho trang trại mỗi năm là 100 triệu đồng, thì chứng nhận sẽ làm tăng chi phí khoảng 3.000 đồng/kg rau. Trong khi đó, giá rau hữu cơ thường đắt gấp 2 – 3 lần so với rau thường, nghĩa là người trồng rau hữu cơ có chứng nhận bán ra với giá cao hơn 10.000 – 30.000 đồng/kg, so với rau thường. Điều đó cho thấy, nhà đầu tư dù bỏ tiền khá lớn ra lấy chứng nhận, nhưng giá trị đem lại từ chứng nhận lớn hơn nhiều. Chưa kể với trang trại từ 2 – 5ha, thì chi phí chứng nhận cũng tương đương, thì giá chứng nhận cộng thêm vào giá thành còn rẻ hơn nhiều.
Theo chị Hoài Trang, quản lý chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organica, chi phí chứng nhận chỉ chiếm một phần nhỏ trong giá thành rau hữu cơ. Cái khó là đầu tư cải tạo đất, lập quy trình canh tác để đạt chứng nhận hữu cơ. Và làm thế nào để đảm bảo quy trình đó chặt chẽ và ổn định cả năm, để không có nguy cơ bị rút chứng nhận và mất uy tín với khách hàng.
“Tại Organica, chúng tôi phải đầu tư bốn hệ thống kiểm soát chất lượng cho mỗi trang trại của mình. Đầu tiên là hệ thống kiểm soát nội bộ do nhân viên phụ trách. Tiếp đến là hệ thống chứng nhận của Control Union đánh giá hàng năm. Rồi đến hệ thống truy xuất nguồn gốc của Traceverified. Và cuối cùng, chúng tôi phải thuê thêm một đơn vị tư vấn độc lập có trụ sở tại Hà Lan, để kiểm soát thêm một lần nữa”, chị Trang chia sẻ.
Vẫn lấy sức người thay công nghệ
Từ thực tế quản lý trang trại hơn bốn năm qua, ông Lê Văn Toàn cho biết, chi phí lớn nhất của làm trang trại hữu cơ là chi phí nhân công. Dù đã áp dụng những công nghệ như tưới tự động, máy cày… làm nông nghiệp hữu cơ vẫn chủ yếu dựa vào sức người.
Ông Toàn cho hay, do trong canh tác hữu cơ phải yêu cầu luân canh và xen canh, nên rất khó áp dụng công nghệ đại trà. Cùng một khu trồng trọt, phải chia thành nhiều luống rau khác nhau. Mỗi luống rau trồng một loại cây khác nhau. Cùng một loại cây trong vườn, nhưng mỗi luống lại có thời gian sinh trưởng khác nhau. Sau mỗi lứa thu hoạch phải cho đất nghỉ và chuyển qua một loại cây trồng khác để tránh sâu bệnh.
“Với một khu vườn đa dạng và phức tạp như thế, không thể áp dụng một hệ thống tưới tiêu cho tất cả như những trang trại thâm canh được. Vì vậy, công nhân vẫn phải đảm trách phần lớn công việc. Tại trang trại Long Thành, chúng tôi có 2ha, mà luôn có mặt 16 – 20 công nhân trong trang trại. Nếu trồng rau dùng hoá chất, chỉ cần 3 – 4 người là làm được”, ông Toàn cho biết. |