Trong bối cảnh một nền khoa học vẫn còn ở giai đoạn hội nhập với quốc tế, nguồn lực đầu tư chưa thực sự dồi dào và còn gặp phải nhiều rào cản chính sách, các nhóm nghiên cứu Việt Nam dù được công nhận là nhóm nghiên cứu mạnh cấp trường/viện, cấp quốc gia hay không vẫn nỗ lực tìm những cơ hội tồn tại và phát triển.
Nhân ngày KH&CN Việt Nam (18/5), họ chia sẻ với báo KH&PT suy nghĩ của mình về công việc cũng như kinh nghiệm vượt qua khó khăn.
PGS. TS Phạm Ngọc Điệp (trưởng nhóm vật lý thiên văn, Trung tâm Vũ trụ Việt Nam)
Được chính thức thành lập ngày 16/5/2001 tại Viện KH&KT hạt nhân (Viện NLNTVN), Phòng Vật lý thiên văn và Vũ trụ (Trung tâm Vũ trụ Việt Nam) trước đây là Phòng thí nghiệm Đào tạo Vật lý thiên văn Việt Nam và thường được gọi một cách thân thiện là Phòng thí nghiệm VATLY. GS. Pierre Darriulat, một nhà vật lý nguyên Giám đốc nghiên cứu Trung tâm Hạt nhân châu Âu (CERN) là người sáng lập và đào tạo các nhà nghiên cứu trẻ. Trong 20 năm qua, Phòng không chỉ đào tạo được 8 tiến sĩ, 2 nghiên cứu sinh, 11 thạc sĩ, 13 cử nhân và nhiều lượt thực tập sinh trong nước, nước ngoài mà còn có trên 40 công trình nghiên cứu đăng trên tạp chí quốc tế, chủ yếu thực hiện tại Hà Nội, đồng tác giả của hơn 50 công trình trên tạp chí quốc tế khác... Hiện phòng có 8 thành viên, trong đó có 6 tiến sĩ và 2 nghiên cứu sinh.
Năm 2020, Phòng được Quỹ NAFOSTED đánh giá và cấp kinh phí cho nhóm nghiên cứu mạnh. Đạt được một số kết quả như vậy trong điều kiện nghiên cứu còn nhiều khó khăn trong nước là nhờ vào sự tâm huyết xây dựng và phát triển nhóm nghiên cứu cơ bản của GS. Pierre Darriulat, sự nỗ lực của các thành viên trẻ của Phòng, sự ủng hộ thường xuyên một cách công bằng của NAFOSTED. Bên cạnh đó, hợp tác với các đối tác nước ngoài là một yếu tố quan trọng giúp Phòng luôn giữ được phương hướng và có thể thực hiện được các nghiên cứu tuyến đầu của vật lý thiên văn. Sự quan tâm, ủng hộ của bạn bè, đồng nghiệp trong nước và quốc tế khích lệ chúng tôi vững bước thúc đẩy và phát triển nghiên cứu, giáo dục, đào tạo thiên văn học trong nước.
Hướng nghiên cứu của nhóm chúng tôi về vật lý thiên văn là một lĩnh vực nghiên cứu cơ bản. Nhu cầu cho hoạt động nghiên cứu cơ bản chủ yếu giới hạn trong một số việc như trả lương cho các nhà nghiên cứu, tham gia lớp học, hội nghị, hội thảo, thực hiện những chuyến công tác trao đổi nghiên cứu ngắn ngày ở một số phòng thí nghiệm đối tác. Cho hoạt động nghiên cứu, tham gia hội thảo trong nước, chúng tôi may mắn được sự hỗ trợ một cách thường xuyên của Quỹ NAFOSTED, một số đề tài của Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Tham dự lớp học, hội nghị quốc tế, và nhiều chuyến công tác nước ngoài chủ yếu chúng tôi thường được đối tác, tổ chức nước ngoài và đôi lúc là cá nhân tài trợ. Ngoài ra, nhiều bạn trẻ của Phòng cũng được nhận những xuất học bổng hỗ trợ kinh phí như Học bổng RVN-Vallet. Tuy nhiên, vật lý thiên văn là một lĩnh vực nghiên cứu chưa phổ biến ở Việt Nam vì vậy lĩnh vực này chưa nằm trong các hướng nghiên cứu ưu tiên hay trong các chương trình nghiên cứu trọng điểm quốc gia, chương trình phát triển vật lý,... vì vậy sự đa dạng hóa các nguồn tài chính cho nhóm còn gặp nhiều khó khăn, hy vọng trong thời gian tới chính sách cho nghiên cứu cơ bản nói chung và vật lý thiên văn nói riêng sẽ có đổi mới, thuận lợi hơn cho ngành phát triển.
