“Tôi muốn lấy keo hạt nhưng họ lại cho giống keo hom. Khi lên nhận cây, tôi có hỏi lý do, nhưng chị cán bộ xã bảo ‘sao hỏi nhiều thế, được cây gì thì trồng cây đó’”, Chị Nguyễn Thị Luyện kể lại quá trình cấp giống cây keo cho các hộ nghèo thôn Làng Thượng, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn.
Kết quả là người dân nhận giống về nhưng không trồng được, nhà chị Luyện trồng 1250 cây, chết hơn 700 cây.
GS.TS Phạm Quang Minh trình bày mô hình quản trị mới. Ảnh: Trần Minh.
“Tôi là trưởng thôn cũng chỉ nhận được thông tin qua các cuộc điện thoại ‘anh báo dân là đợt này chỉ nhận được các loại cây này thôi’”, anh Lộc Xuân Thủy, trưởng thôn Làng Thượng, xã Quan Sơn, nói, “người dân bức xúc vì không được biết, không được bàn”.
Những câu chuyện như vậy là hệ quả của những chính sách hỗ trợ theo kiểu áp đặt từ trên xuống. Tại Hội thảo "Quản lý phát triển xã hội ở Việt Nam" do Hội đồng Lý luận Trung ương và trường ĐH KHXH&NV Hà Nội tổ chức ngày 28/6, GS.TS. Phạm Quang Minh phân tích, căn nguyên của vấn đề này là “Nhà nước ôm, làm thay, kiểm soát, can thiệp quá sâu vào các vấn đề phát triển xã hội, không tạo điều kiện phối hợp với các chủ thể xã hội khác như cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp. Đây là hạn chế lớn nhất mà chúng tôi rút ra”.
Trong khi đó, nếu cứ “ôm” thì có nguồn vốn gấp 10 lần hiện nay, nhà nước cũng khó có thể hỗ trợ từ trên xuống mãi được. Do vậy, từ kết quả khảo sát tại 7 tỉnh, nhóm nghiên cứu của GS Phạm Quang Minh đề xuất, cần chuyển từ cơ chế quản lý phát triển xã hội sang cơ chế quản trị xã hội nhằm giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Cụ thể, cần phải dần từ bỏ tư duy nhà nước là chủ thể chính, đóng vai trò chính và gần như dẫn dắt, áp đặt, làm thay. Thay vì thực hành theo lối mòn quyết định từ trên xuống với một quy trình cứng và khiến hệ thống bên dưới thực thi một cách thụ động thì quản trị chính là quá trình kết hợp nhiều chủ thể khác nhau và hàm ý một hình thức quản lý mang tính mạng lưới. Quản trị thường được đề cập trong những bối cảnh mà ở đó Nhà nước có thể không giữ vị trí đặc biệt/chi phối. Với quan điểm xuất phát như thế, quản trị nhấn mạnh đến việc chuyển đổi/giảm bớt quyền lực mang tính thể chế truyền thống của chính phủ theo hai hướng: chuyển lên cho các thể chế/chủ thể xuyên quốc gia và thể chế/chủ thể vùng. Nhìn một cách tổng thể, quản trị xã hội là quá trình chính phủ, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cộng đồng và các cá nhân là những đối tác hợp tác bình đẳng để điều chỉnh và quản lý các vấn đề xã hội (social affairs). Tuy nhiên theo GS Phạm Quang Minh, không dễ dàng chuyển đổi ngay tư duy và hình thức quản lý cứng nhắc đã tồn tại trong hàng chục năm sang mô hình quản trị. “Đối với một tình trạng như hiện nay của VN, không thể nào có thể cải cách một hệ thống một cách sâu sắc và toàn diện được. Vì vậy, chúng tôi đề nghị, để đảm bảo sự phát triển bền vững với hệ thống chính trị cũng như với phát triển xã hội, thì đổi mới nên tập trung vào 3 điểm thôi”, ông nói. Cụ thể là nâng cao trách nhiệm giải trình của thể chế (accountability), nâng cao tính minh bạch (transparency) và dự báo được hay là đảm bảo tính nhất quán trong việc áp dụng chính sách, luật pháp (predictability).
Trước các giải pháp khuyến nghị trên, PGS.TS. Phạm Văn Linh, Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, cho biết: “Chúng tôi cố gắng tiếp thu tối đa, chắt lọc các hiến kế có giá trị để bổ sung thêm. Chúng tôi nghĩ rằng đây là một kênh quan trọng giúp cho tất cả chúng ta có những nhận thức thú vị về vấn đề quan trọng này”. Tuy nhiên, trong khi ghi nhận hướng đi của các nước trên thế giới là giảm bớt vai trò nhà nước, PGS. Phạm Văn Linh cũng nói lại: “Mỗi một quốc gia từng giai đoạn, từng trình độ phát triển rất khác nhau. Có những thời điểm, vai trò nhà nước phải mạnh lên, chúng ta không thể lấy một mô hình nào để rập khuôn máy móc cả”. □
Theo Tiasang