Sáng 27/6, tại Đà Nẵng, 7 trường đại học kỹ thuật hàng đầu Việt Nam đã ký kết thống nhất những nguyên tắc chung nhằm bảo đảm chương trình đào tạo kỹ sư được xây dựng theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp với chuẩn về đầu vào, đầu ra và khối lượng kiến thức tương đương trình độ thạc sĩ.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội, trả lời phỏng vấn của Khoa học và Phát triển, về những nội dung và mục đích chính của ký kết.
PHỤC HỒI ĐÀO TẠO KỸ SƯ LÀ ĐÀO TẠO SAU ĐẠI HỌC
Xin ông cho biết, xuất phát từ nhu cầu nào mà 7 trường kỹ thuật, bao gồm ĐH Bách khoa Hà Nội, quyết định ký kết thống nhất những nguyên tắc chung trong phát triển chương trình đào tạo kỹ sư?
Trước đây chúng ta áp dụng mô hình đào tạo kỹ sư của các nước châu Âu với hầu hết các chương trình kéo dài 5 năm. Đầu những năm 1990, khi chúng ta có mô hình đào tạo thạc sĩ, vô hình trung bằng kỹ sư được coi tương đương bằng cử nhân, hay bằng tốt nghiệp đại học. Người có bằng Kỹ sư thông thường phải học 2 năm mới được nhận bằng Thạc sĩ. Tới những năm gần đây, khi áp dụng đào tạo theo tín chỉ, mỗi trường đào tạo kỹ sư với thời gian và khối lượng kiến thức khác nhau. Trong khi một số trường truyền thống vẫn đào tạo theo chương trình 5 năm, thì có trường chỉ đào tạo 4 năm – 4 năm rưỡi là cấp bằng. Điều này thật sự không còn phù hợp với chuẩn mực, thông lệ quốc tế nữa, đặc biệt là ở mô hình kỹ sư châu Âu vốn được đánh giá cao. Hiện nay ở châu Âu, bằng kỹ sư được coi như bằng sau đại học, tương đương bằng thạc sĩ, thậm chí ở một số nước còn được coi trọng hơn bằng thạc sĩ. Ở Mỹ cũng có một số trường đào tạo kỹ sư với thời lượng và khối lượng kiến thức tương đương chương trình thạc sĩ.
Vậy mục đích chính của công bố chung này là gì, thưa ông?
Công bố chung của chúng tôi trước hết hướng tới mục đích hội nhập quốc tế, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ của quốc tế trong đào tạo kỹ sư. Thứ hai là tạo ra sự thống nhất giữa các trường đại học kỹ thuật về những nguyên tắc chính trong đào tạo kỹ sư, ít nhất là ở 7 trường tham gia ký kết, gồm: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội; Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng; Trường ĐH Xây dựng; Trường ĐH Giao thông Vận tải; Trường ĐH Thuỷ Lợi; và Trường ĐH Mỏ-Địa chất. Tất cả nhằm nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư, lấy lại và khẳng định giá trị của tấm bằng kỹ sư, mang lại lợi ích cho người học, cho doanh nghiệp và cho xã hội, đặc biệt trong bối cảnh KH&CN phát triển rất mạnh.
Ông có thể nêu cụ thể các trường đã thống nhất những nguyên tắc nào về chương trình đào tạo kỹ sư?
Đầu tiên, các trường nhất trí, chương trình sẽ được xây dựng theo hướng chuyên sâu nghề nghiệp và phải gồm ít nhất 180 tín chỉ, đáp ứng yêu cầu của bậc 7 trong khung trình độ quốc gia (gồm 8 bậc) và tương đương yêu cầu của trình độ thạc sĩ về các điều kiện và chuẩn đào tạo như chuẩn đầu vào, chuẩn giảng viên, chuẩn quá trình đào tạo, chuẩn đầu ra. Người tốt nghiệp cũng có thể học chuyển đổi kiến thức qua lại giữa văn bằng Kỹ sư và Thạc sĩ.
Nguyên tắc thứ 2, sẽ có 2 mô hình đào tạo: Mô hình đào tạo tích hợp cử nhân – kỹ sư, sinh viên học thẳng lên kỹ sư và khi tốt nghiệp sẽ có 2 bằng - bằng cử nhân kỹ thuật và kỹ sư; và mô hình 2 giai đoạn, sau mỗi giai đoạn, các em sẽ nhận được một tấm bằng tương ứng, theo đó, các em có thể dừng ở trình độ cử nhân hoặc học tiếp lên kỹ sư cho cùng ngành đào tạo hoặc các ngành gần. Ở mô hình sau, các em tốt nghiệp cử nhân trường này có thể học lên kỹ sư ở các trường khác trong phạm vi của 7 trường tham gia ký kết.
SINH VIÊN THÊM CƠ HỘI TIẾP CẬN KIẾN THỨC CHUYÊN SÂU VÀ THỰC TIỄN NGHỀ NGHIỆP
Xin ông cho biết, khi số tín chỉ tăng lên thì thời gian học sẽ kéo dài thêm bao lâu?
Hiện nay, có nhiều trường vẫn đào tạo kỹ sư với thời lượng 5 năm như ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Xây dựng, với số lượng tín chỉ đã vào khoảng 160 – 165, chứ không phải 150 tín chỉ như yêu cầu tối thiểu theo Nghị định 99/2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung. Như vậy, các chương trình sắp tới thêm 15 -20 tín chỉ nữa thì sinh viên có thể học thành 5 năm rưỡi vì 15 – 20 tín chỉ tương đương với 1 học kỳ. Nhưng chúng tôi sẽ thiết kế để chương trình có 2 kế hoạch và tùy theo sức học, các em có thể hoàn thành chương trình trong 5 năm hoặc 5 năm rưỡi. Hiện trong chương trình 5 năm ở ĐH Bách khoa Hà Nội, số em có thể tốt nghiệp trong vòng 4 năm rưỡi ngày càng tăng. Cách học tích lũy tín chỉ cho phép các em lập kế hoạch linh hoạt.
Vậy sau công bố chung này, các trường dự định hành động cụ thể như thế nào?
Từng trường sẽ rà soát, điều chỉnh xây dựng lại chương trình đào tạo kỹ sư của mình dựa trên những nguyên tắc đã thống nhất. Lộ trình là một số trường sẽ áp dụng chương trình đào tạo theo khung thống nhất ngay từ khóa tuyển sinh năm nay, các trường còn lại áp dụng từ khóa học 2021-2022. Tiến tới các trường sẽ ngồi lại với nhau để cùng xây dựng chuẩn chương trình các ngành kỹ thuật trong một số lĩnh vực.
Các em sinh viên sẽ được lợi gì từ chương trình đạo tạo kỹ sư mới, theo ông?
Nhu cầu thị trường nhân lực hiện nay rất đa dạng, có thể một phần thị trường chỉ cần lao động trình độ đào tạo 4 năm cho những công việc vận hành mà mô hình đào tạo kỹ sư hiện nay của chúng ta đã đáp ứng được. Nhưng bên cạnh đó, chắc chắn các doanh nghiệp còn có nhu cầu tìm kiếm những kỹ sư thực thụ, có trình độ cao hơn, chuyên nghiệp hơn, kỹ năng thực tế tốt hơn. Nhu cầu này rất lớn trong các ngành CNTT, điều khiển tự động hóa, cơ điện tử…
Học thêm 15-20 tín chỉ, sinh viên có thêm cơ hội thực tập, làm đồ án thiết kế, học những môn chuyên ngành gắn hơn với thực tiễn để các em tăng cơ hội tìm được việc làm tốt, giảm thời gian học việc và doanh nghiệp cũng đỡ tốn thời gian đào tạo bổ sung.
Tấm bằng cử nhân kỹ thuật và kỹ sư hiện nay của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã khá danh giá khi 92% sinh viên tìm được việc làm trong vòng 6 tháng sau khi tốt nghiệp, bởi vậy điều chúng tôi quan tâm không phải là tỉ lệ có việc làm mà là vị trí công việc, mức thu nhập và khả năng thăng tiến về sau của các em. Bên cạnh đó, định hướng của ĐH Bách khoa Hà Nội cũng như nhiều trường kỹ thuật khác là đào tạo sinh viên tốt nghiệp có khả năng tác nghiệp trong môi trường quốc tế ở khu vực và trên thế giới. Bởi vậy, nếu tấm bằng được khẳng định phù hợp chuẩn mực thế giới, nó sẽ giúp các em tự tin tìm kiếm những vị trí tốt cả ở trong và ngoài nước.
Các ông có kỳ vọng công bố chung này mang lại tác động lớn hơn là chỉ trong phạm vi 7 trường không?
Chúng tôi tin tưởng như vậy. Hiện nay, khi chúng tôi ký kết thì một số trường khác đã tỏ ra rất quan tâm, muốn làm quan sát viên và bàn thảo để xem xét khả năng tham gia sau này.
Bảy trường - vốn là các trường truyền thống hàng đầu về kỹ thuật - không phải nhanh chóng và dễ dàng mà đi được đến công bố chung thì chắc chắn các trường khác cũng cần thời gian nghiên cứu để quyết định có tham gia hay không. Đương nhiên sẽ rất tốt nếu kết quả thỏa thuận của chúng tôi lan tỏa được trong hệ thống.
Trân trọng cảm ơn ông.
ĐH Bách khoa Hà Nội nhen nhóm ý tưởng nâng cao trình độ kỹ sư tương đương sau đại học từ lâu rồi. Khi xây dựng đề án đổi mới mô hình và chương trình đào tạo từ cách đây 10 năm, chúng tôi đã chỉ ra điểm bất cập trong Luật Giáo dục trước kia, khi quy định tốt nghiệp đại học các trường kỹ thuật thì được gọi là kỹ sư. Tuy nhiên, phải đến khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH có hiệu lực từ giữa năm 2019 thì chúng tôi mới có cơ sở pháp lý để bắt tay xây dựng chương trình đào tạo kỹ sư ở bậc sau đại học.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội |