Lĩnh vực công nghệ giáo dục (EdTech) đang nở rộ đã bắt đầu chiếm lĩnh giáo dục đại học với các công cụ học tập sáng tạo, giúp gia tăng trải nghiệm của người học bên trong lớp học và hơn thế.
Các mô hình giảng dạy hiện có đang bị đột phá tới độ ‘thầy giáo’ trở thành ‘người tạo điều kiện’ học tập, còn vai trò người đào tạo kỹ năng và người cung cấp nội dung của họ đã bị giảm sút.
Các trường đại học đang nắm bắt những cơ hội này để đổi mới và cố gắng bắt kịp các tiềm năng học trực tuyến vốn tăng trưởng nhanh chóng. Nhưng đồng thời, giới giảng viên dường như vẫn còn muốn níu giữ những kinh nghiệm truyền đạt theo lối truyền thống nhiều nhất có thể.
Chúng tôi muốn nêu ra một quan điểm thay thế, phụ thuộc vào cách chúng ta tiếp nhận công nghệ giáo dục, để đáp ứng các nhu cầu mới của sinh viên ngày nay - thế hệ sinh ra trong thời đại kỹ thuật số.
Theo quan điểm của chúng tôi, không có gì đột phá lĩnh vực giáo dục đại học một cách sâu sắc hơn là sự thay đổi thái độ và lối sống của sinh viên. Là những người học trên nền tảng số hóa, dường như họ không còn thích hợp với hệ thống giáo dục được thiết kế trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Các trường đại học cần chấp nhận một sự thật nghiệt ngã rằng khách hàng của họ đòi hỏi những mô hình học tập mới vượt ra khỏi việc sử dụng những công nghệ mới nhất như những phương tiện thay thế để chuyên chở cùng loại trải nghiệm học tập như trước đây.
Không chỉ công nghệ, người học cũng đột phá
Bởi vậy, sự đột phá những đặc điểm chính ở người học là điều chúng ta cần quan tâm hơn cả.
Chúng ta có thể thật sự tạo động lực và lôi kéo họ không khi chúng ta vẫn sử dụng phương pháp sư phạm cũ kỹ và cách học tập ‘đọc, nghe, và nhớ’ đã lỗi thời?
Câu trả lời rõ ràng là ‘không’, và điều này được chứng minh bằng tỷ lệ đến lớp đã bị giảm ở nhiều nơi. Sinh viên đang tìm kiếm các trải nghiệm học tập ở những nơi mà phương pháp sư phạm và thiết kế học tập tương thích với thế giới họ sống, và trong bối cảnh này, công nghệ mang lại những phương tiện để đạt được điều đó.
Đối với các trường đại học, để tương thích, họ cần tìm hiểu sinh viên của mình kỹ hơn. Những người học trong thời đại số cần được hiểu như những người đồng kiến tạo, trong thế giới thực và cả trong không gian học tập trực tuyến.
Họ đòi hỏi, trên hết, là những người cố vấn học tập (không phải thầy giáo) – những người dẫn dắt việc kiến tạo nên hiểu biết chung về các hiện tượng trong sự hợp tác với bạn học và những người khác.
Trong bối cảnh này, kiến thức không còn là đại diện của sự thật khách quan nữa. Nó, đúng hơn, là kết quả của một quá trình làm ra tri thức xã hội, chủ yếu do bản thân người học tự thiết kế.
Các hoạt động cấp bằng truyền thống dựa nhiều vào sự tiêu chuẩn hóa và, trong một số trường hợp cực đoan, được quản trị như một dây chuyền sản xuất công nghiệp từ đầu vào đến khi tốt nghiệp. Khi nhìn nhận việc học bằng nhãn quan đồng kiến tạo, sự đa dạng của sinh viên và hoàn cảnh của họ trở thành các nguyên liệu cốt lõi cho trải nghiệm học tập bởi chúng làm phong phú thêm sự hợp tác và sản sinh tri thức xã hội.
Công nghệ sẽ đóng vai trò then chốt trong việc tăng cường yếu tố khám phá của việc học chung. Nó làm sâu sắc thêm sự tương tác với người hướng dẫn, bạn học và nội dung bằng cách tạo ra khả năng giao tiếp đồng bộ cũng như bất đồng bộ.
Hiệu quả là, sinh viên tích hợp bản thân họ vào tiểu hệ sinh thái học tập vốn không bị ảnh hưởng khi họ tiếp tục tiến xa trong hành trình học tập của mình. Sự tiến bộ về trí tuệ bởi vậy sẽ phát triển thành một khái niệm rộng hơn khi đánh giá chất lượng để cấp bằng xét từ góc độ này.
Khi sinh viên tương tác trong các cộng đồng học tập để sản sinh ra tri thức chung, ranh giới giữa các cơ sở giáo dục và cộng đồng học tập trở nên mờ nhạt. Điều này cũng mời gọi sự xuất hiện của những mô hình tổ chức mới như École 42, một ngôi trường học tập đồng đẳng không lớp học và ban giảng huấn chính quy.
