Một nghiên cứu mới cho thấy sự thiên vị trong việc tuyển dụng tại các cơ sở giáo dục đại học ở Mỹ, khiến các nhà nghiên cứu ít có cơ hội tìm được việc làm tại các trường được coi là danh tiếng hơn trường mà họ xuất thân.

Cụ thể, nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature ngày 21/9 cho thấy: một nhóm nhỏ (20%) các trường có đào tạo Tiến sĩ ở Mỹ đã cung cấp hầu hết (80%) nhân sự cho các trường trên khắp đất nước từ năm 2011 đến năm 2020.

Không có trường nào vốn tiền thân là những trường dành chongười da đen (Historically Black College or University - HBCU) hay người gốc Tây Ban Nha (Hispanic-Serving Institution - HSI) nằm trong số 20% nói trên, theo Hunter Wapman, nhà khoa học máy tính tại Đại học Colorado Boulder (UC Boulder) và đồng tác giả nghiên cứu.

"Thật buồn khi nhìn thấy dữ liệu này, có rất nhiều nghiên cứu và chương trình đào tạo sáng giá bên ngoài nhóm nhỏ 20% đó đang bị bỏ qua", Leslie Gonzales, nhà giáo dục đại học tại Đại học Bang Michigan, cho biết.

Bức tranh về chủ nghĩa tinh hoa này cũng được phản ánh trong một nghiên cứu khác, công bố hồi tháng trước trên tạp chí Nature Human Behaviour. Gần 25% giảng viên ở Mỹ có ít nhất cha hoặc mẹ có bằng tiến sĩ. Trong dân số nói chung, tỷ lệ có cha hoặc mẹ có bằng tiến sĩ dưới 1%.

Kết hợp lại, các nghiên cứu mô tả một hệ thống học thuật thiên vị. Trong đó hầu hết các giảng viên đều đến từ các gia đình có hoàn cảnh giống nhau, được đào tạo tại một số trường đại học danh tiếng, và vòng lặp tiếp tục.

Cứ 8 giáo sư có bề dày nhiệm kỳ tại các cơ sở đào tạo của Mỹ thì có một người đã lấy bằng tiến sĩ từ năm trường đại học ưu tú - Đại học California, Berkeley; Đại học Harvard, Cambridge, Massachusetts; Đại học Michigan, Ann Arbor; Đại học Stanford, California; và Đại học Wisconsin, Madison.

Thước đo danh tiếng bị lạm dụng

Nghiên cứu ngày 21/9 trên Nature dựa trên dữ liệu về 295.089 giảng viên đã làm việc tại 350 trường có đào tạo Tiến sĩ ở Mỹ từ năm 2011 đến năm 2020. Dữ liệu đến từ Trung tâm Nghiên cứu Phân tích Học thuật có trụ sở tại Bắc Carolina, nơi cung cấp cho Larremore và nhóm quyền truy cập thông tin.

Nhóm Larremore, Wapman và các đồng nghiệp chia dữ liệu thành 107 lĩnh vực khoa học.

Trong số gần 300.000 giảng viên, chỉ có từ 5-23% đang làm việc tại một cơ sở danh tiếng hơn trường mà họ theo học tiến sĩ. Các lĩnh vực đều có ít "tính di động đi lên" giữa nơi cấp bằng tiến sĩ và nơi làm việc, đặc biệt là các lĩnh vực lâu đời.

Các ủy ban tuyển dụng dường như đang dùng danh tiếng hơi học tập làm đại diện cho sự xuất sắc trong công việc, Kimberly Griffin, trưởng khoa Giáo dục tại Đại học Maryland ở College Park, nói.

Nhưng danh tiếng không đồng nghĩa với mức độ phù hợp trong công việc. Các chương trình sau đại học danh tiếng thường nhận sinh viên dựa trên điểm của một số bài thi chuẩn hóa, thư giới thiệu và bằng cấp đại học. Tất cả những điều này có thể gây bất lợi cho sinh viên da màu, theo Griffin.

Cũng cần lưu ý đến lịch sử của "danh tiếng", theo Gonzales. Lịch sử thành lập các trường đại học ưu tú của Mỹ gắn liền với việc loại trừ các nhóm thiểu số. Ví dụ, nhiều cơ sở đào tạo có lịch sử chiếm đoạt đất đai từ các nhóm bản địa, hoặc có được tiền và cơ sở hạ tầng từ sức lao động của những người da đen bị nô dịch.

Bài học từ dữ liệu

Nghiên cứu mới cũng cho thấy tỷ lệ nhân sự nữ được tuyển dụng thêm vẫn không thay đổi kể từ năm 2011 ở 100/107 lĩnh vực được phân tích, và giảm ở 7 lĩnh vực còn lại. Những xu hướng này cho thấy nỗ lực tuyển dụng phụ nữ trong các cơ sở đào tạo không có kết quả, ít nhất là kể từ năm 2011, Larremore nói.

Có nhiều cách để giới học thuật bớt bị ám ảnh với "danh tiếng" và giảm bớt sự bất bình đẳng. Theo Gonzales, các ủy ban tuyển dụng nên liệt kê ra một danh sách những nơi họ định tìm nhân sự cho một vị trí. Sau đó kiểm tra tính đa dạng của danh sách, đã có các HBCU, HSI chưa và đã bao gồm nhiều các tổ chức đến từ nhiều khu vực khác nhau chưa.

Khả năng tiếp cận công việc không bình đẳng dẫn đến hậu quả lớn.

“Việc ai là người làm nghiên cứu sẽ ảnh hưởng đến những câu hỏi mà nghiên cứu sẽ đặt ra. Nếu không đa dạng, toàn diện nhất có thể, chúng ta đang mất đi những người thông minh có thể thay đổi thế giới tốt đẹp hơn", Aaron Clauset, nhà khoa học máy tính tại UC Boulder và là đồng tác giả của cả hai nghiên cứu được đề cập, nói.

Nguồn: