Để hỗ trợ ngành trí tuệ nhân tạo đầy tiềm năng, chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng đưa giáo dục AI vào chương trình ở bậc tiểu học và trung học.

Ở Trung Quốc, những bước tiến lớn đã được thực hiện khi tích hợp giáo dục phổ thông với trí tuệ nhân tạo. Nguồn: TL

Sáng kiến của Bộ Giáo dục

Năm 2017, Quốc vụ viện Trung Quốc ban hành “Kế hoạch phát triển AI thế hệ tiếp theo” như một hướng dẫn quan trọng cho mục tiêu trở thành “trung tâm đổi mới sáng tạo AI hàng đầu của thế giới” vào năm 2030. Một trong những nội dung chính của kế hoạch này là nâng cao nhận thức và khả năng sử dụng công nghệ AI cho người dân thông qua việc phổ cập giáo dục AI. Theo đó, Kế hoạch đề xuất tạo ra những “khóa học liên quan đến AI ở các trường tiểu học và trung học”, cũng như “xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng về giáo dục công cho AI”.

Để thực hiện chính sách quốc gia này, vào tháng 9/2018, Bộ Giáo dục đã khởi xướng “Chương trình giáo dục AI ở tiểu học và trung học”, thiết kế nên những khóa học AI chất lượng cao với sự hợp tác của các trường phổ thông, trường đại học và đối tác tư nhân. Chương trình cũng lo liệu kế hoạch phân phối thiết bị giảng dạy AI cho trường học và hướng dẫn các trường lập kế hoạch học tập.

Theo chuẩn chương trình đào tạo mới nhất về công nghệ thông tin ở Trung Quốc, “các khái niệm chính về trí tuệ nhân tạo” sẽ trở thành một trong sáu “khóa học bắt buộc tùy chọn” (tức các học phần có thể không có trong nội dung thi tốt nghiệp nhưng vẫn bao gồm trong đánh giá chung đối với học sinh) ở tất cả các trường THPT từ năm học 2022-2023. Các chuẩn đầu ra về giáo dục công nghệ thông tin ở bậc THPT cũng quy định rằng học sinh phải hiểu biết cơ bản về “các khái niệm và thuật toán cốt lõi của AI”, làm quen với “các ứng dụng AI cơ bản sử dụng mã nguồn mở” và “các thách thức về đạo đức và bảo mật trong một xã hội thông minh”.

Một số trường phổ thông ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Chiết Giang, Sơn Đông… đã được chọn để thí điểm những khóa học AI. Họ được trao quyền tự chủ và linh hoạt trong việc thiết kế chương trình giảng dạy và lựa chọn sách giáo khoa. Bộ Giáo dục khuyến khích các Sở Giáo dục điều phối việc “soạn thảo và thông qua một cuốn sách giáo khoa phù hợp với điều kiện địa phương và lịch học”. Kể từ năm 2018, các phiên bản sách giáo khoa AI đã được phát hành – phần lớn do các chuyên gia giáo dục trong nước kết hợp với những người hoạt động trong ngành AI soạn thảo.

Hợp tác công-tư

Khu vực tư nhân của Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong việc bổ sung cho chính sách giáo dục AI mà nhà nước ban hành. Không chỉ cùng bắt tay soạn thảo sách giáo khoa, họ còn cung cấp cho các trường đối tác những công cụ và nền tảng cần thiết để dạy các kỹ năng AI.

Chẳng hạn, kỳ lân công nghệ AI SenseTime đã hợp tác với Trung tâm học trực tuyến mở đại chúng của Đại học Sư phạm Hoa Đông đề xuất bản cuốn sách về “các nguyên tắc cơ bản về trí tuệ nhân tạo” (phiên bản THPT), được cho là sách giáo khoa AI đầu tiên trên thế giới vào năm 2018. Sau đó, doanh nghiệp này thành lập công ty con SenseTime Edu để cung cấp một “gói các giải pháp giáo dục AI” tích hợp - gồm nền tảng học tập, phòng thí nghiệm, robot giáo dục sử dụng công nghệ độc quyền, sách giáo khoa, các khóa đào tạo và chứng nhận cho giáo viên.

