Tại Vĩnh Phúc, Bộ Khoa học và Công nghệ đang cùng với 12 bộ, ngành đối thoại tại hội thảo “Rà soát hàng hàng hóa nhóm 2 và văn bản quy phạm pháp luật về thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu” để tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.
Chương trình hội thảo kéo dài trong 3 ngày (từ 11-13/10) với 6 phiên thảo luận lần lượt với các bộ: Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn hóa, - Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông, Xây dựng, Công an, Quốc phòng, Giáo dục và Đào tạo.
Các đại biểu tập trung làm rõ về những vấn đề xung quanh việc rà soát danh mục sản phẩm hàng hóa nhóm 2 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý của từng bộ, nêu các khó khăn, giải pháp. Theo lời ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng trong buổi khai mạc sáng 11/10, tinh thần là các bộ, ngành chung tay tìm giải pháp đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP và Nghị quyết số 75/NQ-CP.
Ông Linh cũng cho rằng, đây là dịp để các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành nghề cùng thảo luận, đề xuất giải pháp cụ thể nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu thông qua việc giảm tỷ lệ hàng hóa kiểm tra chuyên ngành trước thông quan từ 35% xuống 15% và sửa đổi bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo, bất cập, không phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật An toàn Thực phẩm… theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Cũng nói về nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bà Phạm Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN, Bộ Công Thương - cho biết, trong 3 năm từ 2015-2017, bộ này đã rà soát, sửa đổi nhiều quy định, loại bỏ nhóm hàng tiêu dùng ra khỏi danh mụcsản phẩm hàng hóanhóm 2. Cụ thể, bộ đã rà soát và ban hành Danh mụcsản phẩm hàng hóanhóm 2, loại bỏ 3 nhóm sản phẩm dệt may, phân bón, máy, thiết bị công nghiệp; bãi bỏ 5 thủ tục hành chính tại Thông tư 58 về quản lý chất lượng thép.
Bên cạnh đó, bà Thu Giang bày tỏ sự lo ngại, tuy nhà nước tạo điều kiện nhưng không phải lúc nào doanh nghiệp cũng tuân thủ nghiêm túc.
Chia sẻ lo lắng này, nhiều chuyên gia cho rằng cần từng bước tìm giải pháp và xây dựng cơ chế mềm trong quản lý để doanh nghiệp buộc phải làm đúng. Cụ thể, có những nhóm hàng hóa được loại khỏi danh mục kiểm tra nhưng nếu sau một thời gian, doanh nghiệp không chấp hành nghiêm túc (trong phạm vi ngắn), các cơ quan quản lý nhà nước có thể điều chỉnh.
Triển khai Nghị quyết 19, thời gian qua, Bộ KH&CN đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra chuyên ngành đối với các sản phẩm hàng hóa nhóm 2. Cụ thể, Bộ KH&CN ban hành Thông tư 02 với tinh thần làm rõ cách thức công bố hợp quy dựa trên biện pháp tiền kiểm, đặc biệt là biện pháp hậu kiểm để tạo khung pháp lý cho các cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp quản lý cụ thể cho từng nhóm SPHH do bộ, ngành phụ trách.
Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng đã ban hành Thông tư số 07/2017/TT-BKHCN về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ KH&CN hướng đến việc kiểm tra ít nhất có thể, đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm tra, chuyển mạnh sang hậu kiểm và giảm tối đa số lượng hàng hóa phải kiểm tra chất lượng tại khâu thông quan, bảo đảm đạt mục tiêu giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng tại giai đoạn thông quan từ 35% hiện nay xuống 15%.
Chỉ có duy nhất xăng dầu và khí dầu mỏ hóa lỏng phải áp dụng biện pháp tiền kiểm; tất cả sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 còn lại (thép, đồ chơi trẻ em, thiết bị điện-điện tử, mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy) đã được chuyển sang áp dụng biện pháp hậu kiểm.