Nhóm nghiên cứu hóa học chuyển hóa và tích trữ năng lượng.
PGS. TS Trần Đình Phong (trưởng nhóm nghiên cứu hóa học trong chuyển hóa và tích trữ năng lượng, Đại học KH&CN Hà Nội)
Từ khi bắt đầu xây dựng nhóm nghiên cứu, các nghiên cứu của nhóm xoay quanh và hướng tới xây dựng một linh kiện quang điện hóa (hay còn gọi là Lá nhân tạo) có khả năng phân li nước tạo nhiên liệu H2 (và O2) chỉ với năng lượng ánh sáng Mặt trời. Đây là một hướng nghiên cứu đang rất sôi động hiện nay. Có khá nhiều tiến bộ đã được thực hiện nhưng thách thức còn rất nhiều, đặc biệt là khi vấn đề chế tạo linh kiện hoàn chỉnh được đặt ra. Lựa chọn hiện nay của nhóm là không phát triển quá nhiều các loại vật liệu khác nhau mà tập trung vào một số loại vật liệu, nghiên cứu sâu cơ chế hoạt động của chúng từ đó đề ra các biện pháp nâng cấp chúng, coi khả năng tích hợp của chúng trong linh kiện hoàn chỉnh cuối cùng là đích.
Với cách tiếp cận đó, nhóm nghiên cứu có thể tập trung các tài nguyên đang có, chủ động tìm kiếm và phát triển các hợp tác nghiên cứu phù hợp, có nhiều thời gian lật đi lật lại vấn đề nghiên cứu. Với đích nghiên cứu là linh kiện cuối như vậy thì các thành viên của nhóm nghiên cứu, những người có chuyên môn có thể khá xa nhau, đều có thể chủ động và sáng tạo đóng góp vào công việc chung. Ví dụ, để bảo vệ một vật liệu điện cực chống lại ăn mòn, những nhà nghiên cứu có kiến thức tổng hợp phức kim loại có thể có những ý tưởng bất ngờ, tương đối khác so với suy nghĩ dùng các màng mỏng vật liệu bảo vệ thông thường.
Duy trì các nguồn tài trợ nghiên cứu luôn là một việc đau đầu đối với các nhóm nghiên cứu, không chỉ ở Việt Nam, đặc biệt là những nhóm thực hiện nghiên cứu cơ bản hoặc nghiên cứu định hướng ứng dụng nhưng công nghệ nghiên cứu mới chỉ ở giai đoạn đầu. Hơn nữa, là một nhóm nghiên cứu trẻ nên nhóm xác định ngay từ đầu là chắt chiu những nguồn tài trợ có được để phát triển nhóm: đầu tư thiết bị nghiên cứu nhỏ, thử nghiệm những nghiên cứu chưa được tài trợ, hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí cho nghiên cứu sinh, vv. Đến nay, tài trợ chủ yếu của nhóm nghiên cứu đến từ Quỹ NAFOSTED, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Liên minh các Đại học và Viện nghiên cứu Pháp vì sự phát triển của trường Đại học KH&CN Hà Nội (USTH Consortium). Các thành viên trẻ của nhóm luôn tích cực tìm kiếm các tài trợ nghiên cứu khác như kinh phí hỗ trợ nghiên cứu sau tiến sĩ của Học viện KH&CN (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam). Cũng phải nhấn mạnh là trường Đại học KH&CN Hà Nội rất ủng hộ nhóm nghiên cứu, tạo điều kiện và ưu tiên đầu tư trang thiết bị nghiên cứu. Đầu tư của trường chắc chắn là nguồn tài trợ lớn nhất mà nhóm nghiên cứu đã duy trì được.
PGS. TS Vương Thị Ngọc Lan (HOPE)
trao đổi với đồng nghiệp quốc tế.