Trong khi đó, iFlytek, một công ty có tên tuổi trong lĩnh vực giáo dục thông minh, đã hợp tác với Đại học Sư phạm Tây Bắc và Trung tâm Công nghệ Giáo dục Quốc gia Trung Quốc biên soạn sách giáo khoa AI đầu tiên cho bậc THCS, đi kèm là một bộ công cụ thực hành trực tuyến do iFlytek phát triển. Công ty còn tổ chức các buổi đào tạo cho giáo viên và cuộc thi robot cho lứa tuổi học sinh.

Các trường đại học sư phạm cũng ưu tiên nguồn lực cho các hoạt động giao thoa giữa AI và giáo dục, chẳng hạn, năm 2020, Đại học Sư phạm Hoa Đông thành lập Viện Giáo dục AI Thượng Hải (iAIE), trước mắt chủ yếu nghiên cứu việc ứng dụng các công nghệ AI vào giáo dục, nhưng về lâu dài hoàn toàn có khả năng trở thành nơi cung cấp nguồn lực để phát triển việc giảng dạy AI như một môn học trong tương lai.

Ngoài ra, còn có một số viện và hiệp hội đóng vai trò tích cực trong việc tập hợp các bên để thảo luận những vấn đề liên quan đến giáo dục AI. Ví dụ gần đây nhất là “Hội thảo Giáo dục AI dành cho các trường tiểu học và trung học” được đồng tổ chức vào tháng 7/2021 bởi Hiệp hội Trí tuệ Nhân tạo Trung Quốc, Trường THCS và THPT trực thuộc Đại học Nhân dân Trung Hoa, và một số đối tác kinh doanh để chia sẻ kinh nghiệm triển khai các chương trình thí điểm AI sớm nhất và thành công nhất trong nước.

Điểm mạnh và điểm yếu

Việc tích hợp thành công giáo dục AI vào cấp tiểu học và trung học ở Trung Quốc có thể quy cho một số yếu tố. Trước hết, Chính phủ đã nhìn nhận AI là một lĩnh vực có tầm quan trọng chiến lược và đặt trọng tâm vào việc phát triển và nuôi dưỡng nhân tài AI.

Mặc dù Bộ Giáo dục Trung Quốc hiện đang hoạt động theo cách phi tập trung hơn so với nhiều thập kỷ trước nhưng các quyết định của họ vẫn có hiệu lực và được các cơ sở giáo dục ở địa phương tuân thủ rất nghiêm túc. Bộ Giáo dục đã đi đầu trong việc thiết lập khuôn khổ và cung cấp những bước khởi động, nhờ vậy các viện, trường và khu vực tư nhân có thể dễ dàng triển khai theo và tạo ra nhiều cuộc chạy đua trên thị trường giáo dục. Thẩm quyền mạnh mẽ của cơ quan quản lý giáo dục giúp đảm bảo rằng mối quan hệ đối tác công - tư trong đào tạo AI sẽ tạo ra được những sản phẩm cân bằng giữa cả hai khía cạnh sư phạm và kỹ thuật.

Việc giảng dạy AI cũng được hưởng lợi từ sự phát triển nhanh chóng của chính ngành AI nội địa. Trong những năm qua, Trung Quốc đã trở thành quốc gia có tốc độ áp dụng AI và những công nghệ mới nổi khác nhanh hơn hầu hết các cường quốc AI khác. Cả các nhà hoạch định chính sách và công chúng đều sẵn sàng chấp nhận thử nghiệm và lắp đặt các công nghệ mới mà họ cho là có thể nâng cao hiệu quả và tiện lợi trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Thế hệ Gen Z sinh ra trong giai đoạn 1990 – 2010 và lớn lên trong bối cảnh đất nước hiện đại hóa với tốc độ mạnh nhất từ trước đến nay đã được tiếp xúc với công nghệ kỹ thuật số từ khi còn nhỏ. Ngay cả trước khi AI trở thành một phần trong chương trình giảng dạy ở trường phổ thông, nhiều người trong số đó đã tiếp xúc với AI thông qua Internet, TV và các sách báo. Chính sự quen thuộc và hứng thú đối với công nghệ đã tạo nền tảng quan trọng để giáo dục AI được đón nhận tại trường học.