Thế hệ Z học theo cách khác
Thế hệ Z* ngày nay đặc biệt quan tâm đến công nghệ và phụ thuộc vào truyền thông xã hội. Kết quả là, họ xử lí thông tin theo cách khác so với các thế hệ trước. Họ sử dụng nhiều nền tảng, thường là song song, để giải quyết các nhiệm vụ học tập và để nắm bắt thông tin từ bạn học và giảng viên. Thói quen đa nhiệm có lẽ cũng giải thích khoảng thời gian dành cho từng mối quan tâm bị thu hẹp lại.
Lối sống gấp gáp của một công dân thế hệ Z điển hình được tiếp nhiên liệu bởi khát vọng kinh doanh để được sống tự chủ ngay từ những giai đoạn rất sớm của tuổi trưởng thành. Bởi vậy, ngày càng nhiều người theo đuổi nghề nghiệp chuyên môn song song với việc học hành hàn lâm. Các trường đại học đang cố gắng bắt kịp xu thế này bằng cách đưa ra những chương trình học trực tuyến linh hoạt hơn, khít khao với mục tiêu về nghề nghiệp của người học.
Sinh viên thế hệ Z cũng mong muốn kiểm soát tốt hơn bản thân quá trình học tập và kỳ vọng nhiều hơn so với tiếp cận lấy người học làm trung tâm vốn đang phổ biến hiện nay.
Thế giới là phòng học của tương lai
Trong khi các trường đại học trước kia đóng vai trò người thúc đẩy cộng đồng, giờ đây họ cần tạo điều kiện và xác lập những lối đi cho việc tích hợp các cộng đồng học tập vào đời sống trong bối cảnh toàn cầu. Công nghệ giáo dục sẽ đóng vai trò như chất xúc tác để điều này diễn ra hiệu quả. Nó sẽ tạo ra các công cụ số được cá nhân hóa phù hợp cho các công dân thời đại kỹ thuật số.
Hoạt động đảm bảo chất lượng truyền thống thực chất là việc kiểm soát toàn bộ quá trình học tập. Trong thế giới của thế hệ Z, các cơ chế quan liêu của hoạt động quản lý chất lượng thực tế có thể làm ức chế sự cải thiện chất lượng.
Dỡ bỏ chúng một cách có chọn lọc và trao lại sự kiểm soát quá trình học tập cho sinh viên, theo quan điểm của chúng tôi, là một bước tiến đúng đắn. Để lỡ cơ hội này hoặc chuyển biến quá chậm có thể mang lại những hậu quả nặng nề, đầu tiên và trước hết, là dưới dạng suy giảm lượng sinh viên nhập học và tỉ lệ duy trì sinh viên ở các năm sau.
Chú thích:
* Thế hệ Z: Dùng để chỉ những người sinh ra trong khoảng từ giữa những năm 1990 đến giữa những năm 2000, sử dụng internet từ khi còn nhỏ và cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với công nghệ và truyền thông xã hội.
École 42 - ngôi trường không thầy, không lớp và mở cửa 24/7
École 42 là trường tư phi lợi nhuận đào tạo lập trình máy tính do tỷ phú ngành viễn thông Xavier Niel sáng lập và cung cấp tài chính, xuất phát từ chỗ cho rằng hệ thống giáo dục ở Pháp hiện nay hoạt động không hiệu quả, không đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, và không khuyến khích những tài năng đa dạng, khác biệt.
Trường khai trương cơ sở đầu tiên ở Paris vào năm 2013 và cơ sở thứ 2 ở Fremont, California, vào năm 2016. Tại đây, sinh viên không chỉ được học miễn phí mà trong trường hợp cần thiết, còn được cấp chỗ ở miễn phí.
Bất cứ ai từ 18 tuổi trở lên đều có thể đăng ký vào trường mà không bị đòi phải trưng ra bằng cấp gì trước đó. Quá trình tuyển chọn bắt đầu bằng một số bài kiểm tra về trí nhớ và tư duy logic để đánh giá năng lực cá nhân. Ở vòng tuyển chọn thứ 2, gọi là vòng “Bể bơi”, các ứng viên tham gia một khóa đào tạo kiểu thực chiến (bootcamp) kéo dài 4 tuần. Vượt qua vòng này, họ có thể chính thức bắt đầu việc học các nghề khác nhau trong lĩnh vực IT kéo dài ít nhất 3 năm tại trường.
Trường không có giảng viên, cũng không cấp bằng hay chứng chỉ, và mở cửa 24/7. Sinh viên học lẫn nhau (peer-to-peer learning) và thông qua dự án (projec based learning). Sinh viên không bị giới hạn thời gian phải hoàn thành dự án. Sau khi hoàn thành một dự án, sinh viên sẽ được nâng cấp bậc và tất cả tài sản trí tuệ đều thuộc về sinh viên.
Mô hình École 42 đã được nhân ra ở Pháp, Romania, Nam Phi, Ukraine, Bulgaria, Moldova, Bỉ, Nga, Morocco, Hà Lan và Phần Lan với sự hỗ trợ của trường. |