Cuộc khủng hoảng khí hậu và đa dạng sinh học mà nhân loại đang đối mặt đòi hỏi chúng ta không phải chỉ chuyển dịch sang các dạng năng lượng trung hòa carbon, mà còn cần mở ra một nền kinh tế tuần hoàn, trong đó một tỷ lệ đáng kể các tài nguyên vật chất được tái sử dụng và cho mục đích đa dạng.

Để đạt được mục tiêu đó, việc phát triển công nghệ mới sẽ đóng vai trò quyết định.

Có rất nhiều việc mà nhân loại cần phải làm để đạt được mục tiêu cắt giảm lượng khí thải nhà kính, từ bỏ sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và ngăn ngừa thảm họa khí hậu.

Có rất nhiều việc mà nhân loại cần làm để đạt được mục tiêu cắt giảm khí thải nhà kính, từ bỏ nhiên liệu hóa thạch và ngăn ngừa thảm họa khí hậu.

Tình trạng biến đổi khí hậu và suy giảm đa dạng sinh học đang là những thách thức lớn nhất hiện nay, vì thế tất cả các lãnh đạo [chính trị] có trách nhiệm cần đưa ra được những chính sách đối phó hiệu quả trong dài hạn. Chúng ta cần chiến lược rõ ràng dựa trên mục tiêu khả thi và cần mạnh dạn triển khai các giải pháp. Đặc biệt, bất cứ chiến lược đáng tin cậy nào về khí hậu cũng cần có sự đóng góp phù hợp của đổi mới công nghệ.

Phần Lan đang đặt ra mục tiêu môi trường thuộc loại tham vọng nhất thế giới khi muốn trở thành quốc gia trung hòa carbon (climate neutral) vào năm 2035 và phát thải âm (carbon negative) sớm ngay sau đó. Chúng tôi muốn đi đầu trong số các nền kinh tế tiên tiến, không chỉ trên khía cạnh giảm thiểu phát thải mà còn sáng tạo một nền kinh tế tuần hoàn ưu tiên tính bền vững và loại bỏ sự lãng phí. Đến năm 2035, chúng tôi có kế hoạch tăng gấp đôi hiệu suất sử dụng và tỷ lệ xoay vòng tài nguyên.

Đó là những thước đo quan trọng trên lộ trình trở thành quốc gia đầu tiên không phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của chúng tôi. Nhưng các mục tiêu về khí hậu sẽ không thể đạt được nếu thiếu vắng những biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên khan hiếm và quý giá. Khám phá khoa học, công nghệ và đổi mới sẽ đóng vai trò trung tâm của bất cứ giải pháp lâu dài nào.

Trước hết, lãnh đạo các quốc gia cần cân nhắc kỹ lưỡng kế hoạch đưa nước mình rời xa nhiên liệu hóa thạch. Sự tập trung có thể hướng tới tăng cường sử dụng những dạng nhiên liệu và nguồn năng lượng không làm tổn hại đa dạng sinh học. Chúng ta nên khuyến khích nhận thức về các loại nhiên liệu gắn với những tiêu chí bền vững nghiêm ngặt và giảm thiểu phát thải trong suốt vòng đời của chúng.

Lấy ví dụ, các phụ phẩm của nhiên liệu sinh khối có thể được tận dụng để làm ra những sản phẩm chất lượng cao bền vững và phân hủy nhanh như vật liệu dệt may, xây dựng, .. từ đó cắt giảm nhu cầu khai thác tài nguyên rừng và bảo vệ đa dạng sinh học. Công nghệ chuyển hóa năng lượng “Power-to-X” sẽ mở ra cánh cửa cho các quy trình đa dạng để biến điện thành nhiệt, hydrogen, hay nhiên liệu tổng hợp.

Nhờ tăng cường đầu tư và đổi mới công nghệ, chúng ta sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào than đá, dầu thô, khí đốt,... khi sản xuất nhiên liệu tổng hợp từ CO2 được thu giữ lại. Chúng ta có thể bắt đầu với những loại khí thải sẵn có trong ngành công nghiệp năng lượng sinh khối, lò nung xi măng và cơ sở đốt chất thải rắn. Nhưng công nghệ mới cần sớm được phát triển để khai thác các nguồn carbon phi tập trung hơn, chẳng hạn: thu gom khí thải từ những tòa nhà văn phòng hoặc thậm chí bằng công nghệ DAC (hấp thụ trực tiếp).