Trẻ em xem Robot đấu kiếm tại Cuộc thi Robot và Trí tuệ Nhân tạo Quốc gia (NRAIC) lần thứ 20 tại huyện Thuận Đức của Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông năm 2018. Ảnh: Xinhua
Trẻ em xem Robot đấu kiếm tại Cuộc thi Robot và Trí tuệ Nhân tạo Quốc gia (NRAIC) lần thứ 20 tại huyện Thuận Đức của Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông năm 2018. Ảnh: Xinhua

Tuy nhiên, điểm yếu nổi bật nhất trong giáo dục công lập về AI ở Trung Quốc hiện tại là thiếu một hệ thống tiêu chuẩn rõ ràng đối với những nội dung cần được giảng dạy ở mỗi bậc học. Ví dụ, các chương trình giảng dạy và sách giáo khoa AI thường khác nhau về cách tiếp cận, một số trong đó có thể không phù hợp với khả năng nhận thức và trình độ kiến thức của học sinh về khoa học và toán học – có giáo viên than phiền rằng một số nội dung quá khó với trẻ nhỏ.

Một hạn chế khác nằm ở việc thiếu hụt giáo viên có trình độ và kinh nghiệm cho môn học tương đối mới này. Chỉ 35,2% giáo viên được khảo sát cho biết từng có kinh nghiệm giảng dạy nội dung liên quan đến AI, chủ yếu là giáo viên ở những tỉnh khá giả hơn hoặc nơi đã được thí điểm giáo dục. Khoảng một phần ba trong số này bày tỏ họ không tự tin mình có đủ trình độ để dạy các khóa học AI.

Ngoài ra, vẫn còn nhiều điều phải cải thiện trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng hỗ trợ giáo dục AI. Phần lớn các trường đã triển khai chương trình học AI mà không xây dựng được phòng thí nghiệm AI chuyên dụng - thay vào đó, họ sử dụng các phòng thí nghiệm công nghệ thông tin sẵn có. Chúng thường không được trang bị đầy đủ cho việc giảng dạy AI. Học sinh ở các vùng nông thôn càng gặp nhiều thách thức hơn. Trên thực tế, giáo dục AI hiện đang là đặc quyền của các tỉnh/thành phát triển, và điều này có thể làm trầm trọng hơn khoảng cách kỹ thuật số giữa các vùng.

Khảo sát gần đây cho thấy số học sinh có hiểu biết về AI ở các trường thí điểm là 85,2% - so với tỷ lệ 67,3% ở các trường công lập thông thường và có thể còn thấp hơn nữa đối với các trường ở vùng nông thôn. Thu hẹp khoảng cách về tiếp cận với AI - đặc biệt là làm sao cung cấp cho học sinh một nền tảng bình đẳng trong việc học tập AI - vẫn là một nhiệm vụ rất lớn đối với Bộ Giáo dục, các trường học và đối tác doanh nghiệp ở Trung Quốc.

UNESCO: AI là ngữ pháp cơ bản của thế kỷ

Mới đây, vào tháng 4/2022, UNESCO đã công bố báo cáo đầu tiên về tình hình giảng dạy AI ở các bậc từ mẫu giáo đến THPT trên toàn cầu. Báo cáo cho biết, chỉ có 11 quốc gia đã phát triển và phê duyệt chương trình giảng dạy AI (gồm Áo, Bỉ, Bồ Đào Nha, Serbia, Armenia, Kuwait, Qatar, Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc), và 4 quốc gia khác đang trong quá trình phát triển chương trình giảng dạy AI (gồm Bỉ, Đức, Jordan, Ả-rập Xê-út). Ngoài ra còn có các chương trình giảng dạy về AI do những bên phi chính phủ xây dựng nhưng chưa được các cơ quan chính phủ chính thức phê duyệt, bao gồm chương trình của IBM, Microsoft, Intel và MIT.

Dựa trên bài học ở các nước, báo cáo đưa ra nhiều phát hiện và khuyến nghị liên quan đến bốn giai đoạn chính trong việc cung cấp chương trình giảng dạy AI từ bậc mẫu giáo đến THPT, đó là: phát triển và phê duyệt chương trình, tích hợp và quản lý, xây dựng nội dung và kết quả học tập, và triển khai chương trình. Theo UNESCO, “AI là ngữ pháp cơ bản của thế kỷ” và tất cả công dân cần được trang bị một số kiến thức và kỹ năng cơ bản để hiểu về AI, hay nói cách khác là cần được “xóa mù về AI”.

Theo UNESCO

Nguồn: