Ở Phú Yên, tôi gặp đầu bếp Nguyễn Văn Bông - người từng vô địch khu vực duyên hải miền Trung cuộc thi đầu bếp chuyên nghiệp Chiếc Thìa Vàng. Lúc đó, anh là bếp trưởng của một khách sạn 5 sao, quay qua quay lại, quyết định ra khởi nghiệp với một quán ăn nhỏ và một giấc mơ rất lớn: đưa thảo dược của Phú Yên đi khắp mọi nơi.
Sâm Phú Yên
Bông đưa tôi coi củ sâm Bố Chính (hay Bối Chính) - một loại sâm bình dân mà trong sách xưa Hải Thượng Lãn Ông đã từng nhắc là rất cần cho người dân lao động nghèo. Bông nói mong muốn mang sâm Bố Chính đi khắp thế giới, để giới thiệu một sản vật bản địa mà ít người biết tới… Ngồi kế bên, là chỉ Đặng Thị Thủy - giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ tỉnh Phú Yên (PYCAT). Chị Thủy góp thêm các suy nghĩ của mình dưới khía cạnh của một nhà quản lý khoa học: Đúng, đây là một sản vật quý của Phú Yên còn chưa được khai thác.
Hôm sau, chúng tôi gặp nhau tại hội thảo “Phú Yên – Đổi mới Sáng tạo: thách thức và cơ hội trong xu hướng hội nhập”. Điều rất ngạc nhiên, là thành phần tham dự có cả giám đốc ngân hàng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, hiệu trưởng các trường đại học và đông đảo các bạn khởi nghiệp. Điều này rất khác với thông điệp mà chúng tôi nhận được về tình hình khởi nghiệp Phú Yên: còn vô cùng sơ khai và chẳng có mấy công ty khởi nghiệp đâu.
Chúng tôi chia sẻ câu chuyện về một khát vọng Phú Yên có thể là thành phố khởi nghiệp với tài nguyên bản địa là các loại thảo dược hoặc các loại hải sản “hạng nhất thế giới” của mình. Chúng tôi kể cho nhau nghe câu chuyện từ một vườn dược liệu nhỏ ở Mỹ trở thành doanh nghiệp nhiều triệu đô, nhờ biết đi hết toàn bộ chuỗi giá trị từ cây dược liệu hữu cơ đến sản phẩm thực phẩm chức năng chăm sóc sức khỏe cho người dân toàn thế giới. Chúng tôi lại nói chuyện một doanh nghiệp khởi nghiệp ở châu Âu đang xây dựng hệ thống phân phối toàn thế giới cho sản phẩm cá ngừ, cũng vừa gọi vốn được 5 triệu USD. Câu hỏi đặt ra, vì sao xứ người ta không có nhiều cá ngừ tốt và ngon như Phú Yên, mà khởi nghiệp với cá ngừ lại thành công đến vậy?
Đến thảo dược Phú Yên
Chị Thủy – nhà nghiên cứu về công nghệ sinh học - chia sẻ câu chuyện của trung tâm mình: Các nhân viên của chị tìm thấy một lợi thế cạnh tranh bất bình đẳng để khởi nghiệp là vốn liếng công nghệ và hiểu biết về thị trường sau một thời gian dài làm việc ở trung tâm. Các bạn xin tách ra để hình thành những doanh nghiệp khởi nghiệp dựa trên nền tảng này. Từ vùng dược liệu của Phú Yên, các bạn tìm cách thương mại hóa tại thành phố Hồ Chí Minh, và Hà Nội. Nghe nói cây ba kích tím có thể trồng được, thì lập tức khăn gói lên đường, tìm cho đến tận ngọn nguồn của câu chuyện, cần mẫn đem về nuôi cấy mô cây giống…
Từ chuyện một doanh nghiệp khởi nghiệp ở châu Âu đang xây dựng hệ thống phân phối toàn thế giới cho sản phẩm cá ngừ, cũng vừa gọi vốn được 5 triệu USD. Chị Đặng Thị Thủy - giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ tỉnh Phú Yên (PYCAT) chia sẻ với chúng tôi về một khát vọng Phú Yên có thể là thành phố khởi nghiệp với tài nguyên bản địa là các loại thảo dược hoặc các loại hải sản “hạng nhất thế giới” của mình.
Chúng tôi ngồi và nói rất nhiều về giấc mơ lớn, về câu chuyện kết hợp với nhau, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu để có thể tạo thêm giá trị gia tăng cho vùng đất dược liệu này, để cây thuốc không chỉ bằm nhỏ ra, phơi khô làm trà như hiện nay. Chẳng ai có thể làm được hết mọi việc, cần kết nối vào hệ sinh thái khởi nghiệp trong lĩnh vực hóa dược toàn cầu.
Gặp thứ trưởng Trần Văn Tùng đang công tác tại Phú Yên. Ông ghé đến chơi ở trung tâm ứng dụng, ra vườn và mê cái cây sung đang được nhân giống để làm ra “siêu trái cây” – một loại giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khoẻ. Ông Tùng bảo: “Điều tôi quan tâm nhất, là sau những hỗ trợ ban đầu của nhà nước, đội ngũ những nhà khoa học trẻ ở Phú Yên đang chứng minh được hiệu quả của mô hình tự chủ của đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ”. Đó, chính là một mảnh ghép khác của bức tranh khởi nghiệp Phú Yên.
Trên đường ra về, nhận được tin nhắn của một nhà đầu tư bất động sản lớn. Chị bảo, muốn xây dựng một co-working space cho Phú Yên. Tôi cười, vẫn còn hơi sớm. Chúng ta vẫn cần kiên nhẫn chờ đợi một câu chuyện dài hơn. Lại nhận được tin nhắn của Trâm, giảng viên trường đại học ra mở doanh nghiệp khởi nghiệp với các sản phẩm làm từ tre Phú Yên. Trâm khoe xuất được đơn hàng đầu tiên là 500 chiếc cốc bằng tre, với người ta thì không lớn nhưng với cô gái trẻ này đó là một trong những cột mốc quan trọng cuộc quá trình sử dụng cây tre và tay nghề của những người phụ nữ quê cô tạo thành sản phẩm có giá trị thương mại và thân thiện với môi trường.
Về đến nhà, đã nhận được mớ củ sâm Bố Chính do đầu bếp Nguyễn Văn bông gửi vào cộng với bộ tài liệu nghiên cứu khoa học về cây sâm này của chị Thủy qua email. Tôi ngồi và nghĩ, có khi phải chuyển ngay cả hai thứ này sang Singapore để được cấp bằng sáng chế quốc tế. Có khi phải chia ra, để gửi sang Hàn Quốc, nhờ phòng thí nghiệm của trung tâm công nghệ sinh học lớn nhất xứ sâm kiểm định thêm các thành phần dưỡng chất và cách thức phối trộn để tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.
Nhắm mắt lại và mơ, một ngày trở thành trung tâm khởi nghiệp từ nền tảng dược liệu bản địa có thể kinh doanh khắp thế giới…