Tìm hiểu về liên kết giữa một số trường đại học công nghệ và kĩ thuật với công nghiệp ở Việt Nam, hai tác giả của Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ ra những động lực thúc đẩy liên kết giữa hai bên cũng như những yếu tố đang cản trở mối liên kết quan trọng này.
Nghiên cứu của Lê Hiếu Học và Nguyễn Đức Trọng có tiêu đề University–Industry Linkages in Promoting Technology Transfer: A Study of Vietnamese Technical and Engineering Universities, được công bố trên tạp chí Science, Technology and Society [2017 JIF = 0.707; CiteScore = 1.03] thuộc nhà xuất bản SAGE.
Hai tác giả đã khảo sát 570 giảng viên, quản lý và lãnh đạo tại 5 trường đại học công nghệ và kĩ thuật, bao gồm: Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội (Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Công nghệ). Trong đó, Đại học Bách khoa Hà Nội với tổng số 13 trung tâm và viện nghiên cứu thể hiện xu hướng nghiên cứu hơn so với các trường còn lại.
Liên kết đào tạo mạnh hơn liên kết nghiên cứu
Nghiên cứu khảo sát các loại hình liên kết giữa trường đại học và công nghiệp trong 2 giai đoạn: 2005-2009 và 2010-2015.
Kết quả cho thấy, giai đoạn sau, hoạt động liên kết giữa các trường đại học và công nghiệp diễn ra thường xuyên, đáng kể hơn, tăng cả về thời gian, chi phí và nội dung liên kết so với giai đoạn trước.
Ở cả hai giai đoạn, các trường đại học đều triển khai tất cả các hình thức liên kết, trong đó được ghi nhận diễn ra thường xuyên hơn cả là các hoạt động liên kết về đào tạo như doanh nghiệp tạo cơ hội thực tập cho sinh viên, trao học bổng, tuyển dụng sinh viên sau khi tốt nghiệp, và tham gia phát triển chương trình đào tạo. Các hoạt động hợp tác nghiên cứu như tổ chức hội thảo giới thiệu công nghệ mới, thực hiện dự án nghiên cứu chung, trường đại học ký hợp đồng nghiên cứu với công nghiệp..., được ghi nhận diễn ra ở mức độ thấp hơn.
Nói về hoạt động hợp tác nghiên cứu chung giữa trường đại học với công nghiệp, hai tác giả cho biết, một công bố khác khảo sát ý kiến doanh nghiệp về hợp tác với các trường đại học cũng ghi nhận việc các doanh nghiệp có hợp đồng nghiên cứu với các trường đại học. Tuy nhiên, tần suất của hoạt động này chưa cao do chưa hình thành văn hóa hợp tác giữa hai bên, sự khác biệt về tính chất giữa hai bên cũng góp phần hạn chế hình thức liên kết tiềm năng này.
Đóng góp kinh phí của doanh nghiệp được ghi nhận rõ rệt
Nghiên cứu chỉ ra, trong số các nguồn kinh phí dành cho hoạt động nghiên cứu tại các trường, doanh nghiệp tư nhân được cho là có đóng góp đáng kể, chỉ đứng sau Chính phủ. Đóng góp này được ghi nhận bởi 61,6% số người tham gia khảo sát, trong khi đóng góp của doanh nghiệp nhà nước được ghi nhận bởi 46,7% số người tham gia khảo sát. Để so sánh, tỷ lệ ngân sách của Chính phủ cho hoạt động nghiên cứu của trường đại học được ghi nhận bởi 88,9% số người tham gia khảo sát.
Tuy nhiên, xét trên tổng số phương án trả lời câu hỏi kinh phí dành cho nghiên cứu đến từ nguồn nào trong số 6 nguồn (doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước/Chính phủ, tư nhân, tổ chức quốc tế, và các tổ chức phi chính phủ), 41,6% số phương án trả lời cho rằng đến từ doanh nghiệp (cả tư nhân và nhà nước), so với 34,2% số phương án trả lời cho rằng đến từ Nhà nước.
Đáng chú ý là đóng góp từ tư nhân cho hoạt động nghiên cứu ở trường đại học ít được nhận thấy nhất - chỉ 8,2% số người tham gia khảo sát xác nhận có nguồn kinh phí này.
Ưu đãi của Chính phủ chưa hấp dẫn
Nghiên cứu cho thấy những người tham gia khảo sát đều nhận thức đầy đủ và công nhận những lợi ích mà liên kết giữa trường đại học với công nghiệp mang lại. Những động lực thúc đẩy mối liên kết này được chú trọng hơn cả bao gồm:
- Tạo cho sinh viên cơ hội tiếp cận thực tế công việc thông qua thực tập và nghiên cứu tại doanh nghiệp;
- Giảng viên có cơ hội trau dồi kinh nghiệm thực tế;
- Nâng cao hình ảnh và danh tiếng của trường đối với Chính phủ và cộng đồng;
- Cung cấp cho trường đại học những thông tin thích hợp để phát triển chương trình đào tạo đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp;
- Nâng cao cơ sở vật chất và thiết bị cho hoạt động nghiên cứu của trường đại học từ đóng góp của công nghiệp…
Bên cạnh đó, liên kết trường đại học và công nghiệp còn được thúc đẩy bởi lợi ích mà các hoạt động đổi mới và chuyển giao công nghệ mang lại, bao gồm:
- Cung cấp cho trường đại học thêm thông tin về nhu cầu của thị trường, giúp giảm khoảng cách về thời gian giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng;
- Tăng thu nhập cho giảng viên, nhân viên trong trường đại học thông qua các hợp đồng nghiên cứu, dịch vụ tư vấn, thù lao bản quyền và bằng sáng chế;
- Hợp đồng nghiên cứu và giảng dạy tại doanh nghiệp hấp dẫn với các giảng viên đại học bởi thanh toán dễ dàng và tương xứng với công sức;
- Quỹ nghiên cứu được bổ sung với sự hỗ trợ tài chính từ công nghiệp;
- Các doanh nghiệp được hỗ trợ tiến hành đổi mới công nghệ để xây dựng lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Trong kết quả khảo sát về động lực liên kết, ít được ghi nhận nhất là nhận ưu đãi từ Chính phủ. Có thể thấy rằng, một mặt, cả trường đại học và công nghiệp không nhận thức nhiều về sự tồn tại của những chính sách ưu đãi của Chính phủ; mặt khác, những ưu đãi từ Chính phủ chưa thực sự phù hợp hoặc quy trình để nhận ưu đãi vẫn còn phức tạp.