Bác sĩ Hồ Mạnh Tường (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu HOPE – Bệnh viện Mỹ Đức, TPHCM)
Trong quá trình nghiên cứu, giao lưu và hợp tác với các đồng nghiệp ở nước ngoài từ hơn 10 năm trước, chúng tôi nhận thấy rằng nếu muốn tổ chức hoạt động nghiên cứu hiệu quả và có chất lượng, cần xây dựng được một hệ thống hỗ trợ hoạt động nghiên cứu thật tốt. Từ năm 2014, với sự hỗ trợ, đầu tư ban đầu của Bệnh viện Mỹ Đức TPHCM, chúng tôi từng bước xây dựng hệ thống hỗ trợ cho hoạt động nghiên cứu, bao gồm: (1) Hệ thống phê duyệt và quản lý thủ tục hồ sơ nghiên cứu; (2) Xây dựng nhóm giám sát thực hiện và thu thập số liệu; (3) Xây dựng nhóm quản lý và phân tích số liệu; (4) Xây dựng nguồn y văn tham khảo; (5) Xây dựng các nhóm nghiên cứu chuyên đề; (6) Tăng cường hợp tác quốc tế….
Nhờ hệ thống hỗ trợ nghiên cứu lâm sàng hiệu quả và sự giúp đỡ ban đầu của các đồng nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm về hoạt động nghiên cứu lâm sàng, từ năm 2014, chúng tôi đã triển khai rất hiệu quả các dự án nghiên cứu lâm sàng. Đến năm 2018, Trung tâm nghiên cứu HOPE (HOPE Research Center – HRC), tiền thân là Phòng Nghiên cứu khoa học thuộc Bệnh viện Mỹ Đức, được chính thức thành lập với các mục tiêu, chiến lược và hệ thống tổ chức tương đối hoàn chỉnh. Từ năm 2018 đến nay, số công bố quốc tế trên tạp chí ISI và tạp chí có chỉ số ảnh hưởng cao liên tục tăng. Trong ba năm 2018-2020, HRC có hơn 40 bài công bố trên các tạp chí ISI, trong đó có nhiều tạp chí uy tín của ngành. Đặc biệt, HRC đã có hai bài nghiên cứu gốc đăng trên hai tạp chí Y khoa hàng đầu thế giới là New England Journal of Medicine (năm 2018) và The Lancet (năm 2021).
Trong những năm đầu, kinh phí hoạt động của hệ thống hỗ trợ và các chi phí thực hiện nghiên cứu chủ yếu do Bệnh viện Mỹ Đức tài trợ. Khoảng gần năm năm trở lại đây, nhóm nghiên cứu bắt đầu xin được các nguồn tài trợ khác trong và ngoài nước cho các dự án nghiên cứu, trong đó, một hướng nghiên cứu lớn của nhóm cũng đã nhận được tài trợ từ NAFOSTED năm 2018.
Kể từ năm 2019, HRC gần như có thể tự chủ về tài chính nhờ vào nguồn tài trợ nghiên cứu trong và ngoài nước. Hiện nay, Bệnh viện Mỹ Đức chỉ còn hỗ trợ về mặt tổ chức, cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho HRC và một phần kinh phí cố định trích từ ngân sách bệnh viện.
PGS. TS. Phạm Văn Hùng (ngoài cùng bên phải) đang hướng dẫn các nhà nghiên cứu trẻ và sinh viên trong phòng thí nghiệm.
PGS. TS Phạm Văn Hùng (trưởng nhóm Hóa sinh và Dinh dưỡng thực phẩm, ĐHQG TPHCM)
Nhóm nghiên cứu của chúng tôi được thành lập vào năm 2010. Trải qua quá trình 10 năm hoạt động nghiên cứu khoa học, nhóm nghiên cứu đã công bố được 120 bài báo trên các tạp chí quốc tế, trong nước và các hội thảo khoa học, trong đó có hơn 40 bài báo trên các tạp chí quốc tế uy tín thuộc danh mục SCIE. (PGS. TS. Phạm Văn Hùng được trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2018 – PV). Từ những kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu của chúng tôi được Quỹ NAFOSTED công nhận là một trong 16 nhóm nghiên cứu mạnh của Quỹ.