Nhiều thử nghiệm trên thực tế đang được tiến hành. Đó là loại hydro được sản xuất bằng phương pháp điện phân, CO2 từ các nhà máy, và carbon thu giữ bằng công nghệ DAC có thể trở thành nguồn cung nhiên liệu lỏng và khí tổng hợp cho ngành vận tải đường bộ, hàng hải, hàng không, ... với mục tiêu trung hòa carbon. Những phương pháp này cũng có thể được dùng để sản xuất metanol tổng hợp như là một sản phẩm trung gian – từ đó chuyển hóa thành xăng, dầu hỏa và diesel. Nghe có vẻ lạ lẫm, song kỳ thực, chúng ta đang ở khá gần công nghệ chế tạo nhiên liệu từ không khí.

Những công nghệ và quy trình mới này có thể tương đối đắt đỏ lúc ban đầu. Nhưng nếu nhìn lại trường hợp của các tấm pin quang năng và cell nhiên liệu, chúng ta sẽ thấy giá thành công nghệ thường có xu hướng giảm mạnh khi quy mô tiêu thụ tăng lên. Hơn nữa, thị trường cho những công nghệ mới thân thiện với môi trường đang phát triển nhanh chóng, bất chấp sự khác biệt về quy mô sâu rộng – tùy thuộc vào mức độ hỗ trợ của chính phủ (thông qua các biện pháp như quy định về pha trộn nhiên liệu và định giá cabon).

Lấy ví dụ, những công nghệ sản xuất hydrogen mới hứa hẹn sẽ kéo theo nhu cầu tăng mạnh đối với nguồn điện năng phi hóa thạch để đạt quy mô như kỳ vọng. Nhưng điều này có thể được đáp ứng nhờ sự mở rộng của các hệ thống quang điện và phong điện, vốn đã là những lựa chọn ít tốn kém nhất để sản xuất điện ở nhiều nơi trên thế giới.

Công nghệ mới sẽ tạo nên một sự chuyển dịch lớn trong ngành vận tải, hướng tới sử dụng nhiên liệu bền vững, ở nhiều nước phát triển và đang phát triển. Điều này không chỉ cho phép chúng ta cắt giảm lượng khí thải từ các phương tiện giao thông trên toàn cầu mà còn định vị những ngành nghề phát thải âm trong tương lai.

Nhưng chỉ công nghệ là chưa đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu mà nhân loại đang đối mặt. Chúng ta còn cần môi trường chính sách phù hợp. Thành tố chính của một cuộc dịch chuyển “xanh” là nâng cao mức định giá carbon, đòi hỏi sự phối hợp và ủng hộ ở cấp độ quốc tế. Việc đạt được đồng thuận về tiêu chí bền vững cho cơ chế vận hành thị trường mua bán phát thải sẽ là một bước tiến quan trọng. Các chính phủ cần làm nhiều hơn để hỗ trợ sự thay đổi về mặt cấu trúc liên quan đến khung pháp lý và những biện pháp khuyến khích tài chính.

Sứ mệnh giảm thiểu sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch đòi hỏi một cuộc chuyển dịch trong các quy trình sản xuất năng lượng và công nghiệp. Nhưng ngay cả khi ấy, còn rất nhiều việc mà chúng ta cần phải làm để phát triển một nền kinh tế thật sự xanh và tuần hoàn. Từng nước sẽ có lợi thế và nhu cầu khác nhau, tuy nhiên những giải pháp tốt nhất đều có thể được nhân rộng ở các nước đã công nghiệp hóa lẫn đang phát triển.

Điểm mấu chốt là hoạt động phát thải trên toàn cầu cần phải sớm đạt giới hạn nếu nhân loại muốn hoàn thành mục tiêu cắt giảm khí thải và ngăn ngừa thảm họa khí hậu trong tương lai. Khi ấy, những công nghệ mới hứa hẹn cần được phát triển, tối ưu và triển khai để kiến tạo một nền kinh tế thật sự tuần hoàn và trung hòa carbon.


.

(*) Bài viết của bà Sanna Marin, đương kim thủ tướng Phần Lan.