“Bộ KH&CN có quyết tâm rất cao, có thể nói là mẫu mực trong việc cải cách theo yêu cầu của Chính phủ. Nhiều nơi còn tình trạng độc quyền trong đánh giá sự phù hợp, kiểm nghiệm, nhưng bộ không vấp phải điều này mà xã hội hóa rất mạnh, có thể nói là ưu việt nhất”.
Ông Mai Tiến Dũng - Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ giao Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu - đánh giá như vậy tại buổi làm việc ngày 20/10.
Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ KH&CN báo cáo Tổ công tác,ông Bùi Thế Duy - Chánh văn phòng Bộ - cho biết phần lớn các sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ KH&CN đã được chuyển mạnh sang chế độ hậu kiểm, giảm 91% số hàng hóa, sản phẩm kiểm tra trước thông quan.
Giảm danh mục mặt hàng kiểm tra
Ông Duy cho biết, theo số liệu tổng hợp trong 9 tháng đầu năm 2017, có khoảng 33.800 lô hàng thuộc đối tượng kiểm tra tại giai đoạn thông quan. Trong đó 96% số lô hàng được áp dụng biện pháp hậu kiểm, chỉ có 4% số lô hàng áp dụng biện pháp tiền kiểm (đối với xăng dầu, khí dầu hóa lỏng), nhờ đó giảm được 114 sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chất lượng, đặc biệt là sản phẩm, hàng hóa không có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia để quản lý (trong đó có 26 sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).
Ông Duy cũng cho biết, trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN đã tích cực triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu như: Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đẩy mạnh sang hậu kiểm, chỉ đạo tăng cường việc thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp, đánh giá tại cơ sở sản xuất nước ngoài đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN.
Các giải pháp nêu trên đã thực sự mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp như: Giảm thời gian thông quan (trong thời gian 1 ngày, hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan), giảm chi phí lưu kho, bãi, giảm thời gian chờ đợi kết quả đánh giá sự phù hợp.
Không chỉ điều chỉnh danh mục trong lĩnh vực quản lý của Bộ KH&CN, mới đây, Bộ KH&CN đã chủ động cùng với 12 bộ, ngành rà soát danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và văn bản quy phạm pháp luật về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bộ KH&CN đã gửi văn bản đề nghị các bộ, ngành tổ chức việc rà soát sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và rà soát các văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với các quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật An toàn thực phẩm; chủ động tổ chức việc tham gia rà soát độc lập của cộng đồng doanh nghiệp (VCCI, các Hiệp hội, các chuyên gia nghiên cứu độc lập).
“Kết quả nổi bật của hội thảo là các bộ quản lý chuyên ngành đã nhất trí, thống nhất chung tay cùng phối hợp thực hiện để hoàn thành các nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao” – ông Duy nói và cho biết các bộ đã thống nhất tiếp tục rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2 đã ban hành, xem xét loại bỏ ra khỏi danh mục những hàng hóa không thực sự gây mất an toàn hoặc chưa xác định được cách thức quản lý hoặc chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN); xác định rõ loại hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng biện pháp quản lý tiền kiểm, loại hàng hóa nhập khẩu phải áp dụng biện pháp hậu kiểm để bảo đảm giảm 50% hàng hóa nhóm 2 phải kiểm tra chất lượng trước khi thông quan nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu…
Bộ KH&CN đi tiên phong
Đánh giá cao Bộ KH&CN trong việc dành rất nhiều công sức và thời gian, rà soát các cơ quan chức năng của
Bộ thực hiện, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, ông Mai Tiến Dũng khẳng định, tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là năm nay vẫn phải đảm bảo tăng trưởng GDP, trong đó chú trọng vấn đề thúc đẩy tăng trưởng, tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghệ cao, nông nghiệp.
Trong bối cảnh đó, “vấn đề về thủ tục hành chính là dư địa để chúng ta tăng trưởng, tháo gỡ cho doanh nghiệp, tạo ra sự phát triển” - Tổ trưởng Tổ công tác nhấn mạnh và đánh giá cao những nỗ lực của Bộ KH&CN trong tháo gỡ khó khăn cho hàng hóa xuất nhập khẩu và thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ KH&CN tiếp tục nỗ lực, đặc biệt trong việc cùng các bộ xây dựng các quy chuẩn quốc gia, bởi việc thiếu quy chuẩn sẽ tạo sự mập mờ, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tổ công tác sẽ tiếp thu các ý kiến và tổng hợp, báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ sắp tới, nhất là việc xử lý các vấn đề chồng chéo giữa các Bộ.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết sau buổi kiểm tra sẽ tiếp tục quán triệt các nội dung làm việc của Tổ công tác và ý kiến bộ ngành, hiệp hội, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
Bộ trưởng Chu Ngọc Anh mong muốn sau buổi làm việc, Tổ công tác sẽ tham mưu với Thủ tướng Chính phủ để đôn đốc các bộ, ngành tăng cường việc công nhận và thừa nhận sản phẩm từ các nước phát triển, các nhãn hiệu nổi tiếng; đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác đánh giá sự phù hợp. Đặc biệt, cần khẩn trương ban hành các quy chuẩn quốc gia, bởi hiện các bộ ngành mới ban hành được 2%.