Từ những ngày đầu về Viêt Nam, tôi đã xác định làm nghiên cứu ở Việt Nam đương nhiên gặp phải khó khăn, trong đó khó khăn ban đầu là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, nguồn kinh phí để nhóm nghiên cứu có thể hoạt động. Thật may mắn là khi về công tác tại ĐH Quốc tế, nhà trường đã tạo môi trường làm việc thuận lợi cho nhóm nghiên cứu thực hiện các dự án nghiên cứu của mình. Chúng tôi còn được sự hỗ trợ rất lớn về nguồn kinh phí nghiên cứu từ ĐHQG TP.HCM, và đặc biệt là kinh phí nghiên cứu từ Quỹ NAFOSTED, và các nguồn tài trợ từ địa phương, doanh nghiệp như tỉnh Đồng Tháp, Công ty TNHH Cacao Trọng Đức, Công ty Golden Cashew, v.v… Từ những sự hỗ trợ này, chúng tôi đã có thể yên tâm công tác và thực hiện các ý tưởng nghiên cứu.
Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, chúng tôi vẫn đang cố gắng tìm kiếm các nguồn tài trợ từ các tổ chức trong nước và quốc tế để thực hiện các ý tưởng khoa học mới, liên, liên kết với các doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ phục vụ cộng đồng, hợp tác với các nhóm nghiên cứu mạnh trong nước và quốc tế nhằm hướng tới mục tiêu trong những năm tới là duy trì các nghiên cứu đỉnh cao kết hợp với chuyển giao công nghệ. Qua đó, chúng tôi mong là một trong những nhóm nghiên cứu mạnh của Việt Nam nói chung và của ĐHQG TP.HCM nói riêng với kết quả công bố từ 5-10 bài báo quốc tế uy tín/năm, chuyển giao từ 1-2 công nghệ/năm, góp phần đào tạo thêm nhiều nhà gương mặt trẻ ngành Công nghệ sinh học, Công nghệ Thực phẩm, Hóa Sinh và Dinh dưỡng thực phẩm tại trường ĐH Quốc tế và các trường thành viên.
Từ kinh nghiệm hoạt động nghiên cứu khoa học trong những năm vừa qua, tôi nhận thấy rằng thành công của nhóm nghiên cứu là do có sự đột phá về cơ chế chính sách trong phát triển KH&CN, trong đó sự ra đời của Quỹ NAFOSTED là một ví dụ. Nhóm nghiên cứu cũng đã nhận được sự ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động nghiên cứu khoa học của Ban giám đốc ĐHQG TP.HCM, Ban giám hiệu trường ĐH Quốc tế và cơ quan chức năng. Ngoài ra, không thể không kể đến đội ngũ các nhà khoa học trẻ tâm huyết thực hiện các nghiên cứu khoa học trong điều kiện hiện nay của Việt Nam.
TS. Nguyễn Trần Thuật (trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nano và năng lượng, ĐHQGHN)
Để nhóm nghiên cứu có được những đóng góp trong lĩnh vực của mình, tôi nghĩ rằng có ba điều phải làm là lao động cật lực ở nhiều khía cạnh như lên kế hoạch thí nghiệm, phân tích kết quả, viết công bố hoặc bảo vệ sở hữu trí tuệ…; lao động bền bỉ bởi cần làm một thứ thật lâu để có thể hiểu cặn kẽ các ngõ ngách của vấn đề và trở thành chuyên gia trong vấn đề đó; cần phải luôn cập nhật với tình hình phát triển trên thế giới, tạo mối quan hệ với các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực của mình trên thế giới, nắm được các xu thế chuyển động, kết nối được các xu thế đó với thứ mình đang làm để trong dài hạn, chủ đề nghiên cứu của mình sẽ không trở nên “lỗi thời”. Nếu làm được cả ba điều trên thì cơ hội những đóng góp của nhóm nghiên cứu sẽ trở thành đáng kể trong lĩnh vực là không nhỏ.
Với chúng tôi, việc duy trì nguồn tài trợ cho nhóm nghiên cứu là tối quan trọng để đảm bảo sự phát triển. Trong quá trình phát triển nhóm nghiên cứu của mình tại trường Đại học KHTN, ĐHQGHN, các nguồn tài trợ đã huy động được bao gồm: (i) từ ĐHQGHN thông qua một đề tài cấp bộ, (ii) từ Quỹ Nafosted thông qua hai đề tài nghiên cứu cơ bản, (iii) từ quỹ VinIF thông qua một dự án nghiên cứu ứng dụng. Ngoài ra thì nhóm nghiên cứu của mình đang mở rộng kết nối với các doanh nghiệp để có thể thực hiện các hợp đồng dịch vụ tư vấn khoa học, cùng với doanh nghiệp phát triển các loại vật liệu hoặc linh kiện cần thiết cho quy trình sản xuất và phát triển sản phẩm của họ.