Dù vai trò của Chính phủ chưa được tìm hiểu sâu trong nghiên cứu, song các tài liệu và dữ liệu sơ cấp trước đây đều cho thấy tầm quan trọng của Chính phủ trong việc thúc đẩy liên kết giữa trường đại học và công nghiệp. Do đó, các tác giả đề xuất khi xây dựng các chính sách về giáo dục, đổi mới khoa học-công nghệ, và phát triển, Chính phủ nên xem xét đến vai trò của các trường đại học và sự hợp tác giữa đại học với công nghiệp.
Rào cản đến từ sự khác biệt về mục tiêu nghiên cứu
Nghiên cứu khẳng định, trong bối cảnh của Việt Nam, liên kết trường đại học với công nghiệp là cần thiết và mang lại lợi ích cho tất cả các thành phần tham gia, do đó các cơ sở giáo dục đại học và công nghiệp đều sẵn sàng hợp tác với nhau. Tuy nhiên, đang tồn tại những rào cản khiến hoạt động liên kết giữa hai bên còn yếu.
Qua khảo sát, những yếu tố cản trở nhiều nhất được chỉ ra bao gồm: sự khác biệt về mục tiêu nghiên cứu; các trường đại học hạn chế về kinh nghiệm thực tiễn do chủ yếu tập trung vào đào tạo và nghiên cứu cơ bản; và các giảng viên thiếu thời gian nghiên cứu do phải đảm bảo số giờ lên lớp rất lớn, xuất phát từ tỉ lệ sinh viên/giảng viên quá cao ở hầu hết các trường hiện nay.
Nói về rào cản lớn nhất là sự khác biệt trong mục tiêu nghiên cứu giữa đại học và doanh nghiệp, các tác giả giải thích: Mục tiêu nghiên cứu của các giảng viên đại học có đặc thù là để thỏa mãn sở thích và hướng tới công bố trên các tạp chí quốc tế; trong khi mục tiêu nghiên cứu của doanh nghiệp là nhằm đổi mới công nghệ, cần nhanh và giữ bí mật. Thời gian tới, khi các trường đại học thực hiện tự chủ, còn doanh nghiệp ngày càng chịu nhiều sức ép cạnh tranh ngang bằng ở trong nước và quốc tế thì sự hợp tác sẽ tăng lên và sự khác biệt sẽ giảm bớt do tự thân hai bên cần nhau ở mức độ cao hơn so với trước.
Khảo sát cũng cho thấy, người trả lời từ các trường đại học khác nhau đưa ra quan điểm khác nhau về hạn chế trong liên kết đại học và công nghiệp. Ví dụ, các thành viên của trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng sự khác biệt về mục tiêu nghiên cứu, năng lực nghiên cứu của giảng viên chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, giảng viên chưa cảm thấy đủ tự tin khi làm nghiên cứu theo yêu cầu của doanh nghiệp là những nguyên nhân hàng đầu.
Trong khi đó, tại trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, người trả lời khảo sát đánh giá các yếu tố rào cản lớn nhất bao gồm: các quy tắc và quy định của trường cản trở sự hợp tác với công nghiệp; cấu trúc tổ chức của trường không hỗ trợ thúc đẩy liên kết với công nghiệp; khối lượng công việc giảng dạy và hành chính của giảng viên chiếm quá nhiều thời gian; doanh nghiệp chưa quan tâm hợp tác với trường đại học; giảng viên chưa nhận thức được lợi ích của việc liên kết với công nghiệp; và vị trí địa lý của trường đại học cách quá xa các cơ sở công nghiệp.
Các tác giả của nghiên cứu cho biết thêm, về vị trí địa lý, các trường đại học ở Việt Nam đa phần nằm ở trung tâm thành phố, trong khi các khu công nghiệp, nhà máy nằm ở ngoại thành, xa trung tâm, dẫn đến việc trao đổi, làm việc giữa giảng viên/sinh viên với doanh nghiệp khó diễn ra thường xuyên. Đồng thời do phương tiện giao thông công cộng ở Việt Nam chưa thuận lợi, việc đi lại tốn quá nhiều thời gian. Nếu trường đại học nằm gần hoặc ở trong khu công nghiệp như mô hình Silicon Valley hoặc Shinchu Park của Đài Loan thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc hợp tác nghiên cứu, thực hành, chia sẻ trang thiết bị nghiên cứu giữa hai